Đem chuông đi đánh xứ người

Trở về từ Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 tại Liên bang Nga, đoàn thí sinh Việt Nam đã giành một Huy chương bạc và tám Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Trong niềm tự hào, các thí sinh cũng thể hiện những nỗi niềm.

Trương Thế Diệu (bên phải) đạt Huy chương bạc Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45.
Trương Thế Diệu (bên phải) đạt Huy chương bạc Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45.

Trình độ ngang nhau, nhưng…

Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 là kỳ thi lớn nhất về số lượng nước, vùng lãnh thổ và số lượng người tham dự từ trước đến nay, với 1.355 thí sinh tham dự ở 56 nghề đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm nhiều nước có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao như: Ca-na-đa, Mỹ, Bra-xin, Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tính về số điểm và huy chương, đoàn Việt Nam xếp thứ 25/63 quốc gia tham dự. Đây là thành tích được đánh giá là khá ấn tượng. Nhiều thí sinh được lựa chọn dự thi tâm sự rằng, các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới không phải là để lấy thành tích, mà là những cuộc cọ xát của các thí sinh. Đồng thời, đưa quân đi dự thi cũng giúp giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam có thêm kinh nghiệm để đổi mới quá trình đào tạo trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn trong hội nhập nguồn nhân lực. Là thí sinh duy nhất đạt Huy chương bạc nghề phay công nghệ cao (CNC) tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45, Trương Thế Diệu cho biết: Để đạt được kết quả tại kỳ thi, các thí sinh cần chuẩn bị tốt ba vấn đề: kỹ năng, tinh thần và chiến thuật. Quá trình luyện tập với máy móc trước khi thi vô cùng quan trọng. Nếu thường xuyên được thực hành, thí sinh sẽ có phương án khắc phục các lỗi. Qua cuộc thi, em nhận thấy thí sinh ở nước mình và thí sinh quốc tế không có khoảng cách về trình độ.

Chung quan điểm với Diệu, thí sinh Nguyễn Thái Phương (Công ty TNHH Môi trường Việt), người đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề Công nghệ nước, chia sẻ thêm: “Có một vấn đề, học viên nước ta đang thua kém là giáo cụ, công cụ để học và thực hành chưa hiện đại. Một điều nữa là trình độ tiếng Anh của học viên ta hơi yếu”.

Thí sinh Bùi Duy Kiệm, sinh viên Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, không lựa chọn học đại học mà chọn học nghề để bước vào đời. Khi còn học phổ thông, Kiệm tâm đắc với ý kiến của thầy giáo, rằng muốn làm ông chủ thì mình phải giỏi nghề trước. Vì thế, Kiệm chọn học nghề để có thể tự lập và từng bước thực hiện ước mơ. Trở về sau cuộc thi, với nghề xây gạch, Kiệm cho biết: “Đối với môn thi nghề xây gạch như bọn em, phải tốn rất nhiều thể lực. Khi thi, trình độ nghề có thể ngang nhau, nhưng phải nói là ngoại hình và thể lực của các bạn thí sinh quốc tế rất tốt. Họ chịu được áp lực và cường độ thi liên tục, nhất là những môn kéo dài đến bốn ngày. Rõ ràng, để thi giải cao, mà hơn cả là làm việc tốt, cần chú trọng đến giáo dục thể chất thật tốt, coi đây như yếu tố nền tảng, không thể thiếu”.

Thiếu hụt chính sách cho các kỳ thi tay nghề

Tự tin với kiến thức đã học và cho rằng mình đã lựa chọn đúng nghề, thí sinh Nguyễn Văn Hưng, sinh viên Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội mong rằng, công tác dạy nghề cần tiếp thu kinh nghiệm từ các nước phát triển, khuyến khích nhiều hơn nữa doanh nghiệp (DN) tham gia đào tạo thực tế, nâng cao kỹ năng tiếp cận máy móc hiện đại.

Đây cũng là mong mỏi chung của nhiều thí sinh đi thi nghề và của các học viên theo học ở các cơ sở dạy nghề trong nước. Thay đổi cách học, vừa học lý thuyết vừa được thực tế ở DN sẽ khiến học viên có điều kiện thực hành nhiều hơn, và từ đó niềm đam mê với nghề nghiệp cũng có cơ hội nảy nở, phát triển. Điều này còn mở ra cơ hội tiếp cận việc làm tốt hơn. Từ kinh nghiệm thực tế tại kỳ thi nghề quốc tế, thí sinh Nguyễn Thái Phương nhấn mạnh: “Đào tạo nghề cần chú trọng về đào tạo tiếng Anh cho học viên, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đang khiến cho biên giới nghề nghiệp được nới rộng ra rất nhiều. Việc lao động di chuyển trong khối ASEAN vừa tạo nên cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với lao động của Việt Nam. Muốn thích ứng được, không chỉ nâng cao tay nghề, cải thiện trình độ ngoại ngữ mà còn cần đến việc rèn luyện tính kỷ luật và thái độ làm việc. Những điều này, tiếc thay còn chưa được các cơ sở đào tạo chú trọng đúng mức”.

Ghi nhận những thành tích đáng khích lệ của các thí sinh tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 45, Phó Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cũng nêu ra nhiều nỗi trăn trở. Ông chia sẻ thông tin, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành danh mục nghề trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ danh mục này soi chiếu vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp cho thấy, việc đào tạo nghề cho thi tay nghề thế giới ở ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có chiến lược quốc gia về đào tạo thi tay nghề khu vực và thế giới.

Muốn thay đổi điều này, tới đây, Tổng cục sẽ cập nhật chính sách về công tác hỗ trợ tài chính, các giải pháp giúp nâng cao chất lượng các kỳ thi tay nghề trong nước và thế giới. Qua đó tiếp tục có những học hỏi, tham khảo, kích thích tinh thần sáng tạo, tinh thần say mê học nghề, nâng cao tay nghề cho nhiều bạn trẻ trong cả nước, ông Dũng cho biết.