Loay hoay chọn khóa học hè cho con

Khi phượng nở báo hiệu một kỳ nghỉ hè đã đến cũng là lúc các bậc phụ huynh đau đầu tìm kiếm những khóa học, những chương trình giúp con mình có những trải nghiệm bổ ích. Chỉ cần gõ "Khóa học kỹ năng sống" trên công cụ tìm kiếm Google, trong 0,40 giây có tới 46 triệu kết quả. Giữa ngồn ngộn thông tin như vậy, làm sao để lựa chọn đúng?

Trải nghiệm Học kỳ Quân đội được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em trong dịp hè.
Trải nghiệm Học kỳ Quân đội được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em trong dịp hè.

"Trăm hoa đua nở"

Chị Nguyễn Hương Giang (35 tuổi, công chứng viên tại Hà Nội) có một mong muốn, mỗi dịp hè về sẽ là một cơ hội để cho con được học hỏi thêm kỹ năng sống, để con có thể tự giải quyết được các tình huống gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Ðó là sự bổ trợ cần thiết cho những kiến thức mà các con được học ở trường.

Ðể đáp lại mong muốn của các phụ huynh, các trung tâm dạy kỹ năng sống cũng tung ra các gói học hè với đủ các nội dung và hình thức khuyến mại phong phú. Học phí của các trung tâm dao động khá lớn. Trung tâm ít tên tuổi mức phí có "mềm" hơn, nhưng phụ huynh lại lo ngại không biết chất lượng thế nào? Còn ở những trung tâm có tiếng, đi kèm với cam kết "Ðội ngũ huấn luyện viên - giảng viên, là các chuyên gia giáo dục", "Mô hình mẫu mực tiên phong, ưu việt thời đại 4.0"… là một mức giá học phí cũng "vượt trội" không kém! Vậy nên, chị Nguyễn Cẩm Tú (27 tuổi, lễ tân khách sạn) loay hoay với sự chọn lựa có nên chọn trung tâm có ưu đãi mức phí phù hợp với điều kiện gia đình nhưng lại không biết chất lượng thế nào hay không?

Nếu có một đơn vị nào đứng ra kiểm định chất lượng cho các trung tâm thì có phải phụ huynh đỡ hoang mang? - chị Nguyễn Hương Giang chia sẻ về nỗi lo của chị Tú. Nếu như kết quả khóa học không như cam kết hay mong muốn của phụ huynh sẽ giải quyết như thế nào? Ðây chỉ là một số câu hỏi mà phụ huynh đặt ra trong quá trình tìm kiếm.

Nỗi lo ấy là có cơ sở bởi sự thật là đến hè khi các trung tâm kỹ năng sống hoạt động sôi nổi nhất cũng là mùa làm thêm của sinh viên. Rất nhiều lớp học ngắn hạn đăng tuyển sinh viên để làm trợ giảng, làm cộng tác viên. Thật khó kiểm định chất lượng của đội ngũ giảng dạy và trợ giảng, đặc biệt là đối với các trung tâm có yếu tố nước ngoài, sử dụng giáo viên đến từ nhiều nước.

Ðó mới chỉ là vấn đề đội ngũ giảng dạy. Còn giáo trình, lộ trình các buổi học cũng là cả một câu hỏi lớn! Hiện nay nước ta chưa có giáo trình chính thức dành cho nội dung kỹ năng sống. Mỗi một trung tâm sẽ giảng dạy theo một giáo án khác nhau, phương thức khác nhau. Ðâu mới là nội dung chuẩn? Chẳng một ai dám khẳng định. Trong khi đó, chế tài xử phạt dành cho các trung tâm không đáp ứng đúng quy định là gì? Không có giáo án thống nhất chính thức thì giáo án nào mới là sai phạm?

Hãy là những phụ huynh sáng suốt!

Ðó là lời khuyên mà không ít chuyên gia đã đưa ra với các bậc phụ huynh trong bối cảnh các trung tâm còn "vàng thau lẫn lộn" hiện nay. Chẳng hạn như, trước khi lựa chọn cần phải có sự tìm hiểu kỹ từ thực tế khóa học, các phản hồi của các phụ huynh chung quanh khóa học, trung tâm ấy. Thậm chí, cũng cần trực tiếp đến khảo sát các khóa học đang được trung tâm tổ chức, tìm hiểu xem việc sắp xếp lớp và nội dung đưa ra có phù hợp độ tuổi hay không?

Một điều quan trọng nữa, các phụ huynh hãy nhớ rằng, một khóa học diễn ra trong thời gian ngắn chưa thể tạo được sự thay đổi lớn đối với các em. Như tâm sự của chị Giang, hè năm trước chị chọn cho con theo Học kỳ Quân đội, vì muốn con rèn luyện sức khỏe và để con tự lập hơn. Chị chọn lựa rất kỹ trung tâm để gửi con mình vào. Thế nhưng, sau khi trở về nhà sau khóa Học kỳ Quân đội, mọi chuyện vẫn "đâu đóng đấy". "Nào kỷ luật, nào nếp sinh hoạt tự lập được rèn giũa trong khóa học gần như không còn dấu vết bởi con vẫn được ông bà chiều, không bắt làm việc gì hết", chị Giang tâm sự.

Nội dung kỹ năng sống cũng rất đa dạng và bao quát, không chỉ là "kỹ năng làm việc nhóm" hay "tự tin trước đám đông", "sống tự lập",… như trong quảng cáo của các trung tâm. Quá trình học, thực hành kỹ năng sống cũng liên tục và xuyên suốt, không thể chỉ trong thời gian ngắn 10 đến 15 ngày, hay thậm chí hai đến ba tháng mà các em có thể học thuần thục tất cả kỹ năng cần thiết. Chỉ có thể đạt được điều đó khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục và gia đình trong một quá trình dài hạn, bền bỉ. Chị Giang rút ra, chỉ dạy kỹ năng sống cho trẻ em thôi là không đủ, mà còn cần bổ sung kỹ năng cho phụ huynh làm sao để các em vận dụng những kiến thức đã học được khi ở nhà.

Hiện cũng có những khóa học như "Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế!" đã thiết kế buổi học cuối cùng luôn dành cho cả phụ huynh và các em. Việc cùng con trải nghiệm, cùng con tổng kết những gì các con đã được học giúp cho cha mẹ có cái nhìn tổng quát về khóa học, về những điểm cần lưu ý cho chặng đường đồng hành bên con tiếp tới.

Học kỹ năng sống là điều cần thiết, nhưng hãy để con mình được học một cách thực chất, thay vì chỉ là khoảng thời gian lấp đầy cho kỳ nghỉ hè mà thôi! Lời khuyên của các chuyên gia thiết nghĩ là điều cần được các phụ huynh lưu ý trước khi lựa chọn một nơi để đặt niềm tin.