Lựa chọn sáng suốt

Là một tỉnh miền núi phía bắc còn khó khăn, nhờ định hướng đúng, Sơn La trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn thứ hai trên cả nước. Ðã có những loại quả chủ lực, đủ điều kiện xuất khẩu đến nhiều thị trường tiềm năng, khai phá lợi thế từ các hiệp định thương mại đã được ký kết.

Sản phẩm xoài Yên Châu nổi tiếng nhờ hương vị thơm ngon.
Sản phẩm xoài Yên Châu nổi tiếng nhờ hương vị thơm ngon.

Bước chuyển căn bản

Cách đây 5 năm, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong ba mũi đột phá đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, giống cũ, năng suất thấp, giá trị hàng hóa không đủ sức cạnh tranh. Theo đó, Sơn La tập trung vào việc nhận thức lại sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, Organic, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Tiềm năng đất đai màu mỡ, độ mùn cao trên nền đá vôi phong hóa, địa lý nằm trong tiểu vùng khí hậu cận ôn đới đã giúp cho Sơn La cho ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Từ lâu Sơn La đã nổi tiếng với sản phẩm chè, sữa Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên… Ngày nay, khi đưa các giống cây ăn quả mới như bơ nếp, thanh long ruột đỏ, chanh leo, na hoàng hậu... vào canh tác đã cho trái có vị thơm ngon, chất lượng vượt trội so khi trồng ở nhiều vùng miền khác. Phát hiện trên đã được các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao. Tại cao nguyên Mộc Châu, Nà Sản đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Ðó là kết quả ban đầu từ việc chuyển đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, tuân theo quy luật thị trường…

Năm 2018, lần đầu tỉnh Sơn La xuất khẩu xoài, nhãn sang Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 115 triệu USD. Năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt 140,2 triệu USD, 16 mặt hàng nông sản của Sơn La xuất khẩu đến thị trường 12 nước. Cùng với đó, Sơn La đã xây dựng 18 loại nông sản thực phẩm được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu; hơn 2.300 ha được chỉ dẫn địa lý vùng trồng, được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGap. Ðến nay, toàn tỉnh đã hình thành 144 chuỗi cung ứng nông sản mang thương hiệu Sơn La được đưa vào các siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thương mại tại Hà Nội và các địa phương khác…

Lối vào "đường cao tốc"

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020. Nhưng từ trước đó, Sơn La đã chú trọng tuyên truyền, giới thiệu về EVFTA, thời cơ, thách thức và xác định rõ đường hướng của tỉnh để nắm bắt cơ hội từ việc thực thi hiệp định này.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La Ðỗ Thị Bích Châu cho biết, tùy từng đối tượng, từ người làm công tác quản lý, lãnh đạo, cho đến đối tượng là các HTX, doanh nghiệp và người dân…, cần được trang bị kiến thức, hiểu về các hiệp định thương mại theo cách thức phù hợp. "Ðiều đáng mừng là một số mặt hàng nông sản của tỉnh như chanh leo đã vào Pháp, xoài xuất khẩu sang Anh, cà-phê được nhiều nước châu Âu ưa chuộng. Vì vậy, Sơn La có nhiều cơ hội đưa sản phẩm nông sản của mình đến với thị trường đầy tiềm năng EU nhờ vào thực thi EVFTA", bà Châu nhấn mạnh.

Ðường vào EVFTA mở ra cơ hội lớn để Sơn La xuất khẩu được nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, nhưng kèm theo đó có không ít rào cản khó vượt qua. Do đó, lãnh đạo tỉnh Sơn La xác định, cần triển khai ba việc quan trọng. Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân hiểu về EVFTA, thực hiện được các điều khoản để hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng tham gia thị trường này. Thứ hai, tiếp tục thực hiện chuyển đổi sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn quy định do EVFTA quy định. Thứ ba, làm tốt công tác quản lý, kết nối thương mại, phối hợp tốt với các cơ quan bộ, ngành Trung ương để có môi trường giao thương thuận lợi, làm ăn lâu dài.

Trong thời gian tới, Sơn La vẫn tiếp tục thực hiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản để củng cố sức cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như mở rộng xuất khẩu, từng bước nghiên cứu để từng mặt hàng có ưu thế vào được thị trường châu Âu. Ðồng thời, địa phương sẽ tập trung xây dựng trở thành trung tâm chế biến nông sản chất lượng cao để có nhiều mặt hàng tham gia xuất khẩu. Hiện tỉnh đã có năm nhà máy chế biến nông sản công nghệ hiện đại đi vào hoạt động. Và để chào mừng Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025), nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ do Tập đoàn TH đầu tư, dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 20-9. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ xuất xưởng nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu...

Trong tương lai không xa, tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được xây dựng giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Thủ đô Hà Nội với Sơn La và các tỉnh Tây Bắc. "Ðường cao tốc EVFTA", nhờ thế không còn quá gập ghềnh, cách trở.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Theo thống kê, 5 năm qua đã có gần 50.000 ha đất trồng ngô, lúa nương, cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La từ 23.000 ha năm 2015 đến nay đã đạt hơn 80.500 ha.
Với thị trường hơn 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 15.000 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU ổn định ở mức
gần 5 tỷ USD/năm.