Những con số đáng lo ngại

Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong hai tháng đầu năm 2019, bụi và tiếng ồn do ảnh hưởng của hoạt động giao thông ở một số trạm quan trắc cho chỉ số vượt quy chuẩn. Theo đó, riêng tháng 1-2019, chỉ số bụi lơ lửng ở khu vực Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh đạt ngưỡng 847µg/m3, trong khi quy chuẩn là 300µg/m3. Ðiểm Cát Lái, Gò Vấp vẫn nằm trong top những điểm có bụi nhiều nhất.

Ô nhiễm không khí tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi do hoạt động giao thông, xây dựng... và một số nguồn vận chuyển từ xa đến. Ảnh: Hoàng Minh
Ô nhiễm không khí tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi do hoạt động giao thông, xây dựng... và một số nguồn vận chuyển từ xa đến. Ảnh: Hoàng Minh

Ở Hà Nội, các thông số đo đạc được từ các trạm quan trắc cho thấy: Chỉ số bụi PM 2.5 vượt ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn của Việt Nam, đặc biệt là trong ba tháng đầu năm 2019. Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ TN&MT), cho biết: Năm 2018, Hà Nội có khoảng tám ngày chịu chỉ số chất lượng không khí xấu, AQI (Air Quality Index - chỉ số chất lượng không khí) nằm ở mức hơn 200 và 50 ngày nằm ở ngưỡng kém, AQI từ khoảng 101-200. Ngay cả mức này cũng chưa ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cộng đồng, nhưng có ảnh hưởng mức độ nhẹ đến nhóm nhạy cảm với thời tiết như người già, trẻ em và những người mắc bệnh đường hô hấp.

Còn Báo cáo chất lượng không khí quý I-2019 do Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổng hợp và phân tích cho thấy: Có đến 91% số ngày trong ba tháng đầu năm 2019, mức độ ô nhiễm không khí của TP Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia cũng chỉ ra, nồng độ bụi trong không khí trung bình tại các đô thị lớn, đặc biệt tại Hà Nội đã cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2-3 lần. Tại các nút giao thông thì nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn 2-5 lần. Còn ở các khu đang xây dựng trong đô thị, nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn là 10-20 lần. Dễ nhận thấy nhất là ô nhiễm bụi từ các hoạt động xây dựng, như: san ủi, lu đầm mặt bằng, đào đất, đắp nền, vận chuyển vật liệu... Bụi bị cuốn lên từ đường giao thông do phương tiện, gió thổi qua bãi chứa vật liệu xây dựng như xi-măng, đất, cát... khí thải của các phương tiện vận tải, máy móc thi công, đốt nhựa đường... chứa bụi và các khí độc hại như SO2, CO2, CO... hợp chất từ khói xăng dầu... Tất cả đều là những yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Cùng với bụi là một lượng lớn chất thải rắn được sinh ra như vật liệu xây dựng bị thải bỏ.

Hiện Bộ TN&MT, cùng các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực đưa ra những giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí. Một giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến cáo, là phải tăng cường trồng cây xanh để giúp giảm bụi, giảm khí độc, tăng lượng ôxy. Nếu phải ra đường vào thời điểm không khí ô nhiễm, cần sử dụng khẩu trang có khả năng lọc bụi mịn. Ðiều quan trọng là phải cắt giảm được nguồn phát thải chính từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, giãn dân ra vùng ngoại thành để bớt tập trung dân số trong phạm vi hẹp... mới mong cải thiện được chất lượng không khí.

Trong khi đó, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, đề nghị: "Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường giám sát và kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua các biện pháp như thúc đẩy ban hành đạo luật không khí sạch, đồng thời thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải của giao thông và các nhà máy nhiệt điện than".

Thiết nghĩ, ô nhiễm không khí ở các đô thị sẽ còn gia tăng nếu như chúng ta không kiểm soát được chất lượng nhiên liệu, khí thải từ giao thông, bụi từ các công trình xây dựng, nguồn thải từ hoạt động sản xuất của các nhà máy công nghiệp nằm ở khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận, việc đun than tổ ong và đốt rác, đốt rơm rạ sau thu hoạch…, do đó rất cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải, cơ sở ô nhiễm, song hành nhiều chương trình hành động không chỉ ở các thành phố, mà ở tầm quốc gia.

Greenpeace dẫn các báo cáo nghiên cứu về tác động của PM 2.5 lên sức khỏe: Tiếp xúc với ô nhiễm PM 2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh, như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí.