Nắm bắt cơ hội để bứt phá

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái bình dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - liên hiệp châu âu (EVFTA) đang mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển của ngành da giày Việt Nam trong tương lai gần. Tuy nhiên, có không ít thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Để hóa giải điều đó rất cần sự nỗ lực không ngừng từ Chính phủ và nhất là bản thân của các DN Việt.

Tọa đàm “Định hướng phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế”.
Tọa đàm “Định hướng phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế”.

Cơ hội mở rộng thị trường

Hiệp hội Da-giày-túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, những khung khổ hội nhập được Việt Nam thực thi gần đây đã và đang là cơ hội tạo đà cho việc tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành da giày. Đơn cử như với EVFTA, một loạt rào cản thương mại đối với sản phẩm giày, dép của Việt Nam do Liên hiệp châu Âu (EU) áp dụng suốt những năm qua được xóa bỏ hoàn toàn. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các DN sản xuất da giày Việt Nam mở rộng thị phần sang các nước châu Âu.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ năm 2019 cũng đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ với cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mê-hi-cô và Ca-na-đa. Chưa kể đến việc, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ một số nước có thế mạnh về lĩnh vực này đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép Việt Nam.

Trung Quốc đang chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam. Chính vì vậy, theo đại diện Bộ Công thương, Việt Nam cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội thời điểm hiện tại để có thể bứt phá, tăng tốc cho ngành da giày Việt Nam và bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.

Là “người trong cuộc”, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP giày Gia Định chia sẻ: “Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến chúng tôi. So năm 2018 số lượng đơn hàng từ châu Âu cũng như giá trị đơn hàng tăng từ 25-30%. Hiện DN đã có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, tăng dây chuyền để đáp ứng các đơn hàng từ phía châu Âu”.

Đồng cảm trước cơ hội mới, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Nguyễn Quang Vũ cho rằng, để đón đầu thời cơ mới, công ty đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ, phần mềm quản lý cũng như những yêu cầu khác từ phía châu Âu để nhanh chóng nắm bắt lợi thế từ hiệp định này.

Cửa khó vẫn còn

Mặc dù CPTPP, EVFTA là cơ hội tốt cho ngành da giày, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, cũng chỉ có một số DN lớn và các DN FDI mới tận dụng được cơ hội, còn đối với các DNNVV thì đây sẽ là một bài toán khó. Bởi quy mô sản xuất của phần lớn các DN Việt vẫn còn manh mún, trong khi đối tác nước ngoài thường đòi hỏi phải có số lượng lớn, đáp ứng đơn hàng nhanh, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh...

Số liệu thống kê từ Lefaso cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành da giày thì có đến 85% số DNNVV. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, nếu EVFTA bắt đầu có hiệu lực thì yếu tố then chốt để có thể gia tăng thị phần là đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng, cải tiến mẫu mã, tự chủ nguồn nguyên phụ liệu. “Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi DN phải đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng, nhân sự kỹ thuật cao và nguồn vốn bỏ ra là không hề nhỏ. Đây là một thách thức rất lớn đối với các DN không đủ tiềm lực về tài chính”- ông Diệp Thành Kiệt nhấn mạnh.

Về phía DN, ông Nguyễn Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Á Châu cho biết: Để có thể cạnh tranh được với các DN Trung Quốc, Hàn Quốc... vốn có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực da giày, chúng tôi cần đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị, số tiền đầu tư có thể lên tới cả vài triệu USD. “Đây là con số mà DN nào cũng sẽ phải suy nghĩ. Trong khi công nghệ 4.0 đang làm phát sinh ngày càng nhiều những khó khăn, mà theo tôi các DNNVV rất khó nắm bắt, thậm chí chưa hề hay biết!”, ông Thịnh cho hay.

Thừa nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thái, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại giày Uy Thái cho rằng, bản thân ông chưa hiểu rõ về hiệp định thương mại tự do. Trong khi phần lớn các DNNVV phải tự mày mò tìm hiểu, mà thực tế trong số đó có những người khởi nghiệp ở vùng quê. Thông tin cơ bản nhất về hiệp định còn chưa có điều kiện tiếp cận, thì việc tận dụng lợi thế là điều rất khó thực hiện.

Đây cũng là trăn trở của ông Diệp Thành Kiệt bởi hiện nay Việt Nam còn rất nhiều hộ DN sản xuất, nhất là DN làng nghề da giày ở khu vực phía bắc - chưa đủ định hướng và năng lực khi tham gia sân chơi quốc tế nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Hướng đi cho ngành da giày

Theo ý kiến chuyên gia ngành da giày, thực tế này đòi hỏi Chính phủ và DN phải có sự trao đổi cụ thể để xác định hướng đi lâu dài cho toàn ngành. Đồng thời, các doanh nghiệp CNHT, DN sản xuất, kinh doanh da giày cũng cần phải liên kết lại, vì nếu đi một mình sẽ không đủ sức mạnh để bảo đảm sự phát triển bền vững toàn ngành.

Cụ thể Lefaso đã đề xuất Nhà nước tạo điều kiện tập trung, xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành để giảm chi phí, bảo đảm môi trường, từ đó tạo điều kiện DNNVV có thể dễ dàng sử dụng nguồn tài nguyên đất, mặt bằng, được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư… Đây là hai vấn đề hết sức quan trọng đối với DN da giày.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso, ngoài những hỗ trợ về mặt chính sách, các DN, nhất là DNNVV không được thụ động mà phải cùng khách hàng tham gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm, với những vật liệu mới. Đây chính là một trong những cách giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giúp DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, để tăng giá trị cho những mặt hàng xuất khẩu, việc liên kết với các thương hiệu nổi tiếng để đa dạng hóa các sản phẩm trong ngành là hướng đi mà DN trong nước cần nắm bắt. Kinh nghiệm từ Tập đoàn Thái Bình Shoes cho thấy, việc liên kết với thương hiệu Coach từ năm 2011 đã đem đến giá trị gia công cao hơn hai đến ba lần giá trị gia công sản xuất giày, doanh thu tăng 40-50%...