Để không ai bị bỏ lại phía sau

“Để không ai bị bỏ lại phía sau”, là trăn trở của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh (ASOCIO 2018) được tổ chức tại Hà Nội ngày 18-9. Tương tự, trong nhiều diễn đàn khác khi bàn về giải pháp xây dựng thành phố thông minh (TPTM), yếu tố con người cũng luôn được chú trọng, bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật hay chính sách.
Các đại biểu tham dự ASOCIO 2018 nghe giới thiệu về mô hình thành phố thông minh.
Các đại biểu tham dự ASOCIO 2018 nghe giới thiệu về mô hình thành phố thông minh.

Nỗ lực tìm giải pháp

Tính đến thời điểm này, đã có ba thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng công bố các đề án phát triển TPTM. Trong khi TP Hồ Chí Minh có tham vọng trở thành “thung lũng Silicon của Thái Bình Dương”, Đà Nẵng chú trọng xây dựng dịch vụ chính quyền điện tử, thì Thủ đô Hà Nội đặt ra sáu tiêu chí cho đô thị thông minh, bao gồm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, cải thiện giao thông, giáo dục, thương mại và chính quyền điện tử.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị ASOCIO 2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thủ đô Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình TPTM mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh những tiến bộ khoa học - kỹ thuật đang phát triển nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như: in 3D, thực tế ảo, điện toán đám mây, robot, big data, block chain, trí tuệ nhân tạo… đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia công nghệ phải cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp nhất để cùng nhau xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những giải pháp nhận được nhiều sự quan tâm nhất là, làm sao để TPTM thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên hiệu quả. Theo đó, bên cạnh các giải pháp số cũng cần đặc biệt chú trọng đến “giải pháp xanh”. Mặc dù việc phát triển công trình xanh hoàn toàn phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ, song lại không có bất kỳ văn bản pháp luật nào định nghĩa rõ ràng về công trình xanh, trong khi đây là yếu tố nền tảng cần thiết cho việc đề xuất các ưu đãi hoặc chính sách khuyến khích đầu tư trong tương lai.

Ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng của cộng đồng chưa đồng đều cũng là rào cản trong quá trình xây dựng và vận hành TPTM.

Thành phố thông minh cần con người văn minh

Với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”, ASOCIO 2018 muốn tập trung vào những tiện ích về hạ tầng kỹ thuật, song cũng rất coi trọng yếu tố “an toàn” cho con người. “Ý tưởng Smart city (TPTM) là lấy người dân làm trung tâm, vì người dân và phải đối thoại cởi mở với dân”, là nhấn mạnh của vị Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.

Còn ông Makoto Yokozawa, Giáo sư Đại học Tokyo (Nhật Bản) thì mang tới thông điệp: “Thành phố thông minh, cộng đồng thông minh và xã hội 5.0” với những kinh nghiệm của Nhật Bản. Ông phân tích, mấu chốt của TPTM là chia sẻ dữ liệu, nhưng phải bảo đảm tính bảo mật và quyền riêng tư. “TPTM nhưng phải an toàn, phải nhân văn, được vận hành bởi những con người thông minh và trách nhiệm”, ông nhấn mạnh.

Nhìn ở góc độ khác về TPTM, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đặt vấn đề, cuộc CMCN lần thứ nhất đã bỏ lại 1/6 dân số trên thế giới không có nước sạch, đến cuộc CMCN lần thứ hai thì bỏ lại 1/3 dân số chưa có điện, cuộc CMCN lần thứ ba vừa qua đã bỏ lại 1/2 dân số chưa tiếp cận với Internet. “CMCN lần thứ tư này còn hiện đại hóa hơn nữa và liệu rằng phía sau những tiến bộ công nghệ này, con người có bị bỏ lại không?”, ông Bình đặt câu hỏi và nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục - đào tạo là vô cùng quan trọng, làm sao để không bỏ rơi ai, để mọi người đều được hưởng thụ tất cả những gì tốt đẹp mà TPTM mang lại.

Nhìn nhận ở góc độ là một nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, TS Brian David Hull, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ABB (thuộc Tập đoàn ABB), một trong những Tập đoàn tiên phong về công nghệ trên thế giới, khi trao đổi vấn đề giải pháp với PV Nhân Dân cuối tuần đã nhấn mạnh đến các giải pháp kỹ thuật. Theo đó, trước tiên là vấn đề năng lượng tái tạo, và cần phải có cơ sở hạ tầng cho vấn đề này để khi các doanh nghiệp hoạt động thì có thể tích hợp vào hệ thống. Thứ hai, sớm xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh, kịp thời phát hiện những rò rỉ để luôn luôn bảo đảm nguồn nước sạch đến công ty cũng như các hộ gia đình. Thứ ba, cần bảo đảm hệ thống giao thông vận tải bền vững. Muốn thế phải có hệ thống hạ tầng để vận hành chúng.

Tổng Giám đốc của ABB chia sẻ: Tôi rất lạc quan vào tính khả thi của đề án, bởi Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch rõ ràng, giúp các nhà đầu tư mạnh dạn hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách dài hạn, để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư nguồn vốn lớn hơn nữa vào Việt Nam. Chính phủ cũng cần có những chính sách khuyến khích về thuế, ưu tiên cho những dự án đầu tư vào công nghệ như sản xuất thông minh, tòa nhà thông minh,…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%. Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số.