Khi châu thổ suy kiệt, mỏi mòn

Trong mười năm qua, hơn 1,1 triệu người từ đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã ra đi tìm kế sinh nhai ở vùng đất mới. Trên quốc lộ 1, những ngày sau Tết dễ bắt gặp cảnh, một bên làn đường hàng đoàn xe máy chen chúc nối đuôi  hướng về TP Hồ Chí Minh, còn hướng ngược lại xe cộ lác đác.

Người dân từ nhiều tỉnh thành trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021.
Người dân từ nhiều tỉnh thành trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021.

Chuyện đất và nước

Dòng người rời ÐBSCL ấy cho thấy vùng châu thổ đang tồn tại những nghịch lý chưa được giải quyết một cách rốt ráo. Ðồng bằng đâu chỉ là nơi để sản xuất mà còn là nơi sinh sống của 17 triệu người dân với nét đặc trưng văn hóa sông nước. Ðồng bằng đâu chỉ là đất, ấy vậy mà lâu nay trong hoạch định phát triển, chỉ tập trung vào phần đất, và đối với đất chỉ tập trung vào cây lúa, đối với cây lúa thì tập trung vào sản lượng. Chỉ trong vài chục năm thâm canh liên tục, đất đai dần "kiệt sức". Cần hiểu, an ninh lương thực không phải là số thóc gạo cất giữ trong kho. An ninh lương thực dài lâu phải nằm trong sức khỏe đất đai...

Miền Tây được mệnh danh là miền đất sông nước như mô tả trong câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp "quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà". Hệ thống sông ngòi đã mang lại sản lượng cá tự nhiên vào khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, lâu nay nước bị xem đơn giản là số mét khối để tưới. Những tiến trình của nước và nhịp điệu thời gian theo ngày, tháng, mùa của nước để duy trì sự sống không được xem trọng. Sông có chảy thì nước mới có ô-xy, mới có thể tự làm sạch. Sông có nước lớn, nước ròng thì đất mới thở được. Tương tự, đất cũng cần có mùa nước, mùa khô để thở. Ðồng ruộng mùa khô nứt nẻ là hình ảnh bình thường của ngày xưa, để có "quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng" như trong thơ của Ðỗ Trung Quân. Ðất có thở được thì hệ sinh thái vi sinh vật trong đất mới sống được. Có vi sinh vật thì cây trồng mới hấp thu được dinh dưỡng, đất mới khỏe khoắn được. An ninh lương thực dài lâu chính là nằm ở chỗ này.

Ðồng bằng đâu chỉ là phần lục địa mà còn có biển nữa. Miền Tây có bờ biển dài hơn 700 km, có sản lượng cá biển đánh bắt hằng năm khoảng 500-700 nghìn tấn, bằng tất cả các miền khác của Việt Nam cộng lại. Biển xét về mặt sinh thái, không thể tự tồn tại được nếu không có sông ngòi nội địa. Cá biển cần vào ra cửa sông, biển cần nước ngọt và dinh dưỡng từ sông đưa ra, cá biển cần có rừng ngập mặn để sinh sản. Thế nhưng, chính những công trình tách sông khỏi biển mà con người xây dựng thời gian qua đã khiến biển âm thầm suy kiệt và hứng chịu ô nhiễm khi các cống ngăn mặn tích tụ xả ra. Phía bên trong, sông ngòi không giao lưu với biển, thành sông lờ đờ ô nhiễm, cũng không còn cá tôm. Nước sông ngòi không sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt được nữa nên ta phải rút nước ngầm, lâu dần dẫn đến làm sụt lún đất.

Ngày xưa, con người là một phần của hệ sinh thái nương vào nhau mà sống. Còn ngày nay, con người tách hẳn ra khỏi hệ sinh thái, con người can thiệp thô bạo, bắt môi trường phải gồng mình sản xuất, phải gánh chịu ô nhiễm, lũ không được phép tràn đồng, mặn không được phép vào ra theo mùa, sông không được phép tự do chảy, tôm cá không được lên đồng, không được vào mương vườn. Cảnh quan thiên nhiên vì thế mà bị biến dạng từng ngày, thiên nhiên kiệt quệ.

"Dưỡng sức" cho đồng bằng

Vì sao dòng người ÐBSCL ly hương, ly nông ngày một tăng? Nguyên nhân tác động nghiêm trọng dễ thấy nhất là do biến đổi khí hậu (BÐKH), xâm nhập mặn, nước biển dâng và thủy điện. Nhưng những vấn đề dễ nhìn thấy và liệt kê đó, chưa phải là toàn bộ câu chuyện vẫn âm ỉ, dai dẳng, làm suy kiệt đồng bằng. Cách chúng ta đối xử với thiên nhiên cũng gây hệ lụy không kém. Khi mà "sức khỏe" nội tại của bản thân đồng bằng bị suy kiệt, mỏi mòn thì sức chống chịu với những tác động tự bên ngoài cũng không còn. Chính vì vậy, nếu chúng ta chỉ liệt kê những vấn đề trên bề mặt thì sẽ dẫn đến đối sách theo kiểu "đau đâu trị đó", giống như thấy lũ thì bao đê, ngập mặn thì ngăn sông, hết cá thì thả cá xuống sông, tăng thu nhập thì tăng vụ, tăng năng suất thì tăng phân bón, sâu bệnh thì tăng thuốc trừ sâu, sạt lở thì làm bờ kè. Cách tư duy cơ học đó dù có thể mang lại kết quả tức thì, nhưng về lâu dài, "sức khỏe" của toàn hệ thống sẽ càng suy giảm.

Ðể người miền Tây không còn phải tha hương nữa, giải được bài toán ÐBSCL, cần thay đổi từ tư duy kiểu cơ học sang cách làm phục hồi "sức khỏe" hệ thống. Dù quy hoạch tích hợp cấp vùng ÐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, dựa trên tinh thần Nghị quyết 120 chỉ giải quyết được những vấn đề nội tại của đồng bằng, không giải quyết được những tác động từ bên ngoài như thủy điện thượng nguồn nhưng sẽ giúp đồng bằng "khỏe mạnh" hơn, có sức để đối phó với tác động từ bên ngoài.

Ths NGUYỄN HỮU THIỆN