“Ðòn bẩy” bất ngờ cho giáo dục thời 4.0

Dạy học trực tuyến, dạy học online bất ngờ trở thành “phao cứu sinh” cho các nhà trường trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở giáo dục đóng cửa, học sinh (HS), sinh viên (SV) còn phải nghỉ học dài ngày. Tuy nhiên, hình thức dạy học vốn đã khá phổ biến với nhiều nước phát triển này, thực tế, khi được triển khai diện rộng ở Việt Nam trong tình thế chưa có sự chuẩn bị, đã cho thấy những hạn chế không hề nhỏ. Vậy nhưng, nếu biết tận dụng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thử thách bất ngờ này lại có thể trở thành đòn bẩy.

 Trước “phép thử” bất ngờ từ đại dịch Covid-19, ngành giáo dục bộc lộ sự bị động, lúng túng. Ảnh: Hiệp Nguyễn
Trước “phép thử” bất ngờ từ đại dịch Covid-19, ngành giáo dục bộc lộ sự bị động, lúng túng. Ảnh: Hiệp Nguyễn

Từ giải pháp tình thế…

Học trực tuyến (E-learning) đã rất phổ biến trên thế giới. Có tới gần 90% số trường đại học tại Xin-ga-po sử dụng kết hợp phương pháp E-learning trong chương trình đào tạo, trong khi ở Mỹ con số này là khoảng 80%. Còn Việt Nam, E-learning thực chất mới chỉ phổ biến ở các trường được giao đào tạo từ xa như Trường đại học Mở Hà Nội, Trường đại học Mở bán công TP Hồ Chí Minh… Ðến nay cũng có một số doanh nghiệp thực hiện E-learning và chủ yếu là tổ chức thi trực tuyến như thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-learning” năm học 2009-2010, thi giải toán qua mạng tại website Violympic.vn, thi Olympic tiếng Anh trên mạng xã hội (ioe.vn),… Chỉ đến khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh thì phương thức học trực tuyến mới “phát triển” ở các nhà trường, trường dạy - học trực tuyến, cách thức học đa dạng và khá phong phú. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động dạy học trực tuyến hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức truyền đạt kiến thức cho người học.

Trong khi các trường, các địa phương rầm rộ tổ chức tự phát học trực tuyến thì cả một thời gian không ngắn, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) với chức trách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này lại chưa cho thấy sự chủ động. Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ GD và ÐT mới chính thức có quan điểm.

Vẫn biết rằng những ngày vừa qua để chống dịch Covid-19, HS, SV buộc phải nghỉ học, triển khai dạy học online là giải pháp tình thế của các nhà trường. Nhưng cũng từ thực tế này đã cho thấy sự bị động của ngành giáo dục. Cả một thời gian không hề ngắn các trường, các địa phương tự hình thành các cách thức học trực tuyến, qua sóng truyền hình mà thiếu sự hướng dẫn chi tiết từ Bộ. Các trường ở đô thị thuận lợi hơn vì giáo viên (GV) và học sinh (HS) có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin nên cô - trò triển khai dạy và học qua mạng xã hội. Còn những vùng khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số thì lúng túng vì HS không có điện thoại smartphone, GV cũng không biết triển khai thế nào. Ngay cả khi Bộ GD và ÐT có những chỉ đạo tới các địa phương về việc tổ chức dạy học trực tuyến và đánh giá kết quả học tập sau này, nhưng thực tế là không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện được.

Thực tế cho thấy, nếu chỉ dựa vào dạy trên truyền hình thì không ổn vì đây là hình thức dạy học một chiều, người dạy cứ dạy, người học có học hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tính tự giác. Còn với việc dạy học trực tuyến, có sự hồi đáp của cả người dạy và người học thì có vẻ hiệu quả hơn do ít nhiều còn kiểm soát được độ chuyên cần. Tuy nhiên, phương thức này lại phụ thuộc vào công nghệ, phương tiện - đây là khó khăn vì không phải người học nào cũng có điều kiện trang bị smartphone hay máy tính bảng để học tập. Với mỗi phương cách, vấn đề đặt ra là triển khai thế nào cho hiệu quả, và việc đánh giá kết quả sẽ ra sao? Bài toán này rất cần Bộ có lời giải sớm để hướng dẫn địa phương thực hiện.

“Ðòn bẩy” bất ngờ cho giáo dục thời 4.0 ảnh 1

Giảng viên còn nhiều bỡ ngỡ trong việc triển khai dạy học trực tuyến.

…Tính kế lâu dài

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục gắn với hoạt động dạy học theo hình thức từ xa bảo đảm nền nếp và chất lượng. Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người để các em không bị thiệt thòi. Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ GD và ÐT): Bộ đang có kho dữ liệu gồm 5.000 bài giảng điện tử E-learning đoạt giải trong các cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning do Bộ tổ chức trước đây. Kho dữ liệu này có bài giảng của đầy đủ các cấp học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Ðây là nguồn học liệu phong phú và có chất lượng tốt để các nhà trường lựa chọn và hướng dẫn học sinh tham khảo, cùng hệ thống bài giảng điện tử mà GV nhà trường chủ động xây dựng để cung cấp cho người học. Bộ GD và ÐT đã yêu cầu các trường sư phạm, địa phương áp dụng hình thức bồi dưỡng GV trực tuyến. Trong kế hoạch của ngành giáo dục tới đây cũng đẩy mạnh các hoạt động liên quan đào tạo trực tuyến, trước hết là bồi dưỡng hơn một triệu GV phổ thông để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, theo đó đề nghị ngành giáo dục phải triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (với rất nhiều điểm mới trong ứng dụng khoa học - công nghệ) chậm nhất từ năm học 2020-2021. Thời gian từ nay đến khi bước vào năm học mới không còn dài, sự chuẩn bị cho chương trình mới cũng đã có lộ trình, kế hoạch từ trước, ấy thế nhưng, trước “phép thử” bất ngờ từ đại dịch Covid-19, ngành giáo dục vẫn bộc lộ sự bị động, lúng túng trong ứng phó và thiếu giải pháp, kế hoạch dài hơi, bài bản.

Bắt nguồn từ một giải pháp tình thế trước đại dịch Covid-19, nhưng rõ ràng, chuyển động trong thực tế cho thấy sự cần thiết triển khai xây dựng mô hình trường học thông minh, dạy học trực tuyến một cách lâu dài, bài bản, tích hợp vào chương trình chính khóa của một số cấp học để hình thành thêm kênh chuyển tải thông tin, cũng như tạo cho cả thầy và trò thói quen bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ và phương pháp tương tác, tư duy trên môi trường ảo, sao cho tận dụng được tối đa lợi thế của CMCN 4.0, nhằm đa dạng hóa loại hình giáo dục, tiến tới mục
tiêu xây dựng xã hội học tập hiện đại.

Sau khi kiến nghị của Hiệp hội Các trường ÐH, CÐ Việt Nam gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ GD và ÐT chỉ đạo việc giảm nhẹ chương trình, công nhận kết quả dạy học trực tuyến, Bộ GD và ÐT đã có văn bản yêu cầu các sở GD và ÐT tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua in-tơ-nét, truyền hình. Yêu cầu các sở GD và ÐT chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ để tổ chức dạy học qua mạng, trên truyền hình, một cách phù hợp. Bộ cũng yêu cầu các sở tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp để tổ chức dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện địa phương. Khi HS đi học trở lại, Sở GD và ÐT phải chỉ đạo các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập trực tuyến.

Tổ chức chuyên đề: Vũ Mai Hoàng, Phương Thảo, Khúc Hồng Thiện