Hành trình xác lập danh tính Việt Nam

Mỗi cá nhân đều có một danh tính của mình. Năng lực đạo đức chính là điều tạo ra bản sắc của danh tính cá nhân lẫn quốc gia. Ðộng lực để cư xử đúng đắn và có đạo đức chính là những ký ức có ý nghĩa. Tôi muốn sống không chỉ như một cá nhân riêng lẻ, mà là một phần của ký ức tập thể này, nơi đã tạo ra muôn triệu khoảnh khắc để tôi trải nghiệm một cuộc đời có ý nghĩa, và góp phần tạo ra danh tính của tôi - một người Việt Nam.

Lễ chào cờ và hát Quốc ca trong chương trình nghệ thuật "Tự hào Tổ quốc tôi". Ảnh: Nguyễn Ðăng
Lễ chào cờ và hát Quốc ca trong chương trình nghệ thuật "Tự hào Tổ quốc tôi". Ảnh: Nguyễn Ðăng

Những mảnh ghép nhỏ

Mỗi khi máy bay đáp xuống phi trường và lời bài hát Bonjour Vietnam (Xin chào Việt Nam) được cất lên trong khoang hành khách, tôi đều thấy sởn da gà. Ý tưởng rằng mình vừa trở về là một phức cảm rất mạnh với trái tim.

Một sản phẩm có màu sắc quốc tế hóa: lời gốc tiếng Pháp, phát trên máy bay bằng tiếng Anh, hát bởi ca sĩ gốc Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Bỉ. Phạm Quỳnh Anh thậm chí nói được rất ít tiếng Việt, và phát âm còn lơ lớ. Tác giả của bài hát thì lại là một nhạc sĩ người Pháp. Bối cảnh ra đời dường như không giống của một người cập nhật tình hình Việt Nam lắm: Marc Lavoine kể lại rằng ông viết nó sau khi gặp nữ ca sĩ Quỳnh Anh, và nhìn thấy ở cô nét đẹp của một nền văn hóa. Khi biết cô là người gốc Việt, ông nhớ đến ngay "quá khứ đau thương trong chiến tranh, những mất mát về con người và của cải, những đứa trẻ thất lạc" (Báo Tuổi Trẻ ngày 25-6-2008).

Năm 2006, thời điểm ra đời bài hát này, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lần đầu đăng cai và tổ chức thành công APEC 14, tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu (8,17% so với 8% theo kế hoạch), thu hút vốn FDI và ODA đạt kỷ lục, những cột mốc lớn sau 20 năm thực hiện Ðổi mới. Nhưng cảm hứng cho Lavoine viết ra bài hát vẫn là chiến tranh, và dù thiếu hơi thở thời sự như thế, Bonjour Vietnam vẫn nhanh chóng trở thành hiện tượng, được chính người Việt đón nhận nhiệt tình.

Với cá nhân tôi, nó là lõi của ký ức những chuyến đi, trong vai trò nhạc nền của sự trở về. Quan trọng là vậy, nhưng tôi không thật sự nhận ra đâu là khoảnh khắc giai điệu này góp phần nhào nặn hình ảnh đất nước trong danh tính bản thân mình. Việc tổng kết cảm xúc dường như luôn có độ trễ như vậy: ta không phân loại vào thời điểm trải nghiệm nó.

Nhưng đây là một cơ chế sâu sắc, vì nó tiếp cận chúng ta bằng sự mặc khải tình cờ.

Tôi rất thích xem bóng đá, nhưng chưa bao giờ có ý niệm rằng thứ cảm xúc này có thể liên kết mạnh mẽ với sự tự hào về Tổ quốc, cho đến khi một trận đấu đặc biệt diễn ra: sau trận chung kết giải U23 châu Á, cầu thủ Ðỗ Duy Mạnh đã cắm lá cờ Việt Nam lên một đụn tuyết rồi cúi chào.

Ðấy là hình ảnh mang tính biểu tượng. Khi các cầu thủ nỗ lực trên sân và tạo ra kỳ tích, họ "nói" thay giọng của nhiều người khác có chung một biểu tượng. Chiến thắng thể thao ngoài dịp để đám đông ra đường, còn là cơ hội để chúng ta nhìn thấy một phần bản thân mình: qua một trận bóng được nhiều người theo dõi, ta chứng kiến những người cùng một giống nòi thể hiện những phẩm chất đặc biệt.

Dường như khái niệm về bản sắc có một phổ rất rộng như thế: có thể những việc chẳng liên quan gì lại chính là nó, dù phải mất một thời gian để nhận ra sợi dây liên kết. Trên những cung đường đẹp như tranh ở Hà Giang, tôi bật bài hát rất nổi tiếng của một rapper, có lời như thế này:

Em ơi đi trốn với anh

Mình đi đến nơi có biển bạc

núi xanh

Chạy con xe anh chở em

chòng chành

Mình phóng tầm mắt ngắm

chân trời mới toanh

Không có một chữ Việt Nam nào trong lời bài hát, nhưng có một Việt Nam đã định hình lên trong tôi khi nghe nó. Giống như cảm xúc khi rời máy bay và xem một trận bóng, tất cả là những ký ức sâu sắc và quý giá. Nó làm tôi yêu Tổ quốc mình hơn, một cách rất tự nhiên.

Một khái niệm dường như quá vĩ mô như văn hóa dân tộc có thể đều bắt nguồn từ những khoảnh khắc nhỏ bé này, và nó sinh sôi với một phổ rất rộng: một thanh niên 9X lớn lên có thể không hiểu hết nội hàm trong lời những bài nhạc đỏ vì chưa từng trải qua chiến tranh, nhưng có thể truy cập vào tâm hồn của đất nước nhờ một bài rap hay. Một người trẻ không quá giỏi về lịch sử cũng có thể nhìn thấy hình hài của các phẩm chất dân tộc tính, đôi khi, qua một trận bóng đá.

Tất cả chúng ta đều có thể là nguồn tạo ra văn hóa. Bất kỳ sinh vật nào cũng có thể thể hiện dạng ký ức đơn giản nhất, từ sự thay đổi do các sự kiện trong quá khứ. Hãy nhìn cái cây khi nó rụng một cành: nó ghi nhớ điều này và cả quá trình mọc lại từ vết thương, để lại dấu vết trên vỏ và hình dạng của cây.

Cơ chế tạo ra bản sắc văn hóa cũng tương tự: chúng ta ghi nhớ không phải bằng trí nhớ cơ học, mà bằng trải nghiệm đã có trong hành trình sống. Không có nơ-ron nào ghi lại rằng tôi phải yêu mảnh đất này, cái cây kia, nhưng não chúng ta biết danh tính của mình thuộc về đâu.

Bản sắc văn hóa và nền tảng đạo đức

Các nghiên cứu gần đây của Shaun Nichols, giáo sư triết học của Trường đại học Arizona (Mỹ), kết luận rằng, điều tạo nên bản sắc của một người là năng lực đạo đức của anh ta. Ông tiến hành khảo sát bằng cách hỏi nhiều đối tượng xem một người sẽ được nhớ đến nhiều nhất bởi điều gì nếu linh hồn của anh ta chuyển sang một cơ thể khác. Kết quả: Các đặc điểm đạo đức được cho là cái neo của danh tính nhiều hơn bất kỳ loại đặc điểm nào khác thuộc về tinh thần hay thể chất.

Mỗi cá nhân đều có một danh tính của mình, và với tư cách một công dân, thì bất kỳ một sự chệch hướng của danh tính cá nhân đều có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng danh tính tập thể. Một người Việt Nam làm điều gì sai ở nước ngoài đều có nguy cơ dẫn đến quy kết vội vã là "người Việt" thì như thế. Năng lực đạo đức, như đã nói, chính là điều tạo ra bản sắc của danh tính cá nhân lẫn quốc gia.

Ðộng lực để cư xử đúng đắn và có đạo đức chính là những ký ức có ý nghĩa. Tôi muốn sống không chỉ như một cá nhân riêng lẻ, mà là một phần của ký ức tập thể này, nơi đã tạo ra muôn triệu khoảnh khắc để tôi trải nghiệm một cuộc đời có ý nghĩa, và góp phần tạo ra danh tính của tôi, một người Việt Nam.

Hành trình xác lập danh tính Việt Nam -0
Dù thiếu hơi thở thời sự, Bonjour Vietnam vẫn nhanh chóng trở thành hiện tượng, được chính người Việt nhiệt tình đón nhận. Ảnh: QUỲNH TRẦN 

Bởi vì danh tính của một quốc gia và một dân tộc có thể tồn tại lâu gấp nhiều lần tuổi thọ của tôi hay bất kỳ ai, và việc đóng góp vào danh tính tập thể chính là một cách để sống dài thêm nữa cuộc đời của mình. Tôi không muốn bị vùi lấp trong dòng chảy thông tin quá tải của thời đại công nghệ, mà muốn có thể được tồn tại dưới một dạng khác, đóng góp cho những ký ức mới sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ tiếp theo sinh sống trên mảnh đất này.

Chất liệu để tạo ra những dạng ký ức đẹp sẽ tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc thì lại luôn sẵn có, như những thí dụ mà cái vỏ của nó nhìn qua thì có vẻ xa lạ với khái niệm này (mà tôi đã đưa ra ở đầu bài viết). Nghe nhạc đỏ hay nhạc rap, người Việt hay người ngoại quốc sáng tác, giải trí bình dân hay sang trọng… đều không quan trọng. Tất cả đều có thể là một con đường dẫn lối vào tâm hồn của dân tộc. Cũng là tâm hồn của chính chúng ta.


Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Ngô Phương Thảo, Võ Hoàng.