“Phá bờ cơm nếp, tạo cánh đồng lớn”

Tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chuyên nghiệp hóa là rất cần thiết. Nhưng làm sao để người nông dân đổi mới được phương thức sản xuất cho phù hợp với yêu cầu mới? GS, TS, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân (ảnh bên) trả lời câu hỏi này cùng Nhân Dân cuối tuần.

“Phá bờ cơm nếp, tạo cánh đồng lớn”

- Thưa Giáo sư, việc tái cơ cấu ngành lúa, gạo - một vấn đề đặt ra cấp bách trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đã được thực hiện như thế nào trong giai đoạn vừa qua?

- Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã ra đời gần hai năm. Nhưng cần nhìn nhận, các địa phương ở ĐBSCL vẫn còn rất lúng túng, không biết phải đầu tư như thế nào và làm gì để cơ cấu lại diện tích lúa cho hiệu quả. Rõ ràng, suốt 40 năm nay, dù xuất khẩu gạo tăng mạnh, nhưng nông dân vẫn chưa giàu lên được từ đó. Đây là một Nghị quyết lịch sử, thể hiện tầm nhìn rất thực tế của Đảng và Nhà nước, giúp cho nông dân đổi đời. Chúng ta cần biết cách thực tế hóa tầm nhìn này mới có thể thực hiện thành công nghị quyết.

Gần đây, Chính phủ đã không bắt buộc nông dân trồng lúa, từ đó thay một tư duy mới rất phù hợp trong thời BĐKH: không coi nước mặn là một trở ngại mà biến nó thành cơ hội, bớt diện tích lúa để dành đất và tiết kiệm nước ngọt trồng những cây ăn trái có giá trị cao hơn. Nói cách khác, chúng ta phải biết kinh doanh nông nghiệp đa dạng hơn, thông minh hơn chứ không chỉ trồng lúa. Mặt khác cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp (DN) - nhất là DN nước ngoài - về đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn.

- Vậy chúng ta cần phát triển cây lúa theo hướng nào?

- Trước hết cần tập trung phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị. Quyết tâm thực hiện Nghị quyết 120, đòi hỏi các bộ, ngành, của Chính phủ phải đồng lòng phát triển nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tìm ra những doanh nhân có tâm và có tài nắm bắt thông tin thị trường, hoặc xông xáo tìm thị trường ở nước ngoài, để tổ chức đầu tư chế biến sản xuất những sản phẩm từ nông sản có thể đáp ứng với nhu cầu khách hàng quốc tế hay trong nước.

Tuy nhiên, tất cả những cố gắng của Chính phủ và địa phương, cùng các nhà DN sẽ là chưa đủ nếu không có sự đổi mới tiếp theo: đó là sự đổi mới của người nông dân. Phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún, nhất là nông dân trồng lúa. Phần lớn nông dân còn nghèo, hoặc rất nghèo. Một nhược điểm của nông dân lâu nay là khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, từ cái bờ ruộng nhỏ hẹp cũng không muốn phá đi, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thửa để có một trang trại lớn với những kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại. Đây là thách thức lớn nhất đối với nông thôn nước ta. Nhà nước đã đổi mới tư duy cho đa dạng hơn cây lúa, thì đến lượt nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với Nhà nước trong chiến lược mới đã được chỉ ra trong Nghị quyết 120. Mặt khác người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là phải biết liên kết qua Hợp tác xã Nông nghiệp kiểu mới (HTXNNKM) để tạo nên một cánh đồng lớn, tạo nên một cực liên kết trong mối quan hệ với DN để xây dựng vùng sản xuất lớn cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

- Nhưng cần tập trung vào khâu nào để mô hình hợp tác xã này phát huy hiệu quả, thưa Giáo sư?

- Bước đi cần thiết nhất ngay lúc này để gắn nông dân và DN theo chuỗi giá trị là: Chính phủ và địa phương cần chỉnh lại quy hoạch của diện tích trồng lúa. Xem xét kỹ những vùng không thích hợp với cây lúa thì không nên cưỡng thiên nhiên như thời gian trước đây vừa tiêu tốn ngân sách quá nhiều vừa không mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng quy hoạch mới có thể xây dựng HTXNNKM sản xuất cụ thể nông sản.

Nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển thành công trong thời hội nhập kinh tế toàn cầu nếu Nhà nước tạo chính sách phù hợp để gắn kết nhà nông và nhà DN. Đồng ruộng đổi mới của nước ta sẽ nhanh chóng được dồn điền đổi thửa để liên kết với các DN đầu tư từ đó tạo nên những nhà máy chế biến nông sản và các phụ phẩm nông sản hiện đại bên cạnh vùng nguyên liệu rộng lớn với cấu trúc hạ tầng hiện đại.

- Xin cảm ơn Giáo sư!