Lưới lọc bẫy chính sách

Tham nhũng từ hoạch định chính sách đã và đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta đặt ra và nghiên cứu giải quyết. PGS, TS Lưu Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã dành cho Nhân Dân cuối tuần cuộc trao đổi thẳng thắn chung quanh vấn đề trên.

Lưới lọc bẫy chính sách ảnh 1

“Tôi cho rằng, đằng sau các nhà chính trị cần có một đội ngũ các chuyên gia giỏi, các nhà kỹ trị để hỗ trợ đắc lực cho họ”.

- Thưa ông, giới chuyên môn nhìn nhận thế nào về việc “nhóm lợi ích” tham gia vào vận động chính sách? Đây có phải là mầm mống của tham nhũng?

- Thông thường, chu trình chính sách của một quốc gia đều có nguy cơ xuất hiện tham nhũng. Nói riêng giai đoạn hoạch định chính sách, đáng lưu ý là nguy cơ các “nhóm lợi ích” vận động các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chính sách thiên vị cho họ.

Ở nước ngoài, các nhóm lợi ích có thể là các tổ chức chính thức, hoạt động một cách công khai, hợp pháp. Phụ thuộc vào thể chế chính trị của từng quốc gia, các nhóm lợi ích có thể tiếp cận các nhà hoạch định chính sách (các nghị sĩ Quốc hội, hoặc các quan chức hành pháp), vận động họ đưa ra các chính sách đem lại lợi ích cho nhóm mình. Hoạt động vận động chính sách này được điều chỉnh bởi các quy định của Nhà nước, như luật về hội, luật vận động hành lang (lobby)...

Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm “nhóm lợi ích” thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực là một nhóm cá nhân, hoặc tổ chức tìm cách trục lợi, đem lại lợi ích cho nhóm mình thông qua việc thao túng quá trình hoạch định, hoặc thực thi chính sách của Nhà nước, bất chấp lợi ích của cộng đồng, xã hội. Vận động trong quá trình hoạch định chính sách ở nước ta dù chưa phải là hiện tượng phổ biến, nhưng cũng không còn là chuyện hiếm.

- Cách thức nào để nhóm lợi ích có thể “cài cắm” các điều khoản có lợi trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, thưa ông?

- Qua việc tiếp cận, tác động đến các đại biểu Quốc hội, hoặc các lãnh đạo trong Chính phủ, thậm chí các nhóm tư vấn ban hành các nghị định, thông tư, các nhóm lợi ích có thể đạt được mục tiêu dưới các hình thức cơ bản như chính sách ưu đãi (trợ cấp, trợ giá cho các loại hàng hóa, dịch vụ mà nhóm đang cung cấp); áp dụng các chính sách thuế, các rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ mậu dịch đối với các hàng hóa, dịch vụ mà nhóm cung cấp trên thị trường. Một dạng khác, khó nhận ra hơn, nhưng rất nguy hiểm là các quyết định nhằm duy trì địa vị độc quyền của các nhóm...

Bên cạnh đó, thực tế cũng đã có việc một số bộ, ngành “cài cắm” lợi ích cục bộ của mình khi thiết kế luật và nhất là các phương án chính sách. Biến tướng của các lợi ích cục bộ này rất tinh vi và không dễ đấu tranh, do tính chất tập thể.

- Ông nhắc đến lợi ích cục bộ của các bộ, ngành khi xây dựng chính sách hiện đã rất tinh vi. Vậy thì phải làm sao để quá trình thẩm định chính sách có thể phát hiện ra những “cái bẫy” trong chính sách?

- Đúng là hầu hết các dự thảo luật được trình Quốc hội thảo luận và thông qua hiện nay là do Chính phủ đệ trình và một ủy ban tương ứng của Quốc hội thẩm tra. Cơ chế một bộ đại diện cho Chính phủ và một ủy ban đại diện cho Quốc hội làm cho quyền lực của hai cơ quan này rất lớn. Nếu quá trình soạn thảo và thẩm định không được tiến hành với các thủ tục chặt chẽ, nghiêm túc, thì luật ban hành sẽ tạo nhiều “lỗ hổng” để những người thực thi chính sách trục lợi thông qua việc “cài cắm” lợi ích khi ban hành các nghị định, thông tư dưới luật. Cơ hội cho tham nhũng cũng sinh ra từ đó.

Tất nhiên, cũng có một số trường hợp, tham nhũng có thể xuất hiện do các “lỗ hổng” không chủ ý của các nhà hoạch định chính sách. Đôi khi do sự hạn chế về năng lực, do thiếu thông tin, hoặc do xử lý thông tin không tốt, những ý định đúng đắn của các nhà hoạch định chính sách không đem lại kết quả như mong đợi.

- Thưa ông, chúng ta có nên luật hóa hoạt động vận động chính sách?

- Dù chúng ta có muốn hay không thì hoạt động vận động chính sách vẫn cứ diễn ra. Công bằng nhìn nhận thì đó cũng là một hoạt động cần thiết trong đời sống chính trị, chuyển tải nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp dân cư trong xã hội vào khâu dự thảo chính sách. Để hạn chế mặt tiêu cực, cần có hành lang pháp lý cho hoạt động này, cụ thể hóa rõ nguyên tắc, nội dung, hình thức của vận động, cũng như trách nhiệm của các chủ thể, các bên liên quan trong quá trình vận động. Với đặc điểm riêng của thể chế chính trị nước ta, cần quan tâm đến các sáng kiến, các ý tưởng chính sách, cũng như các ý kiến đóng góp từ các tổ chức xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp, các viện nghiên cứu độc lập.

Đồng thời, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong quá trình hoạch định chính sách là vô cùng quan trọng. Trách nhiệm giải trình không phải chỉ của các cơ quan soạn thảo, mà cả các ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Chỉ riêng việc minh bạch hóa thông tin trong quá trình hoạch định chính sách, cũng như kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình này đã là một kênh quan trọng góp phần làm giảm động cơ và khả năng tham nhũng của các đối tượng.

Giao cho một cơ quan chuyên môn có thẩm quyền độc lập rà soát, thẩm định và loại bỏ các điều khoản bất hợp lý trong các chính sách có nguy cơ đẻ ra giấy phép con, các thủ tục “xin-cho” cũng là một gợi ý cần nghiên cứu.

Đặc biệt, rất cần có các quy định cụ thể về cơ chế tham vấn ý kiến của những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của các quyết định, chính sách đối với các dự thảo chính sách trước khi ban hành. Bước tiếp theo sẽ là quy trình, cách thức tham gia phản biện chính sách của người dân; cơ chế tiếp nhận phản hồi của cơ quan soạn thảo và thực thi chính sách; chế tài xử lý trách nhiệm của cá nhân, cơ quan soạn thảo và thực thi chính sách khi không tiếp thu ý kiến phản biện chính sách của người dân. Mọi phát biểu “xin giữ nguyên như dự thảo” cần được giải trình một cách nghiêm túc, đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn thì mới thuyết phục.

Cuối cùng, nhưng tôi nghĩ cũng rất quan trọng, là tăng cường vai trò của báo chí trong quá trình phản biện các chính sách của Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!