Không nên kích hoạt chế độ “ngủ đông”!

Trước việc chứng khoán trong nước rơi vào tình trạng “thị trường con gấu”, đã có những ý kiến cho rằng, chúng ta nên xem xét việc ngắt bảng tạm thời như một số thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đóng cửa thị trường không phải là giải pháp khôn ngoan.

Công ty chứng khoán SSI diễn tập làm việc trực tuyến hoàn toàn nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19.
Công ty chứng khoán SSI diễn tập làm việc trực tuyến hoàn toàn nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19.

Bắt đáy và cơ hội dẫn trước

Từ trung tuần tháng ba vừa qua, trong bản tin của các công ty chứng khoán (CTCK) gửi tới nhà đầu tư đều thêm một phần mới đó là cập nhật diễn biến Covid-19. Thông tin về đại dịch toàn cầu đã trở thành một chỉ dẫn quan trọng với thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng tâm lý và hành vi trên TTCK lại rất đa dạng. Khi thị trường đỏ lửa, cổ phiếu giảm sàn la liệt, khối tự doanh CTCK lại giữ trạng thái mua ròng liên tục trong nhiều tuần, dù giá trị chỉ vài trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCK Tân Việt, trong một email gửi tới cán bộ công nhân viên đã nhấn mạnh “Quan điểm của tôi là còn người thì còn tất cả, khó khăn, thử thách nào rồi cũng qua đi. Mỗi chúng ta cần tỉnh táo để luôn cảnh tỉnh mình đây chỉ là một phép thử trong một giai đoạn nhất thời mà mỗi chúng ta cần phải đương đầu, đối mặt với thử thách. Nếu vượt qua, chúng ta sẽ có cơ hội trở nên mạnh mẽ hơn hoặc có những điều chỉnh, bài học tốt hơn cho tương lai. Và chúng ta cũng cần ý thức việc giữ cho mình không bao giờ được phép bước qua lằn ranh của đạo đức nghề nghiệp vì chỉ cần sảy chân thì rất khó có đường quay lại như những trường hợp đã xảy ra trên thị trường”.

Một số quỹ đầu tư nước ngoài có quy mô lớn như VOF thuộc VinaCapital lại cho rằng: “Đây thật sự là một thời điểm thú vị, chúng tôi sẽ kiên định và tập trung vào việc truyền tải chiến lược của mình. Các quan điểm trung hạn và dài hạn sẽ giúp Quỹ vượt qua khoảng thời gian thử thách hiện tại và vươn lên dẫn trước khi cơn bão đi qua”.

Hiện VOF vẫn còn nắm trong tay lượng tiền đáng kể (khoảng 6% giá trị tài sản). Quỹ tiết lộ đang tiếp tục đánh giá nhiều cơ hội và có thể thương thảo những điều khoản có lợi khi xét đến điều kiện thị trường vào thời điểm hiện tại. VOF đã đa dạng hóa danh mục về phía các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn. Quỹ đầu tư này thực hiện nhiều thương vụ mua trong những ngành tăng trưởng, đồng thời rút vốn khỏi hai khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân (một trong ngành đóng gói hàng tiêu dùng và một trong ngành lưu trú, tổ chức sự kiện).

Với nhiều nhà đầu tư cá nhân đây cũng là cơ hội mua vào cổ phiếu giá rẻ, đầu tư dài hạn theo trường phái giá trị. Điều này thể hiện rất rõ ở giá trị giao dịch trên HOSE thường tăng hai con số ở những ngày “thứ hai đen tối”, quan sát ở nhiều mã cổ phiếu cũng cho thấy, khi giá giảm mạnh, thanh khoản lập tức tăng vọt lên gấp 7-8 lần so với trung bình các phiên tuần cuối tháng 2. Đặc biệt, khi lực cầu bắt đáy lớn xuất hiện, giá nhiều mã cổ phiếu sẵn sàng có sự biến động đảo chiều ngay trong phiên, như giảm sàn đầu phiên, lập tức tăng lên tham chiếu chỉ 2-3 giờ sau đó.

Nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp niêm yết sở hữu các mã chứng khoán như HPG, VCS, KBC, YEG, VNM, BWE, VNG, GTN, DBT, C32, KSB, DRC, PTB, RIC, SMC, NTP, DGC, DBD, VTG, DDV công bố mua vào cổ phiếu vì giá đã rớt xuống dưới giá trị sổ sách...

Mong chờ những động thái mạnh tay hơn

Để bảo đảm cho TTCK thực hiện tốt vai trò là kênh dẫn vốn cho DN, nhất là trong bối cảnh DN vô cùng khó khăn, Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ chính sách bước đầu như đồng ý giảm một số loại thuế chứng khoán phái sinh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã chuyển tải thông điệp sẽ rút gọn thời gian xử lý hồ sơ DN xin đăng ký mua cổ phiếu quỹ, phát hành thêm… chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, thị trường đang chờ đợi các động thái mạnh tay hơn từ cơ quan quản lý như giảm phí lưu ký chứng khoán, giảm thuế thu nhập cá nhân vốn đang là gánh nặng với các nhà đầu tư...

Một vấn đề quan trọng nữa, càng trong bối cảnh thị trường khó khăn, thông tin cho nhà đầu tư càng cần được chú trọng. Tại nhiều quốc gia, có quy định về việc phải công bố các dự báo trong tương lai để cân nhắc phương án giải quyết khi thời thế thay đổi. Thí dụ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ quy định chi tiết khi nào Công ty phải công bố thông tin về những thay đổi trọng yếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai, một cách tổng quát. Hay như luật niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Công (Trung Quốc) có quy định rõ, công ty niêm yết phải chịu trách nhiệm công bố thông tin ra đại chúng ngay sau khi có thông tin nội bộ thông qua những yếu tố làm hoạt động kinh doanh của công ty bị gián đoạn nghiêm trọng, hay có dấu hiệu cảnh báo liên quan đến kết quả lợi nhuận (như trong trường hợp này là ảnh hưởng của việc bùng phát Covid-19 hoặc việc hạn chế đi lại) - Điều khoản 307B của Luật Chứng khoán và Pháp lệnh tương lai (Bộ luật Hồng Công).

Đối với Việt Nam, dịch bệnh khiến cho hoạt động quan trọng của các DN niêm yết là các đại hội cổ đông bị giãn, hoãn chậm hơn so với mọi năm, khiến các nhà đầu tư rất thiếu vắng thông tin về DN. Do đó, một giải pháp được khuyến nghị là, các DN niêm yết cần công bố, chia sẻ thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cập nhật các giải pháp DN ứng phó với tác động, biến động mới trong môi trường đầu tư, kinh doanh… Tuy nhiên, hiện trên thị trường hầu như chưa có DN nào thực hiện việc làm này.

Việc cung cấp đầy đủ thông tin về DN sẽ giúp hạn chế được thiệt hại do nhà đầu tư bán tháo quá đà, cũng hạn chế các hoạt động thao túng, dìm giá cổ phiếu, bóp méo các chỉ số chứng khoán trên thị trường để trục lợi của một bộ phận các nhà đầu tư cá mập.