Mở rộng tầm nhìn, nâng cao bản lĩnh

Đại hội đảng bộ là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại đối với mỗi cấp, là dấu mốc của một giai đoạn phát triển mới. Đánh giá đúng những việc đã làm được, nhất là phải có tầm nhìn, bản lĩnh, ý chí và trí tuệ để chỉ rõ hạn chế, yếu kém, từ đó xác định đúng hướng đi cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo là yêu cầu đặt ra đối với từng tổ chức đảng; là kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang.
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang.

Nhìn toàn diện hơn, xa hơn

Để tổ chức thành công đại hội, tập thể cấp ủy phải dồn sức chuẩn bị nhiều việc công phu, kỹ lưỡng, trong đó hai nội dung cực kỳ quan trọng là các văn kiện trình đại hội và công tác nhân sự. Nếu như công tác nhân sự là vấn đề khó, có thể nói là rất khó, phức tạp và nhạy cảm, cần sự công tâm, khách quan, thận trọng, làm từng bước chắc chắn; chống mọi biểu hiện “quyền lực ô dù”, chạy phiếu bầu, chạy chức, chạy quyền, thì các văn kiện trình đại hội là linh hồn của sự kiện chính trị trọng đại này, cần được tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện các mặt công tác của cả nhiệm kỳ, đề ra phương hướng cho chặng đường tới. Công việc nào cũng cần có tầm nhìn, bản lĩnh, ý chí và trí tuệ với tinh thần nói thẳng, nói thật, đánh giá đúng tình hình, vì sự phát triển của đảng bộ, địa phương, cơ quan và đơn vị.

Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, nhất là trong công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước được củng cố vững chắc hơn. Nhưng cũng phải thấy rằng còn nhiều việc chưa làm được, còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước; càng xuống cơ sở, đến các xã, phường, thị trấn càng thấy nhiều điều gây bức xúc cho nhân dân. Việc tổng kết nhiệm kỳ, vì thế, cần có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn, toàn diện hơn; đánh giá sát thực tế, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm cho tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu nêu trong Chỉ thị 35-CT/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Phê bình cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ; tuyệt nhiên không “bới lông tìm vết”, hoặc “mượn gió bẻ măng”, hạ bệ lẫn nhau. Qua đó, thấy điểm mạnh để phát huy, nhận rõ khuyết điểm và nguyên nhân để khắc phục.

Đại hội là dịp tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân… Tinh thần đó cần được thể hiện rõ trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội từ cơ sở đến các cấp, nhất là khi xây dựng các dự thảo báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy. Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không có nghĩa là đi soi mói, nhìn đâu cũng chỉ thấy tiêu cực, tham nhũng mà là đánh giá một cách toàn diện, khách quan cả mặt được và chưa được.

Đánh giá kết quả một nhiệm kỳ cần có cách nhìn tổng quát, song không dàn trải; mà đi sâu phân tích, tổng kết mô hình mới, cách làm hay có sức lan tỏa, để khích lệ, động viên tinh thần lao động sáng tạo, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì sự nghiệp chung. Từ đó, có giải pháp nhân rộng những mô hình thực hiện có hiệu quả trong nhiệm kỳ tới. Muốn đánh giá đúng kết quả công tác của một nhiệm kỳ phải có trí tuệ, tư duy khoa học, am hiểu, nắm chắc thực tiễn, có tâm trong sáng, có bản lĩnh vững vàng, không sợ nói ra khuyết điểm, yếu kém.

Không né tránh, che giấu khuyết điểm

Đánh giá thành tựu, hay hạn chế, không “đóng khung” trong 5 năm qua mà là nhìn lại cả các nhiệm kỳ trước, nhất là những yếu kém, hạn chế trong tổ chức thực hiện nghị quyết, trong đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ, trong thực hiện các nguyên tắc hoạt động của Đảng, từ đó tìm giải pháp khắc phục, không để yếu kém kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các đảng bộ, đơn vị khác, học cách làm hay của họ, tránh “vết xe đổ” mà họ từng vấp phải. Vì thế, khi nói về yếu kém cần dũng cảm đối diện với thực tế, phân tích, mổ xẻ xem yếu kém do nghị quyết chưa sát cuộc sống, hay do năng lực tổ chức thực hiện hạn chế; hoặc do mất đoàn kết, chỉ lo “đấu đá” mà sao lãng công việc. Yếu khâu nào tập trung làm rõ nguyên nhân ở khâu đó, chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân phụ trách, không nói chung chung, để làm bài học cho nhiệm kỳ sau. Đây là nhiệm vụ chủ yếu của ban chấp hành đương nhiệm khi xây dựng báo cáo kiểm điểm; không có bản lĩnh, không có tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nhiều chiều, thì khó làm được việc đó.

Có một thực tế là, không ít báo cáo kiểm điểm của cấp ủy na ná báo cáo chính trị, không đề cập nhiều đến phương thức lãnh đạo, chỉ đạo một cách thấu đáo; nói hạn chế yếu kém chung chung, không phân tích cụ thể, không thể hiện được tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình, vì thế báo cáo chỉ mang tính hình thức, không đọng lại được điều gì cho cấp ủy khóa mới kế thừa.

Nhiệm kỳ Đại hội XII để lại nhiều bài học sâu sắc trong công tác xây dựng Đảng. Thông qua xử lý các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, cho thấy phổ biến nhất là tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; làm trái Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không thực hiện đúng quy chế làm việc, hoặc ban hành quy chế trái với quy định; vi phạm xảy ra ngay trong cơ quan tham mưu chiến lược, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, cơ quan thực thi pháp luật, hay ở doanh nghiệp,v.v. Điều đáng quan tâm là một số tập thể, cá nhân có việc làm sai phạm, thậm chí ở mức độ nghiêm trọng từ nhiệm kỳ trước, nhưng đại hội đảng bộ các cấp không phát hiện, để một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao lọt vào cấp ủy, sau này mới bị xử lý. Chính do nguyên nhân cơ bản là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình bị buông lỏng, để cho những phần tử cơ hội đó “qua mặt” đại hội, nghiễm nhiên chiếm giữ các vị trí quan trọng trong cấp ủy và chính quyền.

Lấy đó làm bài học sâu sắc, các cấp ủy và từng cấp ủy viên nên tự soi lại mình xem trong nhiệm kỳ vừa qua đã làm tròn trách nhiệm được giao hay chưa, có dám can ngăn việc làm sai trái, có tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền hay không; từ đó, kiên quyết có chủ kiến loại ra khỏi danh sách nhân sự ngay trong khi làm quy trình đối với những người suy thoái, không xứng đáng tham gia cấp ủy khóa mới. Từng đại biểu tham dự đại hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ mà đảng bộ tín nhiệm giao phó, tuyệt đối công tâm, phê phán mạnh mẽ những hành vi vận động, xin phiếu, lợi ích nhóm, không để bất kỳ sức ép nào chi phối khi bỏ phiếu bầu… Đó là tinh thần đảng viên cao quý mà nhân dân luôn kỳ vọng.

Kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã ngăn chặn đáng kể tình trạng suy thoái; tác phong, phong cách làm việc của cán bộ các cấp, các ngành có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng đâu đó vẫn còn những chuyện bức xúc, cá biệt có nơi để cho tội phạm lộng hành coi thường pháp luật, như vụ Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) ở Thái Bình, vụ cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi làm nhiệm vụ thanh tra tại Vĩnh Phúc. Rõ ràng, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” chưa được khắc phục; nạn tham nhũng, tiêu cực, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm còn phức tạp. Đại hội là dịp tốt nhất để từng đảng bộ tự chỉnh đốn, “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, T 5, tr 301). Làm được như thế, tin rằng đại hội sẽ thành công tốt đẹp.

Trong đánh giá, kiểm điểm, các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên cần thấm nhuần nguyên tắc tự phê bình và phê bình như lời Bác Hồ căn dặn, coi đó “là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 9, tr 521).

Tổ chức chuyên đề:

VŨ MAI HOÀNG, NGÔ PHƯƠNG THẢO,

KHÚC HỒNG THIỆN, TIẾN ĐỨC VÀ HẢI CHUNG