Điểm nghẽn cần được khơi thông

Một trong nhiều giải pháp mà TP Hà Nội đưa ra những năm qua là tăng sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Song, để giải pháp này thật sự có hiệu quả, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông.

Chỉ khi người dân thật sự ghi nhận những ưu việt của hệ thống vận tải hành khách công cộng, họ sẽ nói “có”.
Chỉ khi người dân thật sự ghi nhận những ưu việt của hệ thống vận tải hành khách công cộng, họ sẽ nói “có”.

Chưa được như mong đợi

Qua thực tế và phân tích của các chuyên gia, khẳng định xe buýt là phương tiện vận tải hành khách phổ biến rộng rãi nhất hiện nay. Chứng minh điều đó khi hỏi chuyện học sinh, sinh viên, người làm công sở, người lớn tuổi… đều khẳng định xe buýt ngày càng tiện lợi, giá rẻ, tránh được nắng và bụi.

Hơn thế, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt dễ dàng phân chia nhu cầu đi lại ra các tuyến đường khác nhau trên cơ sở mạng lưới đường bộ thực tế để điều tiết mật độ đi lại chung. Ông Lưu Xuân Bình, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, nhấn mạnh, việc phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt hiện nay không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân, giúp giảm phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường. Mà cũng là giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông (hệ thống giao thông tĩnh).

Mặc dù có rất nhiều tiện lợi, nhưng hiện nay xe buýt mới chỉ đóng góp được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Theo kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam), đóng góp của xe buýt như vậy là quá khiêm tốn. Trong khi chờ đợi các tuyến đường sắt đô thị vận hành, thì vẫn phải tập trung cho phát triển xe buýt. KTS Trần Huy Ánh nêu hiện trạng: “Việc quy hoạch giao thông đô thị của ta bị rối. Áp lực dân số cũng tạo áp lực cho giao thông. Trong khi đó quỹ đất để mở rộng, nâng cao năng lực của hạ tầng giao thông cũng là một vấn đề gây cản trở sự phát triển của xe buýt. Khi người dân chưa tin vào việc vận hành tốt của xe buýt thì họ chưa sử dụng nhiều”.

Trong quá trình tìm hiểu thực tế, nhiều người dân cho biết, ở không ít tuyến đường, xe buýt chạy lòng vòng nhiều tuyến phố mà không chạy thẳng nên mất nhiều thời gian. Một số ý kiến khác cho rằng, do tâm lý ngại đi bộ của người dân, thích “một trăm mét đường cũng phải ngồi xe”, mà phương tiện xe máy đáp ứng được điều này. Tuy nhiên việc tuyên truyền, tạo ra các kênh thông tin tích cực, có tác động lớn vẫn đang rất thiếu thốn.

Khơi dần từng bước

Muốn thu hút ngày càng nhiều hành khách thì xe buýt phải thể hiện được tính ưu việt hơn hẳn phương tiện cá nhân, như nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến, nghĩa là xe buýt phải thuận tiện trên nhiều tuyến đường, giảm thời gian di chuyển, tăng tính hiệu quả. Muốn như thế, theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, cả hệ thống giao thông công cộng phải mau chóng được cải thiện bằng các giải pháp mạnh để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, phải “khơi” được những điểm nghẽn thường xuyên ùn tắc ở các nút giao thông quan trọng, như khu Pháp Vân, Bến xe Nước ngầm đi vào trung tâm Hà Nội, tuyến từ Linh Đàm đi Bến xe Mỹ Đình; ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, Lê Duẩn - Khâm Thiên… “Chúng ta cần nhìn sâu trong đó, việc kiểm soát và quy hoạch xây dựng chung cư hiện nay cũng tạo áp lực lên cả hệ thống vận tải, trong đó có xe buýt. Vì thế, chúng ta cũng phải quyết liệt, nghiêm túc hơn trong quy hoạch xây dựng các khu chung cư có mật độ dân lớn”, ông Tùng nhấn mạnh.

Rốt ráo trong công tác này, ông Lưu Xuân Bình, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, nêu ra các giải pháp: Năm 2018, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ” nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 tới toàn thể cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên. Thêm nữa, phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Trung tâm điều hành giao thông đô thị tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn tới cán bộ làm công tác điều hành, quản lý, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ xe về công tác quản lý; chất lượng, nâng cao trình độ tay nghề, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa giao thông năm 2018.

Đề án cũng nêu sáu nhóm giải pháp, trong đó đáng chú ý là các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện và quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện. Về quản lý phương tiện, thành phố sẽ lập quy hoạch phát triển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn đến năm 2030. Trước mắt lập Quy hoạch VTHKCC bằng xe buýt, ta-xi để bảo đảm phát triển, duy trì số lượng xe; siết chặt quản lý phương tiện cá nhân, xử lý xe máy cũ nát...

Chỉ khi những “điểm nghẽn” được khơi thông, một cách quyết liệt, người dân thấy được tính ưu việt nổi trội của xe buýt, họ sẽ nói “có”.

Hiện nay, mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội có 111 tuyến (93 tuyến trợ giá, chín tuyến không trợ giá và 10 tuyến buýt kế cận). Sản lượng VTHKCC năm 2017 ước đạt gần năm triệu lượt xe với 441 triệu lượt hành khách. Sáu tháng đầu năm 2018 (từ ngày 16-12-2017 đến 16-5-2018 ước đạt 2.379.952 lượt xe với 172,15 triệu lượt hành khách).