LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU

Trung Quốc, Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ

Cuối năm 1953, nhằm tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cục diện cuộc kháng chiến chống Pháp, T.Ư Ðảng đã quyết định tiến hành trận quyết chiến chiến lược Ðiện Biên Phủ. Tiến hành chiến dịch - một chiến dịch "có tính chất quyết định ngang với trận La Mác-nơ đầu tiên, trận Xta-lin-grát và trận Mít-uây", T.Ư Ðảng chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nắm bắt mọi yếu tố thuận lợi, tập trung cao độ sức mạnh tổng hợp, tranh thủ mọi sự chi viện và ủng hộ, đặc biệt là từ Trung Quốc, Liên Xô

Hỏa tiễn 6 nòng 122 ly do Liên Xô sản xuất, được Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hỏa tiễn 6 nòng 122 ly do Liên Xô sản xuất, được Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bước vào chiến dịch, Việt Nam đề nghị Trung Quốc giúp đỡ và Trung Quốc lập tức đáp ứng trên tinh thần "toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp nhanh nhất". Trước yêu cầu cấp bách, Trung Quốc đã viện trợ 1.700 tấn gạo, bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch, chi viện 3.600 viên đạn pháo 105 mm (đó là cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953), chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng, sau chuyển thêm cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn 105 mm, mặc dù đạn pháo 105 mm của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên (tuy nhiên, vì điều kiện vận chuyển khó khăn, đến tháng 5-1954, 7.400 viên đạn này mới tới nơi khi trận đánh đã kết thúc). Trung đoàn lựu pháo 105 mm là đơn vị hỏa lực mạnh nhất của Việt Nam, do Trung Quốc giúp đỡ đã rót đạn xuống đầu đối phương khiến địch hoảng hốt, mất tinh thần.

Chuẩn bị cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tích cực tham gia cùng các tướng lĩnh Việt Nam trong các khâu khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị chiến trường. Về phương án tác chiến, sau khi cân nhắc thuận lợi và khó khăn về cách đánh, cũng như về khả năng bảo đảm hậu cần, ngày 9-12-1953, các cố vấn Trung Quốc đề nghị chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" trong hai phương án được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kế hoạch tác chiến "đánh chắc, tiến chắc" của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp; đồng thời, phân tích và quan sát tình hình thực tế, ngày 26-1-1954, đoàn cố vấn Trung Quốc đã hoàn toàn ủng hộ phương án của Ðại tướng.

Về phía Liên Xô, từ năm 1950, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô đã viện trợ Việt Nam một số mặt hàng có ý nghĩa chiến lược về quân sự, kinh tế. Trong đó, viện trợ không hoàn lại và thường giúp thêm ngoài mức Việt Nam đề nghị. Từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, trong số 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp, Việt Nam đã nhận được từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, thì toàn bộ pháo cao xạ 37 ly-76 khẩu, toàn bộ 14 dàn hỏa tiễn H6, toàn bộ số tiểu liên K50, phần lớn số ô-tô vận tải 685 chiếc trên tổng số 745 chiếc là của Liên Xô. Ðặc biệt, trong đợt ba của chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định bổ sung 12 dàn hỏa tiễn H6 (trong tổng số 14 dàn) do Liên Xô viện trợ tham gia chiến đấu, trực tiếp tác chiến tại khu vực bắc Him Lam. Hỏa tiễn H6 đã phát huy uy lực, khiến đối phương vô cùng sợ hãi, hoảng loạn, góp phần nhanh chóng làm cho quân đội Pháp suy sụp tinh thần, tê liệt ý chí chiến đấu.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm (từ 13-3 đến 7-5-1954), quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định, có lợi cho việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trong chiến thắng chung cuộc của sự kiện lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", có dấu ấn và những đóng góp đáng ghi nhận của các nước đồng minh Trung Quốc, Liên Xô. Một quân đội giàu lòng yêu nước và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã làm nên "thiên sử vàng", như Tướng Pôn Êly, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp từng phải thốt lên: "Một lần nữa, kỹ thuật lại bị thua bởi những con người có tâm hồn và một lòng tin". Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của trí tuệ Việt Nam, của việc nhạy bén, cương quyết chuyển từ cách "đánh nhanh, thắng nhanh, với chiến thuật đầu nhọn, đuôi dài nở hoa trong lòng địch" sang cách đánh Việt Nam "đánh chắc, tiến chắc; dùng chiến thuật bao vây đánh lấn theo kiểu bóc vỏ, xẻ múi, nghiền hạt".

Chín năm gian khó kháng chiến chống Pháp, toàn thể nhân dân Việt Nam đã đồng cam, cộng khổ, phấn đấu không mệt mỏi cho mục tiêu độc lập, tự do. Hy vọng về một ngày toàn thắng và một tương lai tươi sáng đã nâng bước chân dân tộc tiến về phía trước. Trong chặng đường đầy chông gai, thử thách, trên nền tảng chính nghĩa của cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam không đơn độc. Kề vai, sát cánh cùng Việt Nam luôn có các lực lượng dân chủ thế giới. Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình và to lớn từ các nước trong "đại gia đình dân chủ", trong đó có Trung Quốc, Liên Xô.


Ðại tá, PGS, TS HỒ KHANG
Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam