Sinh kế bền vững cho người khuyết tật

Những nhịp cầu kết nối

Tạo môi trường làm việc hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật vẫn là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hai câu chuyện dưới đây phần nào cho người đọc hình dung về hành trình đầy gian khó để tạo nên nhịp cầu giúp cho người khuyết tật có được việc làm bền vững.

Tại nhà hàng VAP’s, không gian bếp được mở rộng để khách hàng có thể tương tác với người đầu bếp đặc biệt.
Tại nhà hàng VAP’s, không gian bếp được mở rộng để khách hàng có thể tương tác với người đầu bếp đặc biệt.

Lợi nhuận không phải là vấn đề chính!

Đó là phương châm của anh Nguyễn Đức Trung - người sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Trái tim VAP’s. Dù nằm khá khiêm tốn trên phố Mai Anh Tuấn (Hà Nội), nhưng điều khiến siêu thị mi-ni VAP’s trở nên khác biệt nằm ở tầng hai của tòa nhà. Một nhà hàng cũng thật “mi-ni” với thực đơn món chính là pizza và cà-phê. Muốn trở thành thực khách ở đây, bạn thường sẽ phải đặt trước. Bởi cả năm nhân viên ở đây từ bếp trưởng, phục vụ, đến bán hàng đều là người khuyết tật (NKT) trí tuệ. 

Để tương tác với NKT trí tuệ nói chung, người mắc hội chứng tự kỷ nói riêng không thể vội vàng. “Muốn làm ra được một chiếc pizza hoàn chỉnh như hiện nay, Hưng - đầu bếp từng làm hỏng cả trăm chiếc. Cứ hỏng đến đâu, thầy trò lại ngồi ăn với nhau đến đó”, anh Nguyễn Đức Trung mỉm cười nhớ lại. Đến nay VAP’s đã năm tuổi, hai năm đầu là nghiên cứu, ba năm triển khai, tính trung bình một năm mới đào tạo được một bạn nhân viên có thể độc lập làm việc. Chia sẻ của anh Trung khiến tôi thật sự ấn tượng. Thử nhẩm tính bài toán đầu tư, không cách gì thấy có lãi được. Dường như hiểu được nỗi băn khoăn của tôi về hiệu quả tài chính, anh Trung chia sẻ thêm: “Công ty không chạy truyền thông, tiếp thị vì năng suất lao động của các bạn tự kỷ không cao. Với nhà hàng, chúng tôi chỉ cần làm sao đủ tiền nhà, tiền lương cho các bạn là ổn rồi”.
 
Mục tiêu giản dị vậy thôi, nhưng thực hiện quả thật không hề đơn giản. Để chèo lái được công ty trong những ngày tháng khó khăn hiện nay, anh Trung thường phải tìm kiếm các hợp đồng cung cấp nhu yếu phẩm cho trường học, doanh nghiệp nhỏ về cho công ty. Thêm nữa, nhờ mô hình khép kín, nguồn nguyên liệu của nhà hàng được nhập từ siêu thị của công ty nên áp lực vốn và chi phí vận hành được giảm đáng kể. 

Điều anh Trung tâm huyết lúc này là làm sao nâng cao nhận thức cộng đồng về hội chứng tự kỷ nói riêng, về NKT trí tuệ nói chung. Rồi từ mô hình điểm của VAP’s có thể mở thêm nhiều nhà hàng, cửa hàng giúp mang đến việc làm bền vững cho NKT. “Có sức mạnh cộng đồng, mọi khó khăn ban đầu sẽ được hóa giải”, một lần nữa, tôi gặp lại nụ cười lạc quan trên gương mặt anh Trung.

Đích đến là sự tự chủ 

Ở một quy mô lớn hơn, TokyoLife cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tạo công việc hòa nhập cho NKT.
     
Từ năm 2018, TokyoLife đã có những lao động là người điếc đầu tiên tại xưởng sản xuất. Đến năm 2019, trong hệ thống cửa hàng, tại mỗi chi nhánh, đều có trung bình hai nhân viên là người điếc. Vạn sự khởi đầu nan, trong ba tháng đầu triển khai dự án, công ty gặp không ít khó khăn. Thế rồi, nhờ rất nhiều nỗ lực, công việc kinh doanh dần ổn định, doanh thu được cải thiện. Đến nay, sau hơn hai năm, TokyoLife đã mở riêng một cửa hàng dành cho “thiên thần”, đó là cái tên thân thương tặng cho những nhân viên là người điếc ở đây. Mục tiêu của năm 2021 là chuyển đổi hoặc mở mới thêm 12 cửa hàng như vậy.

Quả có chút ngại ngần khi gọi là “người điếc”, nhưng có tiếp xúc trực tiếp mới thấy, những người ở đây mong muốn được gọi như vậy. Chị Trần Thu Trang, Trưởng bộ phận chăm sóc “thiên thần”, một trong những “người nghe”, luôn tự hào khi kể về nơi mình đang công tác: “Có lẽ không doanh nghiệp nào tại Việt Nam có Ban Văn hóa người điếc như chúng tôi. Chính việc tôn trọng và tìm hiểu nét văn hóa riêng này, mà chúng tôi biết rằng: người điếc mong muốn được nhận hỗ trợ truyền đạt thông tin từ chính người điếc”.

Cộng sự của chị Trang là Vũ Giang Nguyên (sinh năm 1991) - một gương mặt đại diện luôn được cộng đồng người điếc tin tưởng. Công việc của Nguyên có thể hình dung như người bắc nhịp cầu nối giữa người điếc và người nghe. Từ việc chuyển tải những thông báo, hoạt động của công ty, cho đến tập huấn công việc và thậm chí là giải quyết mâu thuẫn giữa người nghe và người điếc,… Với sự cộng tác ăn ý của Nguyên và Trang, công ty mới biết về các vấn đề mà các “thiên thần” gặp phải trong quá trình làm việc, hay là ước mơ, mong muốn của họ… 

“Cơ hội học tập, làm việc của người điếc luôn có hạn, vậy nên, khi có cơ hội, người điếc sẽ cố gắng hơn ai hết!”, có thể cảm nhận lời khẳng định của Nguyên từ chính những “thiên thần” nơi đây. Nguyễn Thu Hương bắt đầu làm việc tại TokyoLife với vị trí chăm sóc hàng hóa, đến khi có chi nhánh “Ngôi nhà thiên thần”, cô được bố trí làm nhân viên thu ngân. Dù tính chất công việc có khác, phải giao tiếp với khách nhiều hơn, nhưng Hương vẫn thích ứng nhanh chóng với vị trí mới. “Mỗi ngày đi làm, chỉ cần khách mỉm cười với mình trước là mình đã có thể vui vẻ cả ngày!”, lời tâm sự chân thành của Hương khiến cho tôi không khỏi suy nghĩ với tư cách là một người đi mua hàng. 

Còn với vai trò là một người phụ trách chăm sóc “thiên thần”, Trang đang hướng đến một đích xa hơn. “Đến thời điểm thích hợp, bộ phận thời trang của TokyoLife chính là điểm dừng công việc tiếp theo mà mình và Nguyên muốn đưa Hương tới!”. Cô gái 23 tuổi với niềm đam mê thời trang hẳn sẽ có thể chạm đến ước mơ của đời mình, tôi thầm tin vào điều đó.

Trở thành một con người có ích với cộng đồng, một con người có thể hiện thực hóa ước mơ và tự chủ cuộc sống, đó vốn là điều mà mỗi người chúng ta đều phải có ý chí, có khát vọng mới đạt được. Còn với những NKT, họ còn cần thêm cả sự chung sức từ cộng đồng. VAP’s hay TokyoLife và nhiều doanh nghiệp khác nữa đang chung sức tạo dựng một môi trường làm việc hòa nhập cộng đồng cho NKT. Mong rằng, những nỗ lực của họ sẽ được lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.