Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

Trong sử dụng cán bộ, nên tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển.
Trong sử dụng cán bộ, nên tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển.

Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “... cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1), “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên” (2).

Trải qua gần chín thập kỷ xây dựng và phát triển, Đảng ta luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn. Tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là tổng kết 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ…”(3). Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị là nội d

Vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị thể hiện trên các phương diện sau: (1) trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học và cách mạng cho đội ngũ cán bộ, trên cơ sở đó, cán bộ vận dụng tri thức được trang bị vào thực tiễn công tác; (2) trên cơ sở củng cố niềm tin, nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy tinh thần, trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; (3) cung cấp tri thức và bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ; (4) nâng cao trình độ lý luận chính trị, khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng tạo nguồn cán bộ cấp chiến lược nhưng vẫn cần quan tâm cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Chất lượng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược quyết định đến năng lực cầm quyền của Đảng.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều quy định về học tập lý luận chính trị. Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ được quan tâm, nội dung, chương trình bước đầu đổi mới; đội ngũ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng; số lượng cán bộ được đào tạo lý luận chính trị tăng nhanh; điều kiện vật chất, hệ thống cơ sở đào tạo lý luận chính trị được củng cố, phát triển, kỹ thuật của các cơ sở đào tạo được cải thiện.

Tuy nhiên, công tác này còn một số hạn chế, yếu kém như: mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng; nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, thiếu sự liên thông giữa các cấp học, các hệ đào tạo, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn có mặt hạn chế; công tác quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý tự học của học viên. Cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu thốn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do cán bộ nhận thức chưa đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu học tập lý luận chính trị. Quy định về tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị đối với các chức danh cán bộ chưa phù hợp, phân cấp về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị chưa rõ.

Cần đổi mới mạnh mẽ

Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải được đổi mới mạnh mẽ, chú trọng thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, thực hiện tốt hoạt động phân công, phân cấp.

Hai là, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng cập nhật, phù hợp với tiêu chuẩn từng loại chức danh cán bộ, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược.

Đổi mới cần căn cứ vào mục tiêu, nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh mới. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải được cập nhật nhận thức mới về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những lý thuyết, tư tưởng mới, tiến bộ của nhân loại. Bố trí thời lượng phù hợp cho đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp tư duy, kỹ năng làm việc, tầm nhìn chiến lược... Đổi mới việc tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng phù hợp, thiết thực, tạo cơ hội để người học thâm nhập thực tế, rút ra kinh nghiệm cần thiết.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ngang tầm nhiệm vụ, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy.

Giảng viên lý luận chính trị vừa phải có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn vừa phải vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, nguyên tắc dạy học; vận dụng các phương pháp dạy học tích cực; hướng dẫn học viên tự học, nghiên cứu khoa học; kiểm tra, đánh giá kết quả của học viên khách quan, chính xác và thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong quá trình giảng dạy.

Bốn là, phát huy tinh thần tích cực, tự giác học tập lý luận chính trị.

Cán bộ cần nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, trong đó có học tập lý luận chính trị. Nội dung tự học tập của cán bộ phải toàn diện, từ bổ sung kiến thức chuyên môn cần thiết đến rèn luyện phương pháp, kỹ năng. Cán bộ cần học tập từ thực tế công việc, cuộc sống, học hỏi nhân dân.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.269.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 12, tr.439.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.