Chủ động, sáng tạo, hiện thực hóa quyết tâm của đại hội

Chưa bao giờ đại hội đảng bộ các cấp diễn ra trong bộn bề công việc và chồng chất khó khăn như nhiệm kỳ này, vừa dồn sức phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa gồng mình khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ,... Trong bối cảnh đó, các cấp ủy đã chỉ đạo sát sao đại hội đảng bộ cấp dưới; chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ cấp mình, để lại dấu ấn tốt đẹp. Tinh thần ấy cần được nhân lên thành sức mạnh trong tổ chức thực hiện nghị quyết đề ra, hướng tới Ðại hội XIII của Ðảng. Như thế, thành công của đại hội mới thật sự có ý nghĩa.

Chế biến dứa tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao, thành phố Tam Ðiệp (Ninh Bình). Ảnh: Thùy Dung (TTXVN)
Chế biến dứa tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao, thành phố Tam Ðiệp (Ninh Bình). Ảnh: Thùy Dung (TTXVN)

Không để “khoảng trống” giao thời

Ðại hội đảng bộ các cấp đã kết thúc mấy tháng nay. Hầu hết các ban chấp hành khóa mới bắt tay ngay vào công việc của nhiệm kỳ tới, nhưng ở một số nơi, vẫn còn không ít cấp ủy có biểu hiện “xả hơi”, “vừa mới đại hội, nghỉ ngơi ít ngày đã, nhiệm kỳ 5 năm cơ mà”. Ai cũng thấy rõ “khoảng trống” giao thời không nên có ấy, nhưng dường như ít người quan tâm.

Ðại hội thành công là tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới. Ðiều có ý nghĩa quyết định là phải hiện thực hóa được khát vọng mà đại hội đã biểu thị quyết tâm. Vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý của nhiệm kỳ trước sẽ giúp đảng bộ vững bước hơn trong nhiệm kỳ tới. Trước hết là cần một tập thể cấp ủy thống nhất; một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì thế, ngay sau đại hội, việc làm đầu tiên là, sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy theo đề án nhân sự mà đại hội đã thực hiện với sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Gạt bỏ tâm lý “xả hơi” sau khi hoàn thành nhiều công việc lớn, ai bắt tay ngay vào việc của người nấy, khắc phục “khoảng trống” giao thời; không để “khuyết” cán bộ, nhất là các chức danh chủ chốt do bầu chưa đủ, hoặc chưa bố trí kịp thời sau đại hội.

Sau đại hội là thời gian có nhiều “việc cần làm ngay”, như hoàn thiện các văn kiện đại hội đã thông qua; xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, chương trình hành động thực hiện nghị quyết, các chương trình công tác toàn khóa, giải quyết chính sách đối với cán bộ không tái cử, cán bộ nghỉ công tác,… Việc nào cũng quan trọng, lại diễn ra vào thời điểm cuối năm dồn dập công việc, cho nên cấp ủy cần có kế hoạch, thời gian thực hiện cụ thể; từng thành viên chủ động, đề cao trách nhiệm nêu gương, làm tốt nhiệm vụ được phân công.

Người mới vào cấp ủy cũng như người tái cử, cán bộ chủ chốt là người địa phương cũng như không phải người địa phương cùng cộng đồng trách nhiệm ngay từ những ngày đầu, việc đầu, tránh tư tưởng “thăm dò, nghe ngóng, làm quen”, để cả tập thể là một khối đoàn kết, thống nhất, chung vai gánh vác công việc mà đại hội đã giao. Càng gặp khó khăn, vướng mắc, những việc mới nảy sinh, hay còn ý kiến trái chiều, càng phải xích lại gần nhau hơn để tìm tiếng nói chung, bàn cách tháo gỡ, tạo khí thế từ buổi đầu của nhiệm kỳ mới.

Chủ động, sáng tạo, hiện thực hóa quyết tâm của đại hội -0

Cựu chiến binh huyện Yên Mô (Ninh Bình) phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: LÊ HỒNG

Việc hôm nay chớ để ngày mai

Việc chuẩn bị và tổ chức đại hội là một quá trình tổng kết thực tiễn công phu để “đưa cuộc sống vào nghị quyết”. Và giờ đây là lúc “đưa nghị quyết vào cuộc sống”, biến ý chí của đại hội thành hành động trong từng việc làm cụ thể, đặt những viên gạch đầu tiên làm nền móng cho chặng đường mới. Lâu nay, vẫn có ý kiến băn khoăn, nghị quyết thì hay, đúng, nhưng việc tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí làm trái chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cần khắc phục cho được hạn chế này, trước mắt là đổi mới mạnh mẽ việc học tập nghị quyết. Khí thế thành công của đại hội, những định hướng lớn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết mà đại hội thông qua cần sớm quán triệt đến toàn thể đảng viên trong đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, để ai cũng thấm nhuần, cũng thấy rõ những việc cần làm, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và trách nhiệm, phần việc của mình trong từng chương trình công tác cụ thể.

Ðại hội nhiệm kỳ 2020-2025, có nhiều điểm mới, trong đó, chương trình hành động thực hiện nghị quyết được thảo luận, thống nhất tại đại hội là điều kiện thuận lợi để các cấp, ngành chủ động cụ thể hóa thành đề án cho từng lĩnh vực, xác định rõ việc nào làm trước, việc nào làm sau trong từng năm, từng giai đoạn. Ðề án của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có tính chất, yêu cầu riêng, nhưng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và tính liên kết, liên thông giữa các ngành, các lĩnh vực, các vùng trong địa phương và với các nơi khác; bảo đảm sự hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý đất đai; với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại, v.v. Tất cả hòa trong một chương trình tổng thể dưới sự chủ trì của cấp ủy để đồng hành đến mục tiêu mà đại hội vạch ra. Như thế sẽ không còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, “cua cậy càng, cá cậy vây”; như thế sẽ bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng đối với từng ngành, từng lĩnh vực công tác. Ðể khắc phục bệnh hình thức, mỗi đề án cần chỉ rõ những nội dung công việc cụ thể, lộ trình thực hiện và vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, người thay mặt cấp ủy theo dõi chỉ đạo. Ðó không chỉ là cơ sở để tổ chức thực hiện nghị quyết có hiệu quả mà còn là căn cứ cho việc kiểm điểm, đánh giá cán bộ hằng năm.

Một trong những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước là, đối với mọi công việc, phải luôn giữ vững nguyên tắc hoạt động của Ðảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Hàng loạt vụ việc, cán bộ sai phạm phải xử lý kỷ luật trong thời gian qua là do vi phạm nguyên tắc cơ bản nêu trên. Bài học kinh nghiệm này cần được vận dụng tốt nhất trong tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý kinh tế, đất đai và công tác cán bộ, ngay từ ngày đầu, tháng đầu triển khai thực hiện nghị quyết của đại hội. Từ việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đến thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy phải lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm đầu. Thực tế đã có cấp ủy, có cán bộ bị kỷ luật do không thực hiện nghiêm quy chế làm việc, hoặc do xây dựng quy chế trái quy định của Trung ương, tạo kẽ hở cho cá nhân lạm dụng quyền hành để vụ lợi cá nhân, hoặc phục vụ lợi ích nhóm.

Ðầu nhiệm kỳ, bao giờ cũng có nhiều việc lớn cần định hướng, như xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí sắp xếp cán bộ,… Nếu không bàn bạc kỹ lưỡng từng việc, nếu dân chủ bị lợi dụng để lồng ý đồ cá nhân thì rất dễ dẫn đến quyết định sai lầm ngay từ đầu; mà sai lầm trong xây dựng cơ chế, chính sách, trong công tác cán bộ thường để lại hậu quả khôn lường, nghiêm trọng hơn bất cứ sai lầm nào, không dễ gì khắc phục. Càng thảo luận dân chủ một cách thật sự, càng bàn bạc thấu đáo theo hướng mọi việc đều vì mục đích chung thì càng nâng cao được tinh thần đoàn kết, thống nhất được ý chí và hành động, bảo đảm chặt chẽ trong việc thực hiện các quy trình công tác, tránh sai sót đáng tiếc.

Thành công của đại hội đảng bộ các cấp mở ra một chặng đường mới như  một ngày mới bắt đầu với ánh bình minh ló rạng, mang đến khí thế mới, lan tỏa khắp mọi miền. Nhưng công việc của nhiệm kỳ mới rất nhiều, khó khăn cũng không ít, đòi hỏi tập thể cấp ủy và từng thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước từng việc và với chính bản thân mình, việc hôm nay chớ để ngày mai.

Tổ chức chuyên đề:

Vũ Mai Hoàng, Lưu Hương, Khúc Hồng Thiện.