Nguy cơ từ những “túi nước treo”

Ba tỉnh miền trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đang giữ “kỷ lục” về số lượng hồ đập thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Hồ đập thủy điện cũng báo động tình trạng mất an toàn.

Một đoạn cuối kè dẫn dòng phía hạ lưu của hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) bị hư hỏng nặng, đang chờ kinh phí đầu tư sửa chữa.
Một đoạn cuối kè dẫn dòng phía hạ lưu của hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) bị hư hỏng nặng, đang chờ kinh phí đầu tư sửa chữa.

Thế nhưng, trước những diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, các địa phương vẫn loay hoay với bài toán cũ.

“Oằn mình” chờ vốn tu bổ hồ đập

Dẫn chúng tôi đến đập Đồn Húng có trữ lượng 4,4 triệu m3 nước phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hai xã Hùng Thành và Lăng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), Chủ tịch UBND xã Hùng Thành than thở, chính quyền, người dân “mất ăn mất ngủ” vì cái đập ách yếu nhất này. Do đập treo trên cao, nếu có chuyện gì xảy ra, tổn thất khó nói hết được.

Được xây dựng từ năm 1971, năm 1978 bị vỡ, được đầu tư xây dựng lại, nhưng từ đó đến nay đập Đồn Húng không hề được tu bổ, đang có nguy cơ sụt lún cao khi mưa lũ về. Mắt thường có thể thấy, cả thân đập dài 800 m, có nhiều chỗ xuất hiện tổ mối, sụt lún, nước rò rỉ chảy từ cống lấy nước lớn, đo được khoảng 70 lít/s (so với khi xả cống lấy nước 500 lít/s).

Điều bất thường là chuyện như ở Đồn Húng lại không phải là cá biệt. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An Nguyễn Sỹ Hưng, tỉnh có 625 hồ chứa lớn nhỏ (Yên Thành là huyện có tổng số hồ đập lớn nhất của tỉnh Nghệ An với hơn 252 hồ, đập), song đa số xuống cấp nghiêm trọng lại chưa có kinh phí tu sửa nên bị đe dọa nghiêm trọng vì mưa lũ diễn biến ngày một bất thường.

Ngược ra tỉnh Thanh Hóa, địa phương có hơn 600 công trình hồ chứa; trong đó có khoảng 121 công trình đang có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ năm 2018, thuộc 13 huyện, thị xã...Theo đánh giá, tình trạng những hồ chứa còn lại, dù được xem là vẫn bảo đảm an toàn song tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Đơn cử như hồ chứa nước Cửa Đạt, phát hiện một số vết nứt bê-tông bản mặt; vị trí khe lún số 1 vẫn xuất hiện hiện tượng nhựa đường chảy với lượng nhỏ giọt. Nhất là vị trí đoạn cuối kè dẫn dòng vai phải hạ lưu bị sạt, xói lở hư hỏng nghiêm trọng vẫn đang chờ vốn để sửa chữa.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nan giải nhất trong việc quản lý

các công trình thủy lợi trên địa bàn là nguồn cấp bù thủy lợi phí của các đơn vị hằng năm chưa đáp ứng được về số lượng nên công tác sửa chữa, duy tu gặp khó khăn.

Có thực tế, hiện các hồ, đập xuống cấp ở miền trung được xây dựng từ 30 đến 40 năm trước nên đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi chưa có nguồn vốn nâng cấp, tu sửa, các địa phương đành trông vào những bó cọc tre, những bao bì cát, đá được tập kết sẵn tại hồ đập, để chống chọi khi xảy ra bão lũ.

Kịch bản nào cho hạ du thủy điện?

Trở lại Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hố Hô (Công ty CP thủy điện Hố Bốn) sau gần hai năm xảy ra sự cố vi phạm quy trình vận hành làm ngập lụt 15 xã thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), chúng tôi muốn kiểm chứng cam kết từng được lãnh đạo nhà máy đưa ra về việc cuối năm 2016 triển khai cắm mốc cảnh báo và lập bản đồ ngập lụt… Tuy nhiên, theo lời của Phó Giám đốc Công ty CP thủy điện Hố Bốn Nguyễn Bá Tuấn: “Bản đồ ngập lụt hiện đang được trình các cấp ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh thẩm định, cho ý kiến. Dự kiến sẽ… cắm mốc khoảng cuối tháng 8 tới!”. Việc chậm trễ này có thể sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho hồ đập, nhà máy mà ảnh hưởng đến an toàn của hàng nghìn hộ dân ở hạ du.

Dù nhà máy mới được sửa chữa hoàn thiện gia cố hai vai đập, gia cố kè hạ lưu; đầu tư máy phát điện mới và hệ thống thông tin..., nhưng ông Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho rằng, đó chỉ là yếu tố cần và đủ cho việc vận hành công trình. Đáng lo, nhà máy nằm ở phía cuối của sườn núi, trước khi sông Ngàn Sâu đổ xuống đồng bằng, đây là vị trí hứng chịu lượng nước lớn và nhanh từ thượng nguồn, nhưng đập được xây dựng với độ dài 102 m, bề mặt rộng 5 m và cao tới 50 m, nên chẳng khác gì “túi nước” treo cao tiềm ẩn nhiều rủi ro mỗi khi mùa mưa lũ.

Thực tế vận hành thủy điện đang cho thấy các nhà máy cần chủ động hơn trong việc đưa ra hệ thống bản đồ ngập lụt, hay cần xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt cho hạ du đập. Có thể dẫn ra kinh nghiệm của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa). Theo ông Lê Tấn Duy, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện Phương án phòng, chống lũ lụt cho hạ du đập theo kế hoạch hành động khẩn cấp (EPP). Nhằm giảm thiểu hậu quả của lũ do sự cố đập hay việc xả lũ gây ngập ở hạ du, EPP sẽ hướng dẫn lực lượng chịu trách nhiệm trong việc nhận diện, phản ứng và theo dõi giảm nhẹ các tình huống khẩn cấp để tính toán thời gian, diễn tiến của mức nước dâng nhằm đưa ra các phương án di dân với 17 kịch bản, trong đó có năm kịch bản điển hình. EPP sẽ chỉ ra “ai làm gì, ở đâu, khi nào và như thế nào” trong tình huống khẩn cấp hay sự việc bất thường ảnh hưởng tới an toàn đập và nhà máy… Để vận hành an toàn hồ đập thủy điện, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương sớm xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa đối với các NMTĐ. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia thủy điện, cũng cần nhân rộng phương án EPP vào các NMTĐ trên cả nước. Từ đó làm cơ sở rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó với mưa, lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn cho NMTĐ cũng như vùng hạ du trước, trong và sau mùa mưa bão.

Một mùa mưa lũ đang tới gần, nếu không sớm hóa giải những nguy cơ về an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện thì sẽ không thể bảo đảm được an toàn cho công trình, cho hạ du. Những người dân sống dưới những “túi nước treo” khổng lồ đang mong mỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền.

Tại Hội nghị về bảo đảm an toàn cho các đập và hồ chứa thủy lợi do Bộ NN&PTNT tổ chức tháng 3 vừa qua, có đưa ra con số đáng báo động: Gần 1.150 hồ chứa thủy lợi (trên tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi nằm tại 45 tỉnh, thành phố) bị xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng xả lũ, nhiều nơi chỉ là đập đất… Nhiều địa phương đã đề nghị cần có kế hoạch tu bổ nâng cấp số hồ báo động đỏ nói trên, nhưng theo ý kiến của lãnh đạo Bộ NN&PTNT việc này không khả thi do sát mùa mưa bão...