Hoàn thiện hành lang pháp lý chống hàng giả, hàng nhái

Những vụ việc hàng giả, hàng nhái (HGHN) bị phát hiện, xử lý gần đây cho thấy, quy mô sản xuất và kinh doanh HGHN có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, trắng trợn hơn. Xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái phải có những phương thức thực chất, thay vì chỉ trông đợi vào lực lượng chức năng vừa mỏng vừa yếu như hiện nay... Điều ấy không chỉ giúp bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng và doanh nghiệp mà còn cho thấy quyết tâm tạo dựng điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn của Chính phủ Việt Nam.

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh thu giữ lô hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu hành trên thị trường. Ảnh: Minh Thoa
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh thu giữ lô hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu hành trên thị trường. Ảnh: Minh Thoa

Đá ném ao bèo

Theo thống kê của Ban 389 (Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), năm 2014, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước phát hiện, xử lý 55.234 vụ vi phạm. Đáng lưu ý, về số vụ đã tăng lên 6.543 vụ so với cùng kỳ năm trước. Thông tin từ Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap) cho biết, hiện có khoảng trên 30 ngành hàng bị làm giả, trong đó, nhiều nhất với tốc độ nhanh nhất là mỹ phẩm, các mặt hàng điện tử, điện lạnh, các mặt hàng nước giải khát, bia rượu.

Thế nhưng, những con số được dẫn ra ấy chỉ là "phần nổi", "phần chìm" lại chính là nghịch lý, chỉ cần người tiêu dùng "bước chân ra ngõ là gặp hàng giả, hàng nhái". Câu hỏi nhức nhối về vấn nạn HGHN thì vẫn treo đó!

Bất cứ một nền kinh tế nào cũng sẽ phải trải qua những giai đoạn phải kiểm soát thị trường bằng công cụ pháp luật. Do vậy, lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng khác như hải quan, công an, thuế... đã được giao trách nhiệm chống buôn lậu, chống HGHN và QLTT để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước. Thế nhưng, chính lực lượng QLTT cũng thừa nhận một thực tế mọi nỗ lực dường như chỉ là "ném đá ao bèo". Lực lượng này luôn đưa ra lý do: Lực lượng mỏng, yếu và thiếu nên "lực bất tòng tâm". Con số cụ thể được dẫn ra để minh chứng, rằng tính trung bình họ có chưa đến 100 người trên một địa bàn.

Tuy nhiên, có một thực tế dường như bị né tránh khi bàn tới thực trạng cũng như giải pháp đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, đặc biệt các mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đó là kinh phí để "rót" cho lực lượng chống hàng giả, hàng lậu, HGHN còn eo hẹp. Không có kinh phí mua tin, không đủ kinh phí để "bám chốt" các tụ điểm lớn, để phá các ổ nhóm buôn lậu, sản xuất HGHN, dẫn tới chỉ xử lý được phần ngọn (chỉ bắt được các đối tượng vận chuyển hoặc bán hàng thuê) là nguyên nhân chủ chốt dẫn tới tình trạng kém hiệu quả của công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

Do vậy, để tháo gỡ kinh phí cho công tác này, ngoài sự tăng cường của ngân sách nhà nước còn cần sự "vào cuộc" của chính nhãn hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khi các nhãn hàng nỗ lực bảo vệ thương hiệu của mình, họ chính là "người bảo vệ" hiệu quả nhất. Thí dụ công ty Honda Nhật Bản đã từng có những chiến dịch xử lý sản phẩm làm nhái nhãn hiệu của mình rất hiệu quả thông qua hoạt động điều tra thị trường và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của lực lượng chức năng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các cơ sở làm HGHN.

Muốn các đơn vị chức năng không đơn độc trong cuộc chiến chống HGHN, còn cần sự "vào cuộc" của chính người tiêu dùng. Có một thực tế, mặc dù biết HGHN chất lượng kém nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận, vẫn mua vì giá rẻ và còn vì tâm lý "thích hàng hiệu", cho dù là "hàng hiệu nhái". Khi nào người mua còn gật đầu với HGHN thì khi đó loại hàng hóa này vẫn còn đất sống.

Những khoảng trống cần lấp

Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, để hàng lậu, HGHN, hàng kém chất lượng lộng hành không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, "triệt" đường phát triển của các doanh nghiệp nội mà còn gián tiếp đánh mất "lợi thế" thị trường, "mất điểm" trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn.

Hoàn thiện hành lang pháp lý chống hàng giả, hàng nhái ảnh 1

Tổ kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bắt giữ kiểm tra ô-tô tình nghi chở hàng lậu chạy từ cửa khẩu về TP Lạng Sơn. Ảnh: Thành An

Để lấp đầy những lỗ hổng trong đấu tranh với vấn nạn này, bên cạnh những giải pháp thực tế như nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là giải pháp then chốt.

Chúng ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh HGHN, song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp trong thực tế. Đặc điểm nổi bật trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan là mới chủ yếu tập trung vào chống, nhất là chống trong khâu tiêu thụ HGHN mà chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa ngăn chặn sản xuất HGHN.

Vì vậy, tuy quy mô sản xuất HGHN rất lớn song số vụ bị phát hiện bắt giữ không nhiều, phần lớn số vụ bị bắt giữ là liên quan đến tiêu thụ HGHN với biện pháp trừng phạt thường là tiêu hủy và phạt hành chính, không nhiều trường hợp bị truy tố hình sự. Bên cạnh đó, những văn bản quy phạm pháp luật chống HGHN thường do nhiều bộ, ngành khác nhau quy định trong khi lại thiếu sự trao đổi, phối hợp đồng bộ nên vừa còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp vừa còn không ít kẽ hở, thậm chí mâu thuẫn, gây khó cho việc thực hiện. Ngoài ra, hiện thiếu nhiều quy định về chống HGHN sản xuất ở nước ngoài đem về Việt Nam tiêu thụ khi chúng ta mới đặt nặng về chống buôn lậu nhiều hơn so với chống HGHN.

Song song với hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phòng, chống HGHN theo hướng khắc phục những nhược điểm hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng của đội ngũ thực thi pháp luật cũng phải được tính đến. Tội phạm về HGHN đang có diễn biến phức tạp, phạm tội tinh vi, có tổ chức và có quy mô "xuyên quốc gia", vậy nên các giải pháp nói trên cần phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ.

Sự ra đời của Ban 389 được xem là một "đòn bẩy" quan trọng cho công tác phòng, chống HGHN. Và thông tin mới đây từ Bộ Công thương cho biết, bộ này đang phối hợp cùng Bộ Công an, Tài chính và các địa phương sửa đổi Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận, HGHN để có thể sớm ban hành. Lúc này, cả bộ máy chính quyền đang vận động cho một nhiệm vụ được xác định là quan trọng. Nhưng có được hệ thống pháp lý đủ mạnh chưa đủ, điều quan trọng chính là năng lực thực thi của hệ thống. Điều ấy lại tùy thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc phòng, chống HGHN, gian lận thương mại. Giống như một đoàn tàu, khi có lực kéo đủ mạnh, ắt hẳn sẽ tiến được xa hơn, khỏe hơn.

Chúng ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh HGHN, song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp trong thực tế.