Cần có cơ chế quản lý đô thị tốt

Làm gì để Hà Nội quản lý tốt đô thị, tạo dựng được nếp văn hóa riêng? Đó là nội dung cuộc trao đổi của Nhân Dân cuối tuần với Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Với một cơ chế quản lý đúng đắn, sự giao thoa của các giá trị văn hóa đa dạng sẽ làm phong phú thêm đời sống đô thị. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Với một cơ chế quản lý đúng đắn, sự giao thoa của các giá trị văn hóa đa dạng sẽ làm phong phú thêm đời sống đô thị. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

- Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng nếp sống văn minh đô thị Hà Nội hiện nay có nhiều vấn đề đáng báo động. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Cần có cơ chế quản lý đô thị tốt ảnh 1

Thực ra chúng ta chưa thực hiện được nếp sống văn minh đô thị, chứ không phải là văn hóa đô thị bị “nông thôn hóa”. Đô thị Hà Nội, nếu lấy mốc năm 1954, quy mô chỉ khoảng 20 vạn dân, đến bây giờ đã trở thành siêu đô thị trên bảy triệu dân. Năm 1945, đô thị Hà Nội có diện tích rất nhỏ nhưng bây giờ Hà Nội trở thành một trong mười thủ đô lớn nhất thế giới về diện tích. Trong khi đó nếu nhìn vào tập quán pháp luật được xác lập trên ý thức chấp hành của người dân, bộ máy quản lý pháp luật của chúng ta hiện nay rõ ràng không nghiêm.

- Ông có đồng tình với ý kiến cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là do người nhập cư mang lại?

- Theo tôi nguyên nhân chính vẫn là do sự buông lỏng quản lý. Năng lực và cơ chế quản lý kém đã làm cho người dân sống trong đô thị chưa trở thành những thị dân đúng nghĩa, ảnh hưởng tới văn minh đô thị.

Hà Nội ngày nay trong nó có rất nhiều làng xã, thậm chí có những bản làng, song điều quan trọng là chúng ta thực hiện văn minh đô thị như thế nào? Hệ thống pháp luật của chúng ta không thiếu, nhưng việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo. Và đây đó vẫn còn những cơ quan quản lý không thực hiện nghiêm pháp luật, cụ thể là không thực hiện đúng quy hoạch xây dựng và bị ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ.

Khi đã xác lập một hệ thống pháp luật, điều chỉnh và tạo dựng một ý thức xã hội mà văn hóa đô thị vẫn chưa đạt được thì đó là trách nhiệm trước hết do quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, chứ không phải là ý thức của người dân.

- Vậy, muốn xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn hóa riêng của Hà Nội phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Bên cạnh yếu tố của văn hóa đô thị hiện đại, có nền nếp, luật pháp nghiêm minh, Hà Nội ngày xưa vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp của đời sống nông thôn. Và nó là một phần nào đó của văn hóa truyền thống, khi tình nghĩa xóm giềng, mối liên hệ với gốc rễ của mình, tình nghĩa gia đình thấm đậm. Giữa đô thị có những phường hội nghề gắn kết với nông thôn. Không có sự đứt lìa giữa văn hóa đô thị với văn hóa nông thôn. Văn hóa nông thôn truyền thống bổ sung cho văn hóa đô thị, chứ không đi ngược lại giá trị.

Người dân đô thị chủ yếu là dân tứ chiếng, trong đó có một tỷ trọng không nhỏ là người nông thôn ra lập nghiệp. Họ có thể mang theo những tập quán, thói quen, nhưng điều quan trọng là luật pháp, cơ chế quản lý của đô thị đúng thì người dân dù xuất phát ở đâu cũng đều buộc phải thay đổi nếp sống, và yếu tố văn hóa xuất xứ của các cư dân này sẽ làm phong phú thêm cho đời sống đô thị.

Phải nói thêm rằng, đô thị Hà Nội ngày nay phát triển, nhiều mặt đời sống, chất lượng sống tốt hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, nó vẫn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro như vấn đề ô nhiễm môi trường, quy hoạch bị phá vỡ… Để Hà Nội trở thành một thành phố đáng sống, mang lại nhiều cơ hội cho con người phát triển, đời sống ngày càng cao hơn, tôi cho rằng: Điều quan trọng nhất là chúng ta cần có bộ máy quản lý vận hành kiến tạo để phục vụ người dân, không bị chi phối bởi lợi ích cục bộ hay của tư duy nhiệm kỳ. Một trong những yếu tố giúp cơ chế quản lý này hiệu quả chính là sự giám sát của người dân.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!