Định vị chiến lược cho ngành da giày Việt Nam

Muốn giữ được vị thế là một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế theo chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2035, ngành da giày, túi xách cần có sự thay đổi về chất. Thay vì chỉ gia công theo đơn hàng, doanh nghiệp (DN) cần phải biết được sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở đâu, như thế nào? Đã đến lúc cần có được những thương hiệu riêng để da giày Việt Nam có thể xâm nhập được mạng lưới xuất khẩu và tiếp thị trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sự dịch chuyển chuỗi sản xuất tích hợp dọc của các doanh nghiệp da giày Việt sẽ mang lại giá trị xuất khẩu tăng cao hơn. Ảnh: Hồng Nhung
Sự dịch chuyển chuỗi sản xuất tích hợp dọc của các doanh nghiệp da giày Việt sẽ mang lại giá trị xuất khẩu tăng cao hơn. Ảnh: Hồng Nhung

Làm sao “thoát đáy”?

Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu và thứ ba về sản xuất da giày. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù có đến 90% sản lượng xuất khẩu, nhưng lợi nhuận thu về từ ngành này chỉ đạt mức 25% giá trị gia tăng. Đó là bởi, sau nhiều năm gia nhập chuỗi giá trị da giày toàn cầu, nhưng ngành da giày Việt Nam vẫn chỉ tập trung xuất khẩu các sản phẩm da giày theo phương thức gia công - vị trí đáy của chuỗi giá trị toàn cầu - với giá trị gia tăng tương đối thấp.

Hạn chế lớn nhất của ngành này là sự phát triển không đồng đều ở các khâu, đặc biệt là ở công đoạn đầu trong chuỗi giá trị bao gồm: sản xuất nguyên liệu, thiết kế mẫu mã. Điều này đã cản trở sự phát triển, làm giảm giá trị gia tăng ở khâu sản xuất. Đó là chưa kể, mạng lưới xuất khẩu và tiếp thị vẫn đang là điểm yếu lớn trong chuỗi giá trị của ngành da giày. Đó là lý do của sự hạn chế trong việc xâm nhập vào các khâu cao hơn của chuỗi giá trị da giày toàn cầu. Như vậy, thách thức của các DN da giày Việt Nam lúc này nằm ở việc, họ có thể chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn bằng cách nâng cấp năng lực cạnh tranh của mình hay không?

Nâng cấp chuỗi giá trị được hiểu như là việc thay đổi, dịch chuyển các hoạt động nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Giá trị cao hơn có thể đạt được bằng cách hoặc dịch chuyển sang các sản phẩm có giá trị cao hoặc tăng cường thêm các chức năng mới trong chuỗi giá trị như tham gia vào khâu thiết kế và marketing. Trong một nghiên cứu về chuỗi sản xuất công bố năm 1999, Gary Gereffi đã chỉ ra rằng, sự thành công của các nước Đông Á trong việc vận dụng chuỗi giá trị chi phối bởi người mua đến từ việc nâng cấp ngành và sự dịch chuyển chuỗi từ giai đoạn một, gia công với các yếu tố đầu vào nhập khẩu sang các hoạt động sản xuất tích hợp dọc để mang lại giá trị xuất khẩu tăng thêm cao hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp - Bộ Công thương), chiến lược phát triển ngành da giày Việt Nam xác định, muốn gia tăng giá trị xuất khẩu cần thông qua tích hợp dọc và xuất khẩu theo nhãn hiệu gốc. Tuy nhiên, sự dịch chuyển từ sản xuất gia công sang xuất khẩu theo nhãn hiệu gốc là điều khó khăn bởi chúng ta còn thiếu năng lực để trở thành các nhà điều phối trong chuỗi giá trị và quản lý rủi ro trong hệ thống sản xuất và phân phối.

Do đó, chiến lược nâng cấp ngành sẽ nằm ở việc dịch chuyển từ hợp đồng gia công với các yếu tố đầu vào nhập khẩu sang hình thức tích hợp sâu hơn, mô hình đòi hỏi liên kết trước và liên kết sau nhiều hơn ở cấp độ quốc gia và khu vực. Các chính sách phải thúc đẩy nâng cấp quy trình để đạt hiệu quả trong các hợp đồng gia công thông qua quá trình chuyển giao công nghệ của người mua. Liên kết với người mua nước ngoài thông qua hợp đồng gia công có thể dẫn đến nâng cấp sản phẩm, đại diện của Cục Công nghiệp nhấn mạnh.

Định vị chiến lược cho ngành da giày Việt Nam ảnh 1

Các DN muốn tồn tại, đòi hỏi phải thay đổi.

Như vậy, bằng cách dịch chuyển danh mục sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm giá trị cao sẽ giúp các DN có khả năng cạnh tranh hơn. Quá trình nâng cấp sản phẩm và công nghệ định hướng vào quy trình sản xuất, các kỹ năng và tri thức sẽ được chuyển giao từ người mua sang các nhà cung cấp Việt Nam. Xét trong ngắn hạn, việc nâng cấp quy trình và sản phẩm là khả thi. Còn xét dài hạn, đòi hỏi nâng cấp cả chức năng và tăng cường vai trò dẫn đạo trong chuỗi giá trị sẽ cần nhiều thời gian bởi sự đòi hỏi cao hơn về kỹ năng và tri thức trong việc xử lý thông tin thị trường đối với việc thiết kế, sản xuất và marketing các sản phẩm giá trị cao. Điều đó đòi hỏi có sự hỗ trợ của chính sách, chẳng hạn như chú trọng vào đầu tư nguồn nhân lực để tăng cường kỹ năng nghề và kỹ năng quản lý, thay vì chỉ tập trung vào máy móc và công nghệ.

Rộng cửa FTA

Hai năm trở lại đây, cơ cấu thị trường xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu giày dép tới hơn 100 nước, trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu hơn một triệu USD. Theo dự báo của Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), giá trị xuất khẩu da giày trong năm 2019 sẽ tăng 10%, đạt khoảng 21,5 tỷ USD. So sánh con số này với dự báo mà EuroMonitor đưa ra về tổng doanh số tiêu thụ cho giày dép toàn cầu là 400 tỷ USD, càng cho thấy cơ hội cho da giày Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn, nhất là khi mà các hiệp định thương mại song phương, đa phương với các thị trường lớn như Việt Nam, ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.

Hiện nay, Liên hiệp châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng Mỹ chính là quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất. Đối với CPTPP, da giày Việt Nam hy vọng sẽ xâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng, có sức tiêu thụ lớn như Ca-na-đa, Mê-hi-cô. Việt Nam ghi nhận đã và đang có sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất và thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực da giày nhiều hơn.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), cơ hội từ các FTA thế hệ mới rất lớn, nhưng không mặc nhiên DN được hưởng mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động, xuất xứ và môi trường. Quan trọng là phải phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ để DN có điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từng bước ra khỏi tình trạng gia công phổ biến hiện nay, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho ngành da giày, túi xách.

Bàn sâu hơn về việc tận dụng cơ hội từ FTA, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso cho rằng, cần đến sự phối hợp chặt chẽ từ cả Nhà nước và DN. Điều mà cộng đồng DN mong mỏi lúc này là sự hậu thuẫn của chính sách giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cũng như sớm xây dựng và áp dụng thống nhất các quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực da giày đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Một khi Nhà nước tạo điều kiện để hình thành hai khu, cụm công nghiệp chuyên ngành cho da giày, quy tụ thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu khoa học và công nghệ, cho đến sản xuất nguyên phụ liệu và các sản phẩm ngành, phân phối, marketing…, có thể tin tưởng rằng, ngành da giày Việt Nam sẽ còn đặt dấu chân xa hơn nữa trên thị trường toàn cầu.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Lê Đức Nghĩa