Góc nhìn

GS, TSKH Ðặng Ứng Vận:

Cần tổ chức tốt hệ thống

Giờ là lúc cách mạng công nghiệp 4.0 nổi bật với vai trò, sử dụng công nghệ thông tin thực hiện E-learning học trực tuyến qua mạng. Tất nhiên là cần tổ chức tốt hệ thống, phối hợp với mỗi gia đình và triển khai xã hội hóa loại hình học tập này. Lúc này, vai trò quản lý ngành của Bộ GD và ÐT là rất quan trọng. Bộ cần khẩn trương có văn bản hướng dẫn để công nhận kết quả học tập theo phương thức đào tạo từ xa, nhưng không nên can thiệp quá sâu vào việc lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến, miễn là các cơ sở giáo dục bảo đảm chất lượng phù hợp với chương trình giáo dục đã được ban hành và sách giáo khoa đã được Bộ thẩm định.

Góc nhìn ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ÐT):

Bảo đảm dạy đủ, dạy đúng

Sau khi học sinh đi học trở lại, các trường phải tổ chức đánh giá lại năng lực học tập của các em. Trường hợp kiểm tra đánh giá thấy kết quả học trực tuyến, truyền hình chưa đạt yêu cầu thì mỗi giáo viên, nhà trường căn cứ vào đó để dạy ôn tập lại cho học sinh, tránh việc các em bị thiệt thòi, hổng kiến thức. Mục tiêu số một của dạy học là trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh bảo đảm các em được dạy đủ, dạy đúng nội dung chương trình để có kiến thức lên lớp, đáp ứng các kỳ thi cuối năm nên dù dạy theo hình thức nào cũng phải bảo đảm đáp ứng đủ các yêu cầu trên.

Góc nhìn ảnh 2

PGS,TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh:

Hướng đến mô hình đại học thông minh

Chúng tôi có đội ngũ bán chuyên trách E-learning hỗ trợ các giảng viên trong quá trình xây dựng khóa học và video bài giảng. Cơ sở hạ tầng mạng đang được nâng cấp, đáp ứng tốt các yêu cầu cho việc triển khai. Cùng với đó là sự đồng lòng từ Ban giám hiệu, các đơn vị có liên quan và toàn thể giảng viên. Thêm nữa, Trường đại học Trà Vinh còn được sự hỗ trợ về giải pháp kỹ thuật MDConference từ Công ty Acexis, đồng thời sử dụng các công cụ từ nguồn mở Google Meets, Hangouts Meets… và trường đang hướng đến đại học thông minh nên nền tảng triển khai dạy - học trực tuyến là hết sức thuận lợi. Tuy nhiên, cũng còn có những yếu tố khách quan khác, đó là sinh viên chưa sẵn sàng về mặt tâm lý và chưa có thói quen tự học qua mạng. Giảng viên cũng còn nhiều bỡ ngỡ do việc triển khai dạy - học trực tuyến chưa có sự chuẩn bị.

Góc nhìn ảnh 3

Cô Lê Thị Kim Huế, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu (TP Buôn Ma Thuột, Ðắk Lắk):

Việc học còn gặp nhiều khó khăn

Nhà trường đã lập trang web riêng để đưa bài lên, học sinh vào địa chỉ trang web đó để lấy bài về tự học, học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Mỗi khối lớp có ba giáo viên phụ trách, riêng môn Anh văn có ba giáo viên sẽ theo dõi và dạy cho tất cả các khối. Sau khi học sinh học xong sẽ có báo cáo lại với giáo viên để giáo viên nắm bắt và có sự hỗ trợ khi học sinh gặp khó khăn. Việc giao bài và kiểm soát việc học của học sinh được thực hiện hằng ngày. Tuy vậy, do học sinh còn ít tuổi, có nhiều học sinh dân tộc thiểu số, cả cô và trò đều chưa quen với việc học online cùng với phương tiện hỗ trợ học tập thiếu cho nên việc học gặp nhiều khó khăn. Cách khắc phục là, tổ chức chia ra các tổ, mỗi tổ có một tổ trưởng phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ mình soạn nội dung ôn tập, sau đó tổng hợp nội dung cần ôn tập cho học sinh theo tổ, theo khối lớp rồi mới tiến hành đưa bài lên web.

Góc nhìn ảnh 4