Gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt Nam

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm tháng đầu năm 2019 giảm cả về lượng, giá và kim ngạch so cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, lượng xuất khẩu đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3%; kim ngạch đạt 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%; giá xuất khẩu trung bình 429,5 USD/tấn, giảm tới 76,8 USD/tấn. Sự biến động này có nhiều nguyên nhân, song đã cho thấy quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo vẫn còn “điểm nghẽn”, đòi hỏi phải tháo “nút thắt”, thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo phẩm cấp cao, các địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng lúa theo hướng tập trung, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Ảnh: NGUYỄN XUÂN HÃN
Để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo phẩm cấp cao, các địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng lúa theo hướng tập trung, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Ảnh: NGUYỄN XUÂN HÃN

Bài toán chất lượng

Một trong những nguyên nhân khiến khối lượng gạo xuất khẩu năm tháng đầu năm 2019 giảm là do Trung Quốc - vốn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam từ nhiều năm qua hiện đã giảm mua gạo từ nước ta. Theo đó, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm tới 75,4% về lượng và giảm 75,2% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm 6,3%, đạt 499 USD/tấn.

Cùng lúc, Trung Quốc cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm đối với gạo nhập khẩu và có những quy định giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu khắt khe hơn với hàng loạt các yêu cầu mới được đưa ra như: yêu cầu về nguyên liệu an toàn; yêu cầu đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; khai báo rõ ràng về xuất xứ vùng trồng; thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc… Trước những quy định đó, hiện chỉ có 21 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu gạo vào thị trường này.

Để tìm lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu gạo, chúng ta sẽ phải cơ cấu lại ngành hàng này. “Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định, đến năm 2020, sẽ có 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, con số này đến năm 2030 là 50%, trong đó có khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm, gạo đặc sản. Còn như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á với tỷ trọng chiếm tới 60%, châu Phi là 22%. Trong khi đó, châu Mỹ mới chỉ chiếm 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%. Mục tiêu đến năm 2030, thay đổi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường như sau: châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%... đòi hỏi phải có sự chuyển mình đồng bộ của một ngành vốn là mũi nhọn trong xuất khẩu nông sản.

Cơ cấu lại một cách đồng bộ

Để tăng chất lượng cho hạt gạo Việt Nam, đưa gạo Việt đến được những thị trường khó tính đòi hỏi phải cơ cấu lại toàn bộ ngành hàng này, trong đó quan trọng nhất là xác định được các loại giống chủ lực cho xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận. Bởi lẽ, một trong những điểm yếu của ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện nay là nông dân sử dụng giống lúa xác nhận còn thấp nên khó tạo ra lượng gạo đồng đều về chất lượng và giá trị. Điều này bắt nguồn từ thói quen canh tác lâu đời nay của nông dân, đó là sản xuất những gì mình có chứ chưa phải sản xuất những gì thị trường cần. Trong khi đó, thời gian qua, các ngành chức năng cũng chưa thật sự coi trọng việc xác nhận giống trong hoạt động xuất khẩu gạo. Như ở Thái-lan, gạo xuất khẩu sẽ được Bộ Thương mại xác nhận có đúng giống đăng ký không, nếu không sẽ không được xuất đi. Điều này đóng vai trò quan trọng bảo đảm chất lượng toàn lô hàng cũng như giữ vững uy tín, thương hiệu cho gạo Thái-lan. Nghịch lý là dù chúng ta xuất khẩu gạo lớn nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra giám sát, kiểm tra vấn đề này.

Gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt Nam ảnh 1

Để đa dạng thị trường xuất khẩu gạo, đòi hỏi phải cơ cấu lại toàn bộ ngành hàng này. Ảnh: Thanh vũ

Bên cạnh việc sử dụng giống lúa xác nhận, thì khâu chọn giống cho từng vụ lúa trong năm cũng phải hết sức coi trọng. Cụ thể, giống cho vụ hè - thu, đông - xuân phải riêng biệt mới nâng cao được chất lượng hạt gạo. Cùng đó, các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo DN nên đa dạng hóa các giống lúa chủ lực để thay vì xuất khẩu gạo trắng thường vào tất cả các thị trường thì đưa dòng gạo thơm hướng đến thị trường châu Á, gạo trắng hạt dài tập trung ở thị trường châu Âu theo nhu cầu người tiêu dùng.

Ngoài những yêu cầu trên, để xuất khẩu gạo không bị phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và các thị trường phẩm cấp thấp sẽ cần đến vai trò của các địa phương trong quy hoạch lại vùng trồng lúa cũng như đẩy mạnh hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Ông Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long nhận định: Nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu không những cần giống tốt mà còn cần cả quy trình sản xuất khép kín bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng trên khắp thế giới ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất gạo, các tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng mà gạo đạt được, chứ không còn coi gạo là mặt hàng lương thực đơn thuần. Trong khi hiện nay, các vùng sản xuất gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao của nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, nhất là việc sản xuất gạo hữu cơ vẫn còn gian nan, nhiều thách thức. Nhưng, chúng ta không thể chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ này vì các “đối thủ” xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang có những biến chuyển lớn trong cách thức canh tác cũng như chế biến để nâng cao chất lượng gạo một cách toàn diện.

Có thể thấy, từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Hiện nay nhiều quốc gia đã có thể tự chủ được nguồn lương thực để hạn chế nhập khẩu gạo, nhưng nhu cầu đối với nguồn gạo ngon, gạo chất lượng cao, gạo dinh dưỡng lại đang tăng lên ở nhiều quốc gia. Gạt qua nỗi lo về thị trường truyền thống bị thu hẹp, đây là thời điểm ngành lúa gạo trong nước cần tập trung mạnh vào việc trồng những giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, để tạo ra nguồn hàng phong phú, mở cánh cửa vào những thị trường khó tính nhưng mang lại giá trị gia tăng cao cho gạo Việt Nam.