Cần nhìn nhận nghiêm túc hiệu quả doanh thu

Tư duy mùa vụ, khai thác tài nguyên ở dạng thô… là những tồn tại lớn nhất khiến cho hiệu quả kinh doanh của du lịch Việt Nam chưa cao. Nhưng bên cạnh việc khắc phục những tồn tại này, điều quan trọng hơn, theo KTS, TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững Stde, là phải thay đổi tư duy phát triển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu.

Có nhiều lợi thế về tài nguyên nhưng chúng ta mới đang khai thác ở dạng thô. Trong ảnh: Đi đò tham quan khu du lịch Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Có nhiều lợi thế về tài nguyên nhưng chúng ta mới đang khai thác ở dạng thô. Trong ảnh: Đi đò tham quan khu du lịch Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

- Gần đây, trên một tạp chí du lịch công bố rằng, Hà Nội được xếp là điểm đến hấp dẫn thứ hai ở châu Á. Chị có ngạc nhiên về điều này không?

- Tôi không ngạc nhiên vì Việt Nam vẫn là một điểm du lịch đầy tiềm năng trên bản đồ du lịch thế giới với nguồn tài nguyên đa màu sắc chưa được khám phá. Giá dịch vụ lại khá rẻ, khách sạn lưu trú khá tốt. Nhưng chúng ta thiếu nhiều dịch vụ vui chơi giải trí và những sản phẩm lưu niệm có chất lượng.

Cần nhìn nhận nghiêm túc hiệu quả doanh thu ảnh 1


Nếu đi Hàn Quốc, sẽ thấy họ hơn hẳn mình về tư duy làm du lịch. Đảo Jeju có một làng cổ không còn là di tích gốc nhưng họ đã xây lại một số ngôi nhà cổ y như cũ rất đẹp và dùng chính người địa phương làm hướng dẫn viên. Kịch bản cho hướng dẫn viên rất sáng tạo và sinh động. Khách vào từ cổng làng đã bị cuốn hút bởi lối kể chuyện vô cùng hấp dẫn của hướng dẫn viên. Điều khác biệt là họ đầu tư vào kịch bản rất kỹ, và phù hợp tâm lý khách. Sau đó họ bán cao ngựa trắng, mật ong với giá khá cao, có nhãn mác uy tín bảo đảm chất lượng. Công nghệ bán hàng của họ phải nói là tuyệt vời.

- Việc xây dựng một điểm đến bền vững mới là điều quan trọng. Theo chị, làm thế nào để du khách có thể quay lại Hà Nội cũng như Việt Nam nhiều lần?

- Tôi nghĩ rằng, vấn đề khách có quay lại hay không không quan trọng bằng việc khách chi tiêu nhiều hay ít khi đến Việt Nam. Họ chỉ đến một lần thôi nhưng họ chi trả nhiều thứ thì hiệu quả kinh doanh mới cao. Đến nhiều không mua bán, không tiêu tiền thì chỉ lãng phí tài nguyên thôi. Hiện nay Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang đông ngột ngạt. Số lượng khách đông nhưng doanh thu đã đạt được nhu cầu mong muốn chưa? Cần phải có thống kê và nhìn nhận nghiêm túc về bài toán doanh thu. Chúng ta đang kinh doanh thô tài nguyên nên chỉ bán được vé tham quan. Các điểm đến cần phải phát triển thêm nhiều chuỗi dịch vụ gia tăng từ du lịch. Cần tập trung khai thác theo chiều sâu chứ không nên tiếp tục khai thác theo chiều rộng. Phải tiết kiệm tài nguyên, tài nguyên bị phá hoại, ô nhiễm về lâu dài sẽ không thu hút được khách nữa.

- Nghĩa là, theo chị, điều chúng ta cần là thay đổi tư duy trong việc phát triển du lịch và xây dựng điểm đến?

- Đúng thế. Chúng ta có nhiều lợi thế về tài nguyên nhưng chưa khai thác hết, mọi thứ mới chỉ ở dạng khai thác thô, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Cơ sở hạ tầng của chúng ta kém, rồi nạn tắc đường, giao tiếp hành xử của người dân vẫn còn nạn chèo kéo, thiếu văn minh. Việc tiếp xúc với văn hóa bản địa và con người địa phương rất quan trọng. Chúng ta vẫn còn tư duy mùa vụ trong du lịch, sản phẩm du lịch phấn đấu bốn mùa, nếu du lịch một mùa thì vẫn còn nạn chặt chém.

Chúng ta cần thay đổi tư duy trong phát triển du lịch. Chúng ta có nhiều lợi thế, nhiều huyền thoại, truyền thuyết, nhưng chưa biết tận dụng nó. Cần phát triển du lịch dựa trên những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, tuy nhiên, không phải từ góc nhìn của các nhà nghiên cứu mà góc nhìn du lịch. Du khách quan tâm đến những thứ hoàn toàn khác, họ sẽ không băn khoăn huyền thoại này có thật hay không, mà họ chỉ thấy nó hay, hấp dẫn. Cũng như các sản phẩm thủ công của ta cần đa dạng, phong phú về mẫu mã dựa trên việc khai thác các chất liệu truyền thống nhưng phải tiện lợi và bắt mắt…

- STDe đã từng tham vấn xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo cho nhiều địa phương. Với Hà Nội, chị có sáng kiến gì cho việc phát triển sản phẩm du lịch để giữ chân du khách?

- Năm 2014, STDe đã có một công trình nghiên cứu với đề xuất “Tour du lịch tâm linh Huyền thoại Hồ Gươm”, kết nối bốn tuyến du lịch với chủ đề: “Con đường vua Lý”, “Con đường vua Lê”, “Con đường Đông Kinh Nghĩa Thục” và “Con đường Rồng bay”. Các hoạt động du lịch được xây dựng kịch bản theo chủ đề, bao gồm: Các hoạt động lễ hội; sinh hoạt cộng đồng; văn hóa - nghệ thuật, giúp người dân cũng như du khách hiểu sâu các khía cạnh giá trị của truyền thuyết và lịch sử.

Để có thể triển khai hiệu quả các tour, tuyến này, cần phải tạo dựng được một “không gian tâm linh huyền thoại” thật sự, giúp cho du khách có thể trải nghiệm được các giá trị đáng tự hào của lịch sử dân tộc Việt Nam một cách hoàn hảo nhất. Cần phải tiến hành đồng bộ các chương trình và kế hoạch dài hạn: Bảo tồn các yếu tố cấu thành nên giá trị cốt lõi của Hồ Gươm; cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan quanh hồ; giao thông và hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ... Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ như: Thiết kế ánh sáng ban đêm, tượng trang trí, thiết kế đèn đường, thiết kế cây xanh vườn hoa, gạch lát đường, ghế ngồi, biển báo, thùng rác...

Cần phải nhấn mạnh, đó là các vùng lõi giá trị, không thể để biến dạng trong quá trình phát triển Thủ đô. Trong các vùng không gian đó, cần phải xác định những khu vực phải gìn giữ và tôn vinh giá trị của quá khứ với các hoạt động dịch vụ, thương mại được coi là phù hợp, hài hòa với không gian truyền thống.

- Xin cảm ơn chị.