Những bất cập trong quản lý lao động giúp việc gia đình

NDO - Lao động là người giúp việc gia đình đã được Bộ luật Lao động 1994 đề cập, thừa nhận nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và thiếu chế tài đi kèm. Với 5 điều trong Bộ luật Lao động sửa đổi (BLLÐSÐ) 2012, có thể coi là căn cứ pháp lý quan trọng bảo vệ quyền lợi những người làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để người giúp việc gia đình thật sự bình đẳng như những lao động khác vẫn còn nhiều thách thức.

Nhiễu loạn cung, cầu và chất lượng

Những năm qua, lao động giúp việc gia đình (LÐGVGÐ) có nhiều đóng góp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Giúp việc gia đình (GVGÐ) mang lại cho người lao động (NLÐ) nguồn thu tương đối ổn định. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng, mức thu nhập năm 2012 của LÐGVGÐ tại Hà Nội khoảng 2,8 triệu đồng/tháng (không mất chi phí nhà ở và sinh hoạt), cao hơn thu nhập bình quân người dân sống ở ngoại thành Hà Nội. GVGÐ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống một số gia đình, nhất là giải phóng phụ nữ làm việc ngoài xã hội với cường độ cao khỏi gánh nặng công việc nội trợ, có nhiều thời gian hơn dành cho sự nghiệp, học hành, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí..., giải quyết tình trạng phụ nữ nông thôn thiếu việc làm và hỗ trợ kinh tế gia đình họ bớt khó khăn.

Cùng với tương tác cung - cầu trong thị trường lao động, loại hình, loại công việc GVGÐ cũng thay đổi và đa dạng hơn trước rất nhiều. Số người giúp việc (NGV) để nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm luôn chiếm tỷ lệ cao và đây chính là cơ sở để các trung tâm nắm bắt, cung cấp dịch vụ. Lực lượng này chủ yếu là phụ nữ (98,7%), xuất thân từ nông thôn, gia cảnh khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, một số lớn tuổi không chồng, góa, ly hôn... Riêng nam giới có trình độ học vấn cao hơn, chủ yếu giúp việc kinh doanh. Thông thường, GVGÐ ở cùng gia chủ, nhưng gần đây giúp việc theo giờ được cả hai bên ưa chuộng. Nhiều NGV ưa cách này vì cơ hội được làm nhiều nghề, nhiều việc cùng lúc, thu nhập cao hơn, không phải thích ứng cuộc sống gia chủ và dễ nghỉ khi có việc đột xuất.

Trong bối cảnh điều kiện kinh tế khá giả gia tăng, lại thiếu nhân lực chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, nhu cầu thuê NGV càng nhiều và số lượng cũng tăng nhanh. Do phần lớn NGV không được trang bị kiến thức hiểu biết tối thiểu về lối sống, cách ứng xử văn hóa, kỹ năng nội trợ, chăm sóc..., nên họ rất cần được đào tạo để đáp ứng tốt nhu cầu của công việc. Thực tế cho thấy, nhiều gia chủ sẵn sàng trả lương cao hơn cho NGV đã qua học nghề. Tuy nhiên, hiện cung còn quá ít so với nhu cầu xã hội. Những năm gần đây, LÐGVGÐ đi xuất khẩu lao động được đào tạo bài bản và có quản lý, nhưng ở trong nước thì chưa được quan tâm. Vả lại, nhiều NGV vẫn chưa coi đây là nghề thật sự nên thiếu gắn bó, ít chú trọng nâng cao tay nghề, ý thức lao động kém, gây khó chịu, bất mãn cho gia chủ, ảnh hưởng tới chất lượng thị trường.

Ðiều đáng ngại là thị trường LÐGVGÐ hiện đang phát triển tự phát. Cầu tăng nhưng cung chưa tương xứng. Các trung tâm môi giới phần lớn do tư nhân thành lập, đáp ứng nhanh nhu cầu thuê NGV nhưng đặt lợi nhuận làm đầu và không có trách nhiệm về chất lượng dịch vụ cung ứng (nguồn lao động thường không có nhân thân rõ ràng, thiếu kỹ năng). Do chưa có cơ quan quản lý, giám sát, các trung tâm tha hồ làm ăn chộp giật, nên chịu thiệt vẫn là gia chủ và NGV. Khắc phục hạn chế này, phương án phát triển mô hình các trung tâm cho thuê NGV theo hướng trung tâm ký hợp đồng với gia chủ, cử NGV là nhân viên đến thực hiện, tiền lương NGV do trung tâm trả cũng  đang được tính đến.

Nhiều rủi ro từ "khoảng trống" quản lý

Do môi trường làm việc khép kín, ít giao du với bên ngoài, đôi khi lại bị chủ nhà định kiến, thiếu tôn trọng, NGV dễ phải đối mặt các nguy cơ như bị mắng chửi, đánh đập, đe dọa, bị lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục... Mặc dù BLLÐSÐ quy định phải có hợp đồng lao động văn bản, song trên thực tế, cả NGV và gia chủ đều chưa thấy được lợi ích này và không muốn bị ràng buộc pháp lý, cho nên việc ký hợp đồng không dễ (hơn 90% hợp đồng bằng miệng). Ðây cũng là nguyên do khiến NGV dễ bị lạm dụng, khi xảy ra tranh chấp không có căn cứ để bảo vệ. Mặt khác, do thiếu thỏa thuận pháp lý, do đặc thù công việc "không tên" và diễn ra bất cứ thời điểm nào trong ngày, nên thời gian NGV làm việc kéo dài triền miên, vì không có thang chung để đo lường giá trị hiệu quả lao động mà phụ thuộc quan niệm từng gia chủ.

Khoảng 1/3 NGV mâu thuẫn với chủ nhà, chủ yếu về công việc phải làm, cách thức ứng xử, chế độ tăng lương và tiền lương. Rất ít chủ chi trả Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Thiếu thông tin về nghề và quyền lợi liên quan, không được trang bị tâm lý thích nghi và chưa lường hết phức tạp trong công việc, khi xảy ra tranh chấp, bất đồng với gia chủ, NGV thương lượng, im lặng nín nhịn hoặc nghỉ việc, ít khi sử dụng quyền được bảo vệ của mình. BLLÐSÐ chưa đề cập các vấn đề như nghỉ phép năm, đăng ký sử dụng NGV, các quy định liên quan đến nghỉ thai sản của NGV...; chưa có tổ chức, hiệp hội đại diện NGVGÐ; trợ giúp của công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên với tư cách tổ chức đoàn thể bảo vệ lợi ích cho họ còn hạn chế, do đó việc trước mắt cung cấp cho NGV đường dây nóng, các địa chỉ tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi cần nhanh chóng triển khai.

Làm gì để quy định về NGVGÐ trong BLLÐSÐ được thực thi hiệu quả? Ðến bao giờ GVGÐ có tên trong danh mục nghề quốc gia? Vẫn biết, việc làm của LÐGVGÐ khó đạt được ngay tiêu chuẩn việc làm bền vững, nhưng cùng với việc can thiệp tháo gỡ kịp thời, cần có các giải pháp đồng bộ lâu dài. Ðó là: đổi mới tư duy, coi GVGÐ thật sự là một nghề, xây dựng chuẩn đào tạo, hướng tới bắt buộc NGVGÐ phải có chứng chỉ học nghề; tăng cường vai trò quản lý nhà nước bằng pháp luật với nghề này, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức xã hội, các cấp chính quyền và tổ chức dịch vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức, thực hiện chính sách pháp luật, kiểm tra giám sát thực hiện. Ðược bảo vệ quyền lợi tốt hơn, LÐGVGÐ có cơ hội, điều kiện cống hiến tốt hơn trong sự phát triển chung của xã hội hiện đại.

* Những năm qua, việc thống kê LÐGVGÐ đã được tiến hành, song không thường xuyên, thường chỉ được thực hiện khi có sự vụ xảy ra. Công tác điều tra, nắm hoàn cảnh, nhân cách NGV cũng còn nhiều hạn chế. Ngoài ngành công an quản lý đăng ký tạm trú (chỉ 40% đăng ký), chưa có tổ chức nào quản lý LÐGVGÐ. Hiện vẫn chưa có quy định buộc các trung tâm phải quản lý và chịu trách nhiệm về NGV đã môi giới.

* Theo nghiên cứu của ILO, năm 2011 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, NGV phải đối mặt với nhiều rủi ro: 20,2% bị mắng chửi; 2,4% bị đánh đập/tát, đẩy ngã; 0,8% bị đe dọa/ đập phá đồ dùng cá nhân; 7,8% bị giữ giấy tờ tùy thân; 4% bị cấm tiếp xúc; 1,8% bị giữ lương; 2% không được cho về thăm nhà; 16% gặp nguy cơ bị lạm dụng tình dục...