Góc nhìn

Đón “làn sóng” đầu tư từ Nhật Bản

Kết quả khảo sát thực trạng hoạt động của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội công bố cho thấy tín hiệu lạc quan: 63,9% số DN Nhật Bản tại Việt Nam có định hướng mở rộng kinh doanh những năm tới. Trong trường hợp chuyển địa điểm sản xuất, kinh doanh, lựa chọn số 1 của DN Nhật Bản cho điểm đến mới là Việt Nam (chiếm tỷ lệ 42,3% DN).

Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư của các DN Nhật Bản và các DN này tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng cũng như khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Suốt chặng đường 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của nước ta, dòng vốn từ Nhật Bản luôn chiếm vị trí quan trọng và ngày càng đa dạng hóa, đi vào những lĩnh vực Việt Nam quan tâm thu hút. Các DN Nhật Bản được đánh giá hoạt động hiệu quả, nghiêm túc, chấp hành tốt các quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm cho nền kinh tế. Tác phong lao động và kỹ năng làm việc của DN Nhật Bản luôn được đánh giá cao; các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả, công nghệ tốt,... Đây được coi là dòng vốn chất lượng cao và trở thành hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa DN Việt Nam và DN có vốn ĐTNN. Đặc biệt, Nhật Bản liên tục giữ tốc độ đầu tư cao, ổn định và nhiều năm nay luôn là một trong hai quốc gia dẫn đầu về thu hút ĐTNN tại Việt Nam.

Thế nhưng năm 2019, vốn đầu tư từ Nhật Bản lại giảm xuống vị trí thứ 4 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, là vị trí thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đáng lưu ý, sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng đầu tư vào các nước châu Á. Còn ở quy mô toàn cầu, Nhật Bản cũng thay thế Mỹ trở thành quốc gia có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới vì liên tục trong tám năm gần đây đều duy trì được quy mô đầu tư hơn 100 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo: Việt Nam mặc dù là thị trường đầu tư tiềm năng nhưng trong xu hướng nhiều nhà máy đã và đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, chúng ta vẫn chưa nằm trong sự lựa chọn của các DN lớn do vẫn nằm ở tầm trung trong chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới. Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn mới có thể thu hút được vốn đầu tư Nhật Bản như kỳ vọng. Nhiều năm nay, kiến nghị của DN Nhật Bản đều tập trung vào vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Cụ thể, các nhà đầu tư cho rằng rủi ro lớn nhất mà họ phải đối mặt là có thể bị đơn phương rút ưu đãi khi thay đổi chính sách; thủ tục hành chính phức tạp, thực hiện không thống nhất giữa các cơ quan; khả năng bị hạn chế cung cấp điện; chậm trễ trong đầu tư và thanh toán các dự án cơ sở hạ tầng. 56% số DN cho biết vẫn gặp khó khăn trong việc thu mua linh kiện, phụ kiện, vật liệu từ thị trường Việt Nam mặc dù muốn mở rộng thu mua từ thị trường trong nước và tỷ lệ này không thay đổi so với các năm trước,…

Để tận dụng, hấp thụ hết “làn sóng” đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam và thu hút vốn ĐTNN thế hệ mới, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được các DN kiến nghị. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các giải pháp đồng bộ như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao trình độ lao động, phát triển công nghiệp hỗ trợ.