Những mảnh ghép... bê-tông

Những con phố ngột ngạt vì bị nhồi nhét dày đặc “tháp bê-tông”, thiếu mảng xanh, thiếu mặt nước điều hòa không khí và không hề có những không gian mang tính thẩm mỹ vốn là đặc trưng của đô thị truyền thống... Đây là hình ảnh của hầu hết những mảng ghép mới, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho bức tranh chung của Thủ đô Hà Nội.

Nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội “nhồi nhét” nhà cao tầng, dẫn đến quá tải hạ tầng giao thông.
Nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội “nhồi nhét” nhà cao tầng, dẫn đến quá tải hạ tầng giao thông.

Những quy hoạch tồn tại... trên giấy

Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, nhiều khu đô thị (KĐT) được quảng cáo là có nhiều không gian xanh, “vẽ” ra nhiều diện tích cây xanh, mặt nước, nhưng sau nhiều năm người dân vào sinh sống, lời hứa về mức độ thụ hưởng mảng xanh đô thị vẫn quá xa vời. Trong quy hoạch KĐT mới Kim Văn - Kim Lũ có dự án xây dựng trường học liên cấp của Công ty cổ phần Giáo dục Đông Đô, trên phần diện tích đất hơn 2,3 ha, có nhiều cây xanh. Vậy nhưng, dù dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2012, đến nay khu đất dành cho dự án này vẫn để cỏ mọc. Ông Nguyễn Ngọc An, người dân sống ở KĐT mới Kim Văn - Kim Lũ, bức xúc bày tỏ: “Ngoài mặt kiến trúc ra, những mảng xanh, công viên tạo nên sắc diện của một khu vực. Nhưng nay đang bị thiếu mà chỉ nhiều khói bụi”. 

Ở một nơi khác, KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư khởi công từ năm 2002, xây trên ô đất rộng 51 ha với quy mô dân số lên đến 6.700 người, quy hoạch sáu ô đất xây trường học nhưng đến nay mới chỉ có một lô đất xây trường mầm non đã hoàn thành. Hay tại KĐT Ngoại giao đoàn, do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, quy mô 62,8 ha, đã đi vào hoạt động từ năm 2011. Dự án được hứa hẹn có mật độ xây dựng thấp với khoảng 30-33%, còn lại 70% là công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng…Nhưng, trong khi các khu nhà cao tầng liên tục được điều chỉnh quy hoạch, thì nhiều diện tích vốn được dành cho không gian xanh vẫn chưa được trồng cây. 

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhiều dự án khi được phê duyệt đầu tư thì chủ đầu tư nhanh chóng triển khai phần diện tích được phép kinh doanh để bán lấy lời, hạ tầng kỹ thuật thì triển khai chậm, hạ tầng xã hội thì không triển khai. Còn một báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội vào năm 2018 cho biết, trên địa bàn thành phố có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai, đặc biệt, có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, mảng xanh) so với tiến độ xây dựng nhà ở. Báo cáo này cũng chỉ ra, nhiều dự án khu nhà ở Vĩnh Hoàng, KĐT Ao Sào (quận Hoàng Mai); KĐT mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì); dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương; KĐT thành phố giao lưu; KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại Cổ Nhuế (quận Nam Từ Liêm)… đều thiếu hạ tầng xã hội. 

Theo khảo sát của Tổ chức thành phố sống tốt tại Việt Nam (HealthBridge), Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cây xanh bình quân ở các quận nội thành là 7 m2/người, nhưng nay mới đạt mức 0,9 m2/người.

Siết chặt các quy định 

Nhìn vào thực tế của không gian đô thị Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, cần phải nhìn sâu vào thực trạng để có nhiều giải pháp bảo đảm thương hiệu cho một đô thị xanh. Ông Ánh nhấn mạnh: “Thương hiệu thành phố vì hòa bình, thành phố xanh là một niềm tự hào, bởi thế trong kiến trúc, quy hoạch cần phải nỗ lực để gìn giữ. Mảng xanh ở Thủ đô hiện quá ít so mật độ xây dựng. Trong khi đó mảng xanh, tỷ lệ cây xanh bình quân là một trong những thước đo chất lượng cuộc sống đô thị, bản sắc của thành phố đáng sống”.

Chung quan điểm ấy, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), cho rằng: “Cùng với cây xanh, diện tích mặt nước cũng cực kỳ quan trọng để tạo nên chất lượng đô thị, tạo cảnh quan đẹp của không gian đô thị. Song những năm qua, nhiều hồ tự nhiên đã bị lấp. Một số hồ nhân tạo đã được xây dựng nhưng chẳng thấm vào đâu so với những ao hồ đã bị lấp. Bởi thế, cùng với việc tăng diện tích cây xanh, chúng ta cũng phải nỗ lực bảo vệ diện tích và môi trường ao, hồ”. 

TP Hà Nội đã hoàn thành đề án trồng mới một triệu cây xanh. Theo nhiều chuyên gia, cần tiếp tục có những đề án tương tự. Đồng thời, cũng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn, buộc các chủ đầu tư xây dựng phải thực hiện những lời hứa về các KĐT đáng sống, với các không gian công cộng thân thiện, bảo đảm giá trị thẩm mỹ và mật độ cây xanh nhiều hơn. Bởi xét đến cùng, quy hoạch không gian, cây xanh đô thị cũng cần sự cộng hưởng từ chính những quy hoạch phân khu. KTS Nguyễn Văn Thanh, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, cần có quy định cụ thể ràng buộc các chủ đầu tư xây dựng, phải có trách nhiệm đối với việc hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh, và quản lý chặt tiến độ thực hiện những cam kết đó.