Bắt đầu từ chính sách với y, bác sĩ

Trả lời phỏng vấn của Báo Nhân Dân cuối tuần, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, Ðại biểu Quốc hội khóa XIV, đã chỉ ra những bất cập trong việc cấp phép và quản lý hành nghề y dược hiện nay.

Dù ở vị trí công tác nào, viện công hay tư ,vẫn rất cần những y, bác sĩ hết lòng vì người bệnh. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Dù ở vị trí công tác nào, viện công hay tư ,vẫn rất cần những y, bác sĩ hết lòng vì người bệnh. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Bắt đầu từ chính sách với y, bác sĩ ảnh 1

- Các sự cố y khoa xảy ra có yếu tố do không ít y, bác sĩ đã, đang hoạt động hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, cũng như tình trạng hành nghề không phép. Làm sao quản lý được đội ngũ này, thưa ông?

- Quả thật, có tồn tại thực trạng đội ngũ y, bác sĩ hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, làm việc khi chưa có chứng chỉ, làm việc quá mức dẫn đến không bảo đảm sức khỏe để làm tốt việc chữa trị, còn có các vấn đề khác như: kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng; móc ngoặc chuyển bệnh nhân về phòng khám tư; thiếu tôn trọng bệnh nhân; lơ là, sao nhãng công việc được giao; gây khó khăn cho bệnh nhân…

Hiện nay, việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (KCB) dựa trên Thông tư 41/2011 của Bộ Y tế cùng một số quy định liên quan. Cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề là cơ quan quản lý nhà nước mà đại diện ở đây là Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Chính vì vậy, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia, như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Do vậy, chưa thể đánh giá năng lực chuyên môn thật sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động KCB của người hành nghề. Theo tôi, cần mạnh dạn giao việc cấp giấy phép hành nghề cho các hội chuyên ngành có đủ năng lực thông qua các kỳ thi và các chứng chỉ đào tạo liên tục (CME). Có như vậy, mới bảo đảm chất lượng chuyên môn của toàn bộ hệ thống y tế công và tư.

Thêm nữa, chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, hình phạt chưa đủ sức răn đe. Có vi phạm cơ quan chức năng được phép đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của bác sĩ, nhưng có những lỗi đoàn kiểm tra chỉ được lập biên bản, xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động KCB của bác sĩ hoặc phòng khám trong một thời gian nhất định. Quy định hiện hành chỉ cho phép đóng cửa phòng khám khi họ có giấy phép nhưng không hoạt động trong 12 tháng hoặc giấy phép hoạt động cấp không đúng thẩm quyền, là một trong những bất cập tạo lỗ hổng cho các cơ sở vi phạm.

- Theo ông, Việt Nam có cần học tập kinh nghiệm của một số nước trong việc đưa ra quy định bắt buộc các bác sĩ không cùng lúc làm việc ở bệnh viện công và các phòng mạch tư, phải lựa chọn một trong hai, thưa ông?

- Nguồn lực về y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện vẫn còn thiếu, còn hạn chế. Vậy nên, nếu quy định, ngoài làm việc trong các bệnh viện công, bác sĩ không được làm thêm thì vừa thiệt thòi cho xã hội vừa không bảo đảm đời sống cho bác sĩ.

Các bác sĩ khi hành nghề đều phải thực hiện cùng lúc cả Luật Lao động và Luật Hành nghề y dược. Thực tế, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, đi làm thêm để cải thiện đời sống theo đúng luật là quyền lợi chính đáng của những người hành nghề y. Nếu quy định cấm bác sĩ làm việc tại hai hệ thống y tế công và tư, nhưng lương tại bệnh viện công chỉ khoảng 10-12 triệu đồng, trong khi bệnh viện tư có thể trả họ 30-40 triệu đồng thì sẽ có một bộ phận cán bộ y tế thay đổi vị trí công tác. Ðiều này tất yếu gây khó khăn cho nguồn lực của bệnh viện công. Ðó là chưa nói đến việc, sự cho phép các bác sĩ viện công làm cho viện tư sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình được phân công cũng góp phần giúp giảm tải cho các bệnh viện công. Tuy nhiên, việc cho phép các bác sĩ viện công có thể làm thêm ngoài tại các phòng mạch tư, sẽ đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, rõ ràng hơn từ Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ quan liên quan khác.

Cùng với đó, để tận dụng được trí tuệ, chất xám, năng lực còn dôi dư của bác sĩ, nếu có điều kiện, các bệnh viện công cũng nên đầu tư một khu hoạt động dịch vụ, thí dụ như khám chất lượng cao, khám theo yêu cầu… để vừa giải quyết được vấn đề việc làm, vừa tăng thêm thu nhập cho bác sĩ. Nếu thu nhập từ những khu dịch vụ ngay trong các bệnh viện công này cũng tương đương với mức bác sĩ được hưởng khi làm ở phòng khám tư, các bác sĩ cũng sẽ tập trung vào làm việc, không bị lo lắng miếng cơm manh áo và có thể tập trung làm việc, nâng cao hiệu quả và an toàn khám chữa bệnh.

Ðiều tôi rất muốn nhấn mạnh, dù ở vị trí nào, đơn vị nào, công hay tư thì người bác sĩ vẫn phải làm việc với hết nhiệt tâm, công sức của mình, không ngừng trau dồi chuyên môn, y đức để mang lại hiệu quả khám chữa bệnh tốt. Ðó là điều cả xã hội trông đợi và đòi hỏi!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!