Học cha ông tính chuyện hôm nay

Ðể ÐBSCL phát triển bền vững, ngoài sự chuyển động của cả hệ thống chính trị, không thể thiếu vai trò của người dân sở tại. Những kinh nghiệm "sống chung" với lũ ngày nào cũng chính là kỹ năng để người dân thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) hôm nay.

Người dân ÐBSCL lâu nay vẫn giữ thói quen trữ nước mưa để dùng trong mùa hạn. Ảnh: CAO LONG
Người dân ÐBSCL lâu nay vẫn giữ thói quen trữ nước mưa để dùng trong mùa hạn. Ảnh: CAO LONG

Hơn 20 năm trước, người dân ÐBSCL luôn nơm nớp lo âu mỗi khi lũ về gây thiệt hại nghiêm trọng từ các công trình xây dựng, đường giao thông, ruộng lúa… Một thời có quan điểm nhìn lũ ở ÐBSCL là một dạng thiên tai để tính đến việc "né lũ, nắn lũ". Sau đó, lũ lại được nhìn nhận là tài nguyên nếu biết cách chung sống và khai thác. Nước mặn cũng chung cảnh, trước thì bị coi là "tai họa", sau là tài nguyên để khai thác.

Nhớ lại trận hạn - mặn lịch sử năm 2016 khiến cho hàng triệu nông dân ÐBSCL điêu đứng. Nhưng, cũng chính họ luôn có cách thức để tìm sinh kế. Như chuyện bà Võ Thị Chanh ở cù lao Hòa Minh và dân xứ cồn đã vui như tết đến vì… nước mặn về. Mùa đó, gia đình bà Chanh bán 1,3 tấn tôm, thu về 120 triệu đồng, cộng thêm 8.000 con cua được gần trăm triệu nữa. Bà kể lại, gia đình có một héc-ta đất, mỗi năm làm một vụ lúa, năng suất khoảng 3 tấn, rồi chuyển sang một vụ tôm vào mùa nước mặn. Tới mùa thu hoạch lúa, một phần để ăn trong nhà, dư thì đem bán; phần còn lại đem nấu cho chín rồi xay nhuyễn thành bột trộn với con ruốc, ép nhuyễn thành viên cho tôm ăn. Vậy nên, nhà bà nuôi tôm vừa không phải tốn tiền mua thức ăn vừa kiểm soát được nguồn thức ăn sạch.

Thời gian gần đây nước mặn thường xâm nhập vào nội đồng các tỉnh ven biển trong 2 tháng (từ tháng 3). Người dân ở ấp Cồn Chim, xã cù lao Hòa Minh, huyện Châu Thành, Trà Vinh giờ có nỗi trông ngóng nước mặn về, bởi với họ, chung sống với nước mặn là một cách "thuận theo thiên nhiên" như những bậc tiền bối đã đến khai phá và tìm sinh kế ở vùng đất này.

Cù lao Hòa Minh và Long Hòa nằm giữa sông Cổ Chiên, có hai mùa mặn - ngọt, sinh kế cũng được chia thành hai mùa như thế. Khi các công trình ngọt hóa khép kín không hiệu quả được dỡ bỏ, người dân nơi đây mừng vì có thể tận dụng nước mặn nuôi tôm, cua… Trên bờ bao của diện tích trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, người dân trồng cỏ, trữ rơm để làm thức ăn chăn nuôi cho bò. Nhờ đó, tổng đàn bò đạt hơn 1.800 con ở Long Hòa và hơn 4.000 con ở Hòa Minh.

Câu chuyện "đổi đời" cũng bắt đầu từ đó. Cù lao Hòa Minh giờ bắt đầu xuất hiện những tỷ phú. Thực tế này một lần nữa chứng minh sự sáng tạo và khả năng thích ứng của người dân vô cùng phong phú. Người dân đã phá đập để nước mặn tràn vào nuôi tôm (bỏ trồng lúa). Nước mặn trở thành "tài sản" quý của nhiều người nuôi tôm
ven biển.

Giữa tháng 5-2018, ÐBSCL bắt đầu xuất hiện vài cơn mưa. Nhưng nắng nóng vẫn gay gắt, nguy cơ cháy rừng vẫn chưa giảm, nước ngọt càng trở nên xa xỉ. Ðể ứng phó, người dân đã dùng lại kỹ năng sinh tồn của người Nam Bộ xưa: đó là trữ nước mưa trong lu, kiệu.

Ðã nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Thắm ở ấp Xẻo Lá, xã Tân Thạnh, huyện An Minh của tỉnh Kiên Giang đã mua chục cái lu dạng lớn, âm xuống đất ½ lu để chứa nước mưa, chờ tới mùa khô hạn xài. Ðiều thú vị là, kinh nghiệm trữ nước theo cách cha ông đã được tỉnh Bến Tre phát động rộng rãi nhằm thích ứng với mùa hạn - mặn hằng năm. TS Dương Ni (Trường ÐH Cần Thơ) nhìn nhận, đây không chỉ là chuyện sinh tồn, mà còn là phương cách để bảo vệ tài nguyên lâu dài tránh việc khai thác tầng nước ngầm một cách vô tội vạ gây ra những hệ lụy khó lường.

Rồi đến chuyện chọn giống cây trồng thích nghi với phèn - mặn cũng rất quan trọng. Bà con bắt đầu nhân rộng trở lại những cây thích ứng với vùng giáp mặn, vùng phèn mặn như cây khóm, cây mía, cây dừa…

Hơn 20 năm trước, chuyện an cư cho người dân vùng đầu nguồn lũ An Giang, Ðồng Tháp là đề tài nóng. Bởi nước lũ dâng cao, nhiều người dân ở nhà tạm bợ phải di tản chạy lũ. Những gia đình thâm niên có kinh nghiệm thì cất nhà trên cột bê-tông vững chắc đã chung sống được với lũ. Chính vì vậy, nhiều chương trình từ tôn cao nền nhà, nhà trên cọc, đến cụm tuyến dân cư được hình thành. Các công trình này đã từng bước an cư được cuộc sống cùa người dân vùng đầu nguồn. Trong khoảng 5 năm trở lại, mô hình này được người dân nơi miền đất tận cùng cực nam của Tổ quốc - Cà Mau nhân rộng. Người dân ở nơi đây còn ví von đây là "nhà cao cẳng" thay vì nhà trên cọc (cột) như người dân đầu nguồn lũ gọi.

Thật ra câu chuyện "nhà cao cẳng" như bản năng sinh tồn đã có từ lâu đời với những người có thâm niên sinh sống ở nơi cuối đất. Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, lấy làm thú vị khi chứng kiến sự biến đổi cách dựng nhà của người dân như một minh chứng cho khả năng thích ứng nhanh nhạy.

Vẫn là những ngôi nhà sàn đã tồn tại từ bao đời nay ở miệt rừng ngập mặn Ngọc Hiển, song vì điều kiện thời tiết ngày một khắc nghiệt, mẫu nhà dần thay đổi ít nhiều, dễ thấy nhất là cái sàn được nâng cao lên quá hẳn đầu người. Và rồi, người dân bắt đầu thay "cẳng gỗ bằng cẳng bê-tông"! Giờ đến trụ sở các cơ quan ở địa phương cũng đã bắt đầu chọn xây dựng theo phong cách "nhà cao cẳng"! Ngoài chống ngập nước, "nhà cao cẳng" có thêm không gian rộng rãi, thoáng đãng, có thể làm nơi tránh trú bão, còn là cách dự phòng hữu hiệu chống được xâm nhập mặn, nước biển dâng…

Người dân nơi miền đất tận cùng của Tổ quốc đã sẵn sàng trong tâm thế thích ứng với BÐKH!