Lấy lại thế chủ động

Vì sao việc nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 có rất nhiều rủi ro trong đầu tư, nhưng Việt Nam vẫn quyết định phải tự nghiên cứu sản xuất? Câu trả lời sẽ được GS, TSKH Nguyễn Thu Vân (trong ảnh), Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vắc-xin phòng bệnh cho người, Bộ Y tế chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân cuối tuần.

Lấy lại thế chủ động

- Xin giáo sư đánh giá về tiến độ sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam so với thế giới hiện ra sao?
 
 - Về tiến độ sản xuất vắc-xin Covid-19, so với một số nước trên thế giới, chúng ta đã chậm một nhịp. Theo đó, khi thế giới bắt đầu tiến hành sản xuất vắc-xin Covid-19, Việt Nam mới ở giai đoạn những bước chuẩn bị ban đầu, khi chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn phòng thí nghiệm thì các nước họ đã thử nghiệm xong giai đoạn hai, chuẩn bị sang thử nghiệm giai đoạn ba.
 
 Ngoài ra, chúng ta cũng gặp khó khăn nhất định, đó là Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ nguồn - là công nghệ tạo ra chủng để sản xuất vắc-xin mà vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu bị động thì chúng ta lại có lợi thế nhất định do có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất các loại vắc-xin tương tự, từ vi-rút, hoặc vi khuẩn, hoặc bất hoạt, hoặc vắc-xin sống. Thời gian sản xuất vắc-xin của Việt Nam cũng được rút ngắn lại do các cơ sở đã tạo ra kháng nguyên dựa vào công nghệ gen mRNA. Công nghệ sản xuất gen mRNA rất an toàn do chỉ chứa một đoạn gen di truyền của vi-rút được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, hoàn toàn không có khả năng gây bệnh cho người được tiêm.
 
 - Khó khăn lớn nhất trong sản xuất vắc-xin hiện nay là gì, thưa giáo sư?
 
 - Đó là nguồn lực của Việt Nam không đủ cả về con người, trang thiết bị, máy móc và nguyên vật liệu. Chẳng hạn, khi đã nghiên cứu thành công vắc-xin, các đơn vị nghiên cứu lại không có phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn để thử đáp ứng miễn dịch, thử nghiệm các công nghệ sử dụng đến vi-rút sống. Hiện tất cả các đơn vị nghiên cứu vắc-xin trong nước đều phải gửi đến phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ). Tuy nhiên, vừa qua Viện VSDTTƯ có quá nhiều nhiệm vụ phải làm như phải thực hiện rất nhiều mẫu xét nghiệm Covid-19. Vì vậy, những thử nghiệm liên quan đến vắc-xin buộc phải lùi lại và bị chậm.
 
 Để trả lời câu hỏi bao giờ có vắc-xin, tôi cho rằng, cần ưu tiên hàng đầu cho việc chủ động trong khoa học - công nghệ. Dù chúng ta có công nghệ để sản xuất vắc-xin trong nước, nhưng lại không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, không có phòng thí nghiệm đạt chuẩn để thử nghiệm trên động vật thì vắc-xin của chúng ta vẫn bị động, phụ thuộc vào nước ngoài.
 
 - Theo giáo sư, quá trình sản xuất vắc-xin Covid-19 sẽ phải đối diện những rủi ro nào?
 
 - Rủi ro rất lớn vì khi nghiên cứu sản xuất ra vắc-xin chúng ta chịu áp lực phải có được nhanh nhất, nhưng sau khoảng hai năm đưa vắc-xin vào đời sống, dịch bệnh đã hết và thị trường sẽ không còn nhu cầu nữa. Bởi vi-rút chủng Corona khi xuất hiện trở lại có thể đã chuyển sang chủng khác. Thực tế, trong lịch sử y khoa, vi-rút này đã có bảy chủng (HCoV-229E; HCoV-OC43; SARS-CoV; HCoV-NL63; HKU; MERS-CoV và SARS-CoV-2). Nếu vi-rút chỉ đột biến nhẹ, không thay đổi đến tính kháng nguyên, vắc-xin vẫn có thể sử dụng được. Nhưng nếu xuất hiện chủng mới thì toàn bộ quy trình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vắc-xin sẽ phải làm lại từ đầu. Và vòng quay sẽ cứ như thế, khi vắc-xin làm xong thì dịch bệnh có thể đã hết.
 
 Song, dù rủi ro vì phải đầu tư lớn về nhân lực, vật lực để sản xuất vắc-xin Covid-19 với công nghệ cao, Việt Nam vẫn quyết định phải tự nghiên cứu sản xuất vì một chiến lược an ninh sức khỏe quốc gia. Nếu chúng ta không tự sản xuất được, thì cũng không thể chỉ trông đợi sự trợ giúp từ bên ngoài. Dù nay mai, dịch Covid-19 có thoái trào, hoặc biến mất, chúng ta vẫn có một công nghệ để sản xuất vắc-xin. Khi vi-rút quay lại, với tính chất thay đổi, hoặc như thế nào đó, chưa thể nói trước được, Việt Nam đã có trong tay một vũ khí để chống chọi.
 
 - Giáo sư có thể đưa ra những đề xuất gì để đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc-xin Covid-19?
 
 - Nếu muốn gỡ khó thì phải tháo bỏ các nút thắt. Nút thắt ở đây chính là sự đầu tư về nguồn lực xứng đáng, đồng bộ để các cơ sở có đủ năng lực tự thực hiện tất cả các công đoạn, không bị phụ thuộc vào nước ngoài; đây cũng là cách để bảo đảm niềm tin, sự an tâm cho các nhà khoa học, nghiên cứu, làm việc và cống hiến. Bên cạnh đó, cần phải có sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, sát sao của Bộ Y tế, nhất là trước những đại dịch lớn.
 
 Nước ta còn nhiều khó khăn về kinh tế, việc thiếu nguồn lực đầu tư xảy ra không chỉ đối với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất vắc-xin, những người làm khoa học như chúng tôi luôn thấu hiểu. Tuy vậy, những gì liên quan đến sức khoẻ và sinh mệnh con người, đầu tư không bao giờ là thừa. Sau quá trình đầu tư ban đầu, chúng ta có thể thu được những lợi ích rất lớn về sau, bên cạnh việc bảo vệ sức khoẻ gần 100 triệu người Việt Nam chúng ta còn có thể tính chuyện xuất khẩu vắc-xin.
 
 - Xin cảm ơn giáo sư!