Tây Nguyên, nơi mạch nguồn chảy mãi

Chư Yăng Sin, Bidoúp và Ngok Linh - ba ngọn núi sừng sững như ba nóc nhà choãi chân từ ba góc Tây Nguyên tạo nên một thế đứng vững chãi, biểu tượng của tinh thần đoàn kết và bất khuất. Những con sông bắt nguồn từ núi, len lỏi qua những cánh rừng, những buôn làng như những dải hoa văn đa sắc, chở trên mình những trầm tích, những giá trị lịch sử, văn hóa ngàn đời. Tây Nguyên, nơi ấy mạch nguồn chảy mãi, dòng chảy của sự kiên trung, nghĩa tình, một lòng sắt son với Ðảng…

Người dân Tây Nguyên vui ngày hội.
Người dân Tây Nguyên vui ngày hội.

Thuở xa xưa, sống giữa vùng đất Tây Nguyên với kho tàng tiềm năng giàu có, nhưng đồng bào các dân tộc anh em đắm chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Khi kẻ thù xâm lược đất nước ta, đồng bào Tây Nguyên cũng cùng chung thân phận nô lệ. Máu và nước mắt của những người anh em trên miền cao nguyên đã đổ xuống đất đai cho những đồn điền cao-su, cà-phê, hồ tiêu tươi tốt, những hầm mỏ khoáng sản quý giá mang lại sự giàu có cho thực dân, đế quốc. Biết bao người đã nát thịt, tan xương dưới vực sâu, trong rừng thẳm bởi những cuộc bắt phu, bắt xâu xây dựng những tuyến đường ngang dọc Tây Nguyên nhằm phục vụ mục đích khai thác, vơ vét tài nguyên của quân xâm lược.

Từ trong máu lửa, những hậu duệ của dũng sĩ Ðam San huyền thoại không hoàn toàn cúi đầu cam chịu thân phận tôi đòi, nhiều phong trào yêu nước do các thủ lĩnh Tây Nguyên khởi xướng đã nổ ra khắp nơi. Ðồng bào còn mãi nhắc về những vị anh hùng và những phong trào chống thực dân Pháp từng làm cho bọn thực dân nhiều phen thất điên bát đảo như các cuộc nổi dậy của tù trưởng Ama Jhao, N’Trang Gưh, thầy giáo Y Jút (Ê Ðê); vua lửa Ôi Ất (Gia Rai), phong trào Săm Brăm (Chăm), phong trào Mọ Cọ (Cơ Ho). Ðặc biệt, cuộc kháng chiến kéo dài nhiều năm, trên một địa bàn rộng lớn suốt từ cao nguyên Lang Biang đến tả ngạn sông Mê Công do người anh hùng N’Trang Lơng (Mơ Nông) lãnh đạo đã trở thành một trận phun trào nham thạch của ngọn núi lửa yêu nước trên miền Tây Nguyên. Nhưng tất cả các phong trào tự phát đều rơi vào thất bại, chỉ đến khi có ánh sáng của Bác Hồ, của Ðảng do các chiến sĩ cộng sản mang về, Tây Nguyên mới bừng lên một tinh thần cách mạng mới. Tây Nguyên cùng đất nước đứng lên, kề vai sát cánh với cả dân tộc chiến đấu chống lại kẻ thù. Những con cháu của N’Trang Lơng, của Ama Jhao, của N’Trang Gưh nghe theo lời Ðảng, lời Bác đánh giặc Pháp, đuổi giặc Mỹ và trở thành những anh hùng trong thời đại mới, như: Ðinh Núp, A Sanh, Bi Năng Tắc, K’Ðen… Những buôn làng ngày xưa "tối tăm" không tìm ra "đường sáng" đã trở thành những vùng chiến khu kiên trung một lòng theo cách mạng như Ðắk Ui (Kon Tum), Nâm Nung (Ðắk Nông), Chư Djũ (Ðắk Lắk), Ðồng Mang - Ðạ Tro, Lộc Bắc, Ðồng Nai Thượng (Lâm Ðồng)…

Bao năm qua, bước chân chúng tôi đã trải nhiều cánh rừng, ngọn núi, về với nhiều buôn làng trong hành trình của người làm báo Ðảng. Càng trải nghiệm và đắm mình trong đời sống muôn màu Tây Nguyên, càng cảm nhận sâu sắc về sự đổi thay kỳ diệu nơi vùng đất tươi đẹp được mệnh danh là bình nguyên trên cao. Hành trình ấy còn là những cơ hội thấu hiểu về mạch nguồn thiêng liêng. Mạch nguồn có lúc dịu êm như những dòng sông, con suối len lỏi bình yên qua rừng, qua làng; cũng có lúc trào phun như nham thạch trên những ngọn núi lửa đốt cháy thành mầu đất ba-zan. Ðó chính là nguồn mạch của lịch sử, văn hóa, của khí phách hào hùng và dòng chảy truyền thống đấu tranh không ngưng nghỉ. Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, mỗi dân tộc anh em, mỗi buôn làng trên đại ngàn Tây Nguyên đều hiện hữu sinh động lòng biết ơn Bác Hồ, thấm đẫm nghĩa tình với Ðảng. Tình cảm sắt son và thủy chung ấy được xây dựng, vun đắp bền bỉ qua biết bao năm tháng, từ trong máu lửa đấu tranh đến ngày kiến thiết, dựng xây trong thời hòa bình. Ngay từ thời nếm mật nằm gai cùng người dân đánh giặc, các chiến sĩ cách mạng đã nghĩ đến một ngày trở lại buôn làng, góp sức đổi thay cuộc sống đồng bào, những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Bà Ka Nhir (buôn Bơ Nơm, xã Sơn Ðiền, Di Linh) kể: "Ngày xưa, người Cơ Ho chúng tôi khổ lắm, tăm tối lắm. Các cán bộ Ma Hương, Tám Cảnh và bộ đội về lập căn cứ, dạy dân đánh giặc và hứa, sau này thống nhất đất nước sẽ giúp dân xây dựng đường sá, trường học, cho thầy thuốc về chữa bệnh. Ðúng như lời hứa năm xưa, giờ đây tất cả những điều ấy đã có ở làng buôn". Già làng Ha Ðời người Cơ Ho ở xã Ðạ Sar (Lạc Dương, Lâm Ðồng) cũng nói: "Ngày xưa, thời còn giặc Pháp, giặc Mỹ thì bom cày, đạn xới, đồng bào bỏ buôn làng trốn vào rừng sâu. Người dân nghèo khổ, bệnh tật, dốt nát lắm, không biết tìm cái lối mà đi. Có Ðảng, có Bác Hồ chỉ cho dân đánh giặc, từ ngày hòa bình lại chăm lo đầu tư, dẫn dắt đồng bào mình làm ăn, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, giàu có…".

Nước nhà thống nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được làm công dân của một nước độc lập; được phát triển bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc anh em. Ðảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên. Ðặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Quyết định số 168 của Thủ tướng Chính phủ về "phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên" và các chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào thì nguồn lực tập trung đầu tư vào địa bàn chiến lược này ngày càng cao. Trên vùng đất năm tỉnh phía tây Tổ quốc (Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Ðồng, Ðắk Nông), diện tích tự nhiên hơn 55 km2, kho tàng tài nguyên thiên nhiên giàu có, ngôi nhà chung của hơn năm triệu người của 47 dân tộc anh em, khắp các buôn làng, phố thị cuộc sống ngày càng khởi sắc. Những công trình hạ tầng, phúc lợi ngày càng được xây dựng nhiều hơn. Ðồng bào thực hiện định canh, định cư ổn định cuộc sống, vươn lên lập vườn, lập trang trại, kinh doanh làm giàu. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với gần 600 nghìn ha cà-phê, sản lượng bình quân đạt 1,3 triệu tấn hằng năm; 72 nghìn ha hồ tiêu, sản lượng mỗi năm đạt từ 121 nghìn tấn; cao-su, điều, rau, hoa cũng phát triển mạnh. GDP bình quân đầu người xấp xỉ 40 triệu đồng. Ðã có nhiều tỷ phú người dân tộc Cơ Ho, Ê Ðê, Mạ, Ba Na, Chu Ru, Mơ Nông… Bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy và những ưu đãi về giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội khác đã giúp cho làng buôn mang hình ảnh mới, tươi sáng. Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đã mang lại những thay đổi to lớn về một Tây Nguyên ngày càng thêm văn minh, hiện đại… Hình ảnh của Ðảng giữa buôn làng là sự hiện hữu của những chương trình, của từng ý nghĩ, lời nói, việc làm mang lại hiệu quả sống động cho mỗi vùng quê và mỗi người dân. Ðảng cùng dân xây dựng hạ tầng, bảo vệ vốn rừng, đầu tư làm thủy lợi, thủy điện, hỗ trợ dân trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi. Ðảng cùng dân chống lại những luận điệu sai trái của kẻ xấu, tập trung xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Ðảng đưa con em đồng bào đến trường, giúp dân nghèo dựng cái nhà để ở, bày cách phòng tránh bệnh tật và khám, chữa bệnh cho dân. Ðảng góp sức cùng dân bảo tồn và phát huy hệ thống các giá trị văn hóa cổ truyền…

Đi giữa Tây Nguyên giàu đẹp hôm nay, nhớ lại lời bài hát "Ðảng Lam Gùng" (Ðảng lãnh đạo) - một bài hát từ thời chiến tranh, mà ông K’Mùng, một cựu du kích người Cơ Ho, từng hát cho nghe, theo lời ca giản dị mà liên tưởng về không gian quá khứ qua biểu cảm của người con núi rừng, như càng hiểu thêm về mạch nguồn cách mạng Tây Nguyên. Xuyên suốt nguồn mạch ấy là tình cảm nồng ấm, thủy chung của đồng bào các dân tộc anh em trên miền đại ngàn hùng vĩ phía tây Tổ quốc dành cho Ðảng, cho Bác Hồ kính yêu.