Không được “trên nóng, dưới lạnh”

Thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) đang là minh chứng rõ nhất. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam sẽ có chiến lược ứng phó như thế nào? Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Trần Ðắc Phu (ảnh trên), chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế).

Không được “trên nóng, dưới lạnh”

- Thưa ông, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, đối với Việt Nam, điều gì là cần nhất lúc này để ngăn chặn dịch bệnh?

- Tôi xin khẳng định, điều quan trọng nhất lúc này là người dân phối hợp tốt với cơ quan y tế trong việc chủ động phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 và lây lan của vi-rút gây bệnh. Người dân cần tìm hiểu thông tin dịch bệnh qua các kênh thông tin chính thống, tránh bị kích động và lo lắng bởi các thông tin chưa được kiểm chứng. Việc quan trọng nữa, cần tuân thủ đúng phương pháp phòng hộ cá nhân, một khi vật dụng nào nghi ngờ không nên tiếp xúc. Bản thân các nhân viên y tế khi làm việc cũng cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh nhằm bảo vệ bản thân và phòng tránh tối đa nguy cơ trở thành nguồn bệnh lây nhiễm cho người khác.

Trong các thông điệp khuyến cáo phòng tránh Covid-19 của ngành y tế, chúng tôi có nhấn mạnh, người dân chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín. Ðiều này không chỉ giúp phòng tránh Covid-19 mà còn ngăn ngừa các loại vi-rút khác như vi-rút gây bệnh đường tiêu hóa, hay vi-rút cúm gia cầm cũng đang gây lo ngại hiện nay. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, còn nhiều vấn đề như thời gian ủ bệnh, người lành có lây hay không vẫn chưa được rõ ràng. Bởi vậy, nếu không có việc thì chúng ta không đến chỗ đông người, không khẩn cấp thì không tổ chức hội họp.

Trước những diễn biến của dịch bệnh, chúng ta cần phải phân tích một cách triệt để, thấu đáo, khoa học… nhằm tìm ra cách đáp ứng tốt nhất. Việt Nam đã xây dựng bốn kịch bản ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh. Dịch diễn tiến đến đâu, ngành y tế sẽ có tham mưu cho Chính phủ để khuyến cáo rộng rãi tới người dân được biết.

- Từ việc ứng phó với Covid-19, chúng ta rút được kinh nghiệm gì trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt những loại mới nổi trên phạm vi toàn cầu, thưa ông?

- Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi, hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. WHO đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% số ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã, hoặc hệ sinh thái… Ðiều này đòi hỏi quốc gia phải nâng cao năng lực ứng phó. Ðể bảo đảm sự chủ động ứng phó, cần phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương; các nhân viên y tế cùng với đó là ý thức tham gia phòng, chống dịch và trách nhiệm của mỗi người dân. Quyết tâm phòng, chống dịch phải xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và người dân, tránh trường hợp “trên nóng, dưới lạnh”.

- Thưa ông, xét dài hạn, cần phải làm gì để hạn chế tối đa các dịch bệnh?

- Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tôi muốn nhấn mạnh đến một nguy cơ mà WHO nhiều lần nhắc tới. Thế giới đang chứng kiến, có một bộ phận người dân đang e ngại sử dụng vắc-xin với những bệnh đã có vắc-xin dự phòng. Ðiều này được giới chuyên môn nhìn nhận và dự báo là mối đe dọa lớn đối với toàn cầu. Tại Việt Nam cũng có thời điểm người dân chưa hiểu đúng về lợi ích của vắc-xin, do vậy muốn duy trì thành quả phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua cả ngành y tế và người dân cần quan tâm tới công tác tiêm chủng, tránh các “vùng trũng” về tiêm chủng, bởi nếu không phòng ngừa chủ động để đến khi dịch bệnh xảy ra, rất khó khống chế.

- Xin cảm ơn ông!