Cách thức “đi tắt, đón đầu”

Đi thẳng vào những nhiệm vụ trọng tâm, đề cập các giải pháp cụ thể để Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu”, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đem lại, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã dành cho Nhân Dân cuối tuần cuộc trò chuyện đầu năm đầy hứng khởi.

Cách thức “đi tắt, đón đầu”

- Thưa ông, trên các diễn đàn, chúng ta đang nhắc nhiều đến “cách mạng công nghiệp 4.0” (CMCN 4.0). Ở đó, từ các nhà lãnh đạo, quản lý cho đến các chuyên gia thường đề cập yêu cầu Việt Nam phải “đi tắt, đón đầu” trước những cơ hội do CMCN 4.0 mang lại. Xin ông cho biết rõ hơn những vấn đề đang đặt ra?

- Tôi cho rằng chúng ta phải nỗ lực rất lớn để có thể bắt kịp các xu hướng của cuộc CMCN 4.0. Trong những năm gần đây, nền khoa học và công nghệ (KHCN) của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể so sánh được với các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức,... Các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 đã được nghiên cứu và phát triển từ hơn 20 năm trước tại các nước phát triển, và hiện tại là các bước hoàn thiện, đưa vào ứng dụng thực tế tạo nên một nền tảng công nghệ cho cuộc CMCN 4.0. Như chúng ta đều biết, những công nghệ này bao gồm internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn và nền tảng kiến thức về vật lý, vật liệu, sinh học tạo nên một hệ sinh thái công nghệ.

Trước những cơ hội cũng như thách thức mà CMCN 4.0 đem lại, chúng ta cần phải có những nghiên cứu một cách cẩn trọng, đánh giá hiệu quả và tác động đến từng ngành kinh tế tại Việt Nam, từ đó xác định những thế mạnh, ngành kinh tế, công nghiệp có thể phát triển mạnh trong cuộc CMCN 4.0 và xây dựng một chiến lược quốc gia phù hợp để Việt Nam bắt kịp với xu thế.

Chính phủ rất quan tâm đến xu hướng của cuộc CMCN lần này và đã có những hành động để Việt Nam bắt kịp với xu hướng thế giới. Cụ thể, ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg giao cho các bộ, ngành và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Viện Hàn lâm cũng vừa hoàn thành Báo cáo tư vấn Thủ tướng Chính phủ về xu thế vận động của CMCN 4.0 năm 2017.

- Có thể thấy trước CMCN 4.0, cơ hội thì nhiều song thách thức cũng lắm. Trong khi, hiện tại Việt Nam chưa đạt đến trình độ 3.0, tức là số hóa, cũng có nghĩa ta chưa đạt đến nền tảng để có khả năng kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin... Vậy, việc xác định “đi tắt, đón đầu” ở đây cần tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa ông?

Để có thể sớm hội nhập với xu thế CMCN 4.0, Việt Nam cần phải có một chiến lược cụ thể trong đó bao gồm một số nhiệm vụ tiên quyết/ưu tiên sau: 1- Đào tạo và nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao trực tiếp thực hiện/tham gia cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, cần chủ động, tăng cường và ưu tiên đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ một cách bài bản trong tất cả các lĩnh vực công nghệ thông tin, vật lý, vật liệu và công nghệ sinh học; 2- Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển một số công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo và robot, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật, chuỗi khối, công nghệ vật liệu tiên tiến (vật liệu nano, vật liệu chức năng, vật liệu có tính năng đặc biệt), công nghệ chế tạo và in 3D, công nghệ thần kinh, sinh học tổng hợp, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác bảo mật, bảo hộ sở hữu trí tuệ, an ninh mạng; 3- Tăng cường việc ứng dụng các công nghệ mới vào thay đổi mô hình sản xuất, thí điểm các mô hình trình diễn trong các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam.

- Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho tương lai, chúng ta sẽ không bị rơi vào cảnh thất nghiệp do 4.0 gây ra, mà chúng ta còn có cơ hội việc làm mới tốt hơn do 4.0 mang lại. Nhưng, liệu chúng ta đã chuẩn bị điều này tốt chưa?

- Trong Báo cáo tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về CMCN 4.0, Viện Hàn lâm đã kiến nghị Chính phủ ưu tiên tập trung đào tạo, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện CMCN 4.0. Tình trạng thất nghiệp do thay đổi công nghệ, mô hình sản xuất mới theo xu thế CMCN 4.0 là một nguy cơ hiện hữu. Có thể nói đây là vấn đề quyết định sự thành công khi chúng ta hội nhập. Hiện nay, trên các diễn đàn, chúng ta có thể thấy nhiều ý kiến khác nhau về hiện trạng nguồn nhân lực, về vấn đề đào tạo, về vấn đề thừa thầy thiếu thợ,... Tôi nghĩ đây là vấn đề lớn, cần sự chung tay của toàn xã hội để nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực.

Chúng ta cần phải có những chính sách nhằm định hướng đào tạo phù hợp với mô hình mới, công nghệ mới, tạo sự nhận thức của xã hội về ngành nghề, về việc làm sau khi đào tạo,... tăng cường phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và nơi sử dụng lao động, có sự điều tiết hài hòa của Nhà nước, thì chúng ta sẽ chuẩn bị được nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai và tránh được tình trạng thất nghiệp do 4.0 gây ra.

- Cùng với việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; trong cơ chế cần có sự phối hợp chặt chẽ và chiến lược giữa doanh nghiệp, nhà khoa học (cơ sở đào tạo) và Nhà nước trong chiến lược phát triển và áp dụng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Theo ông, chúng ta cần rút những kinh nghiệm gì, phải khắc phục những nhược điểm nào trong công tác phối hợp này?

- Đây luôn là một điểm mấu chốt trong việc áp dụng công nghệ mới vào thực tế và là một vấn đề khó. Trong 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách, biện pháp để thúc đẩy sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn. Theo tôi những hạn chế này đến từ cả hai phía, doanh nghiệp và nhà khoa học, doanh nghiệp còn chưa mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chú trọng nhiều đến lợi ích, ngại rủi ro; nhà khoa học còn ít quan tâm đến chuyển giao công nghệ mới, tri thức mới, đặc biệt là các nhà khoa học còn lo lắng đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Gần đây, Viện Hàn lâm đã có một số thành công trong việc chuyển giao các tri thức mới, sản phẩm mới cho các doanh nghiệp, các bạn có thể thấy một số sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu của Viện đã được doanh nghiệp đón nhận và phát triển như Cumar Gold, Cumar Kare, Naturel,... tôi cho rằng đây là những tín hiệu tốt ban đầu cho việc hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp.

Một vấn đề khác là chúng ta còn thiếu các doanh nghiệp công nghệ, đây thường là tổ chức trung gian giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp sản xuất, họ tiếp nhận tri thức từ các nhà khoa học, nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất.

Để có thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh CMCN 4.0, chúng ta cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để tăng cường sự phối hợp này như bảo đảm về vấn đề sở hữu trí tuệ, có cơ chế thông thoáng để công nhận doanh nghiệp công nghệ, có ưu đãi khi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu cùng các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu,...

- Trong buổi làm việc chỉ đạo công tác năm 2017 ngày 27-12-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) nhằm mong muốn VAST tiếp tục có cơ chế quản trị tốt thu hút và giữ chân nhân tài, sáng tạo những sản phẩm có tính ứng dụng cao phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; vậy với chức năng và nhiệm vụ của mình, để góp phần quan trọng vào việc chủ động nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0, xin ông cho biết, VAST đang triển khai những nhiệm vụ gì?

- Phát huy truyền thống của Viện, ngay sau khi có sự “đặt hàng” của Thủ tướng Chính phủ, Viện đã huy động các nhà khoa học của Viện nghiên cứu, lựa chọn và xây dựng các chương trình thúc đẩy ứng dụng KHCN, xây dựng các mô hình trình diễn công nghệ 4.0 phù hợp với điều kiện Việt Nam trong các lĩnh vực như phân tích dữ liệu lớn phục vụ liên kết sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, chia sẻ tài nguyên, dự báo thời tiết nhanh phân giải cao, các loại vật liệu tiên tiến, tác động chủ động công nghệ tới các quá trình sinh trưởng của cây trồng,...

Hy vọng rằng với cuộc CMCN 4.0, đất nước chúng ta sẽ vượt qua mức thu nhập trung bình, tiến tới nằm trong những nước có mức thu nhập cao ở khu vực và sánh ngang với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ.

- Trân trọng cảm ơn ông!