Áo blouse nơi tâm dịch

Làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ tại cơ quan để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Ðội ngũ y, bác sĩ từ tuyến trung ương đến địa phương đang ngày đêm căng mình, dồn sức chống dịch ở các “điểm nóng” có bệnh nhân mắc Covid-19.

Bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại Phòng khám Ða khoa khu vực Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Kim Lý
Bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại Phòng khám Ða khoa khu vực Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Kim Lý

Hạnh phúc mỗi khi bệnh nhân rời viện

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) được phân công là nơi “đầu sóng ngọn gió” tiếp nhận bệnh nhân mang mầm bệnh này.

Hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng điều trị tại bệnh viện này mới đây đã được ra viện. Ôm bó hoa được các bác sĩ tặng, không giấu nổi giọt nước mắt, chị Y., nữ bệnh nhân 55 tuổi cho biết, rất vui khi hay tin mình đã khỏi bệnh bởi nhiều ngày nay chị luôn ngóng chờ giây phút được ra viện. Chị Y. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư ngày 9-2, sau khi điều trị một số ngày tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, thuộc Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Chị là hàng xóm của bệnh nhân N.T.D. (người tham gia đoàn công nhân sang Vũ Hán (Trung Quốc) và lây cho sáu người là cha mẹ, em gái, chị họ, hàng xóm và cháu). Ngày đầu đến bệnh viện, chị Y. sốt đến 39,7 độ C, sau đó thì rét run, chị đã rất lo lắng. “Bác sĩ và các điều dưỡng đã chăm sóc chúng tôi rất kỹ càng, tôi rất cảm động”, chị Y. đưa tay lau nước mắt.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã điều trị tổng cộng cho năm bệnh nhân từ khi có dịch đến nay. Những ngày này rất khó để gặp được BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu khi anh liên tục phải theo dõi tình hình bệnh nhân, tham dự các cuộc họp chuyên môn, hoặc đi đến vùng dịch. Nói về quá trình điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi vẫn điều trị các triệu chứng như sốt, đau họng, ho và nâng cao thể trạng. Việc quan trọng nhất trong quá trình điều trị là phải bảo đảm được việc cách ly để tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế, cũng như tránh phát tán mầm bệnh ra bên ngoài. Bệnh viện đã tuân thủ phác đồ điều trị của Bộ Y tế, điều trị cho bệnh nhân đến khi khỏi bệnh hoàn toàn”.

Có mặt trong buổi chia tay bệnh nhân ra viện, một điều dưỡng đang làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư xúc động nói: “Những ngày qua lượng công việc tăng đột biến, giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn, nhưng các y, bác sĩ quanh tôi vẫn cố gắng vượt qua tất thảy để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, vui nhất nhìn thấy bệnh nhân an toàn trở về nhà”. Khi hỏi tới việc tiếp xúc các bệnh nhân hằng ngày có làm các y, bác sĩ nơi đây lo lắng, điều dưỡng viên trải lòng: “Ngay từ khi bước chân vào nghề, tôi và các đồng nghiệp đã xác định sẽ có những điều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm trong công việc mình chọn. Tuy nhiên, dù có khó khăn thế nào, chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua để hoàn thành trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm với người bệnh, và cộng đồng”.

Sẵn sàng là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch

Ðoàn công tác của Bộ Y tế thời gian qua cũng đã đến tỉnh Vĩnh Phúc, cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch Covid-19. Xã Sơn Lôi của huyện Bình Xuyên là tâm dịch, toàn xã có 10.600 người dân thuộc sáu thôn đã được ngành y tế lập danh sách đến từng hộ, đo thân nhiệt và kiểm tra tình trạng sức khỏe mỗi ngày.

Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế “cắm chốt” tại huyện Bình Xuyên, do PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư làm tổ trưởng, bắt đầu làm việc từ ngày 12-2 đến nay, thiết lập văn phòng làm việc tại cơ sở 2 của Trung tâm y tế huyện. Tổ công tác chia các nhóm dự phòng, môi trường, điều trị, theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đến cán bộ y tế các cấp. “Hằng ngày, chúng tôi tỏa đi các địa bàn nắm tình hình. Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp chuyên môn khẩn thiết. Quán triệt từ cán bộ tỉnh, huyện, xã, thôn phải nắm vững chuyên môn kỹ thuật, để sao cho việc triển khai kiểm soát phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả nhất”, ông Dương nói.

Hơn 150 cán bộ y tế cũng đã được Sở Y tế Vĩnh Phúc tăng cường cho các xã trọng điểm huyện Bình Xuyên. Tại mỗi điểm chốt chặn hiện nay có tám y, bác sĩ trực 24/24 giờ, phối hợp với lực lượng công an, quân sự, cán bộ địa phương làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, theo dõi sát sao tình hình sức khỏe người dân, kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã tới các cấp chính quyền để kịp thời xử trí. Một bác sĩ đang có mặt tại thôn Ái Văn (xã Sơn Lôi) cho biết: “Ở đây mọi người có lo lắng, song cuộc sống đang dần bình thường trở lại, nhờ được các tổ công tác gặp gỡ các hộ dân hướng dẫn cách phòng, chống dịch”.

Tin vui mới nhất, hai bệnh nhân là hai trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại cơ sở y tế tuyến huyện được điều trị khỏi bệnh. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nhìn nhận, có được kết quả này là nhờ sự tận tâm của các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, cộng với sự hỗ trợ của các đội chống dịch lưu động của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và các chuyên gia.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày Thầy thuốc Việt Nam (ngày 27-2), với những “chiến sĩ áo blouse”, chắc hẳn họ không trông đợi sự tôn vinh, chúc mừng. Niềm mong mỏi cháy bỏng lúc này chỉ là làm sao để bệnh dịch chóng qua, làm sao để cuộc sống sớm trở lại quỹ đạo bình thường, người dân được chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Những nỗ lực lặng thầm, bền bỉ của đội ngũ y, bác sĩ cho người dân niềm tin, không chỉ Khánh Hòa, Thanh Hóa sẽ công bố hết dịch trong nay mai mà tình hình sẽ được kiểm soát từ tâm điểm nóng đến các vùng, miền trên cả nước. Nỗ lực của Việt Nam đóng góp không nhỏ cho cuộc chiến chống Covid -19 trên phạm vi toàn cầu.