Ra khơi, gió lộng

Đẹp thay bức tranh toàn cảnh của đổi mới đất nước mấy chục năm qua!

 Tranh | Lê Trí Dũng
 Tranh | Lê Trí Dũng

Mừng thay, trong bức tranh chung ấy, mảng tranh hội nhập quốc tế ngày càng thêm sáng sủa!

Theo dòng thời gian, xin hãy cùng nhau nhìn lại.

Vào buổi đầu đổi mới, dẫu rất coi trọng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Đại hội VI của Đảng (1986) chỉ chủ trương ở mức tham gia phân công lao động quốc tế, trước hết và chủ yếu là mở rộng quan hệ phân công và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước khác trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đại hội VII (1991) có điều chỉnh một chút: Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

Tiến lên một bước, Đại hội VIII (1996), tiếp đó là Đại hội IX (2001) và X (2006) đều xác định chủ trương của Đảng ta là chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Rồi ở mức cao hơn, Đại hội XI (2011) từ hội nhập kinh tế quốc tế đã chuyển thành hội nhập quốc tế nói chung, có nghĩa, hội nhập không chỉ về kinh tế mà còn về các lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đại hội XII (2016) coi chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là một “định hướng chiến lược” và là “sự nghiệp của toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị”.

Cũng theo dòng thời gian, ta thấy lóe sáng nhiều cột mốc. Con thuyền hội nhập của Việt Nam từng bước vươn ra biển lớn.

Tháng 11-1998, từ một quốc gia nhiều năm bị cấm vận ngặt nghèo, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của APEC.

APEC là Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ra đời tháng 11-1989, nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại trong khu vực. Năm 1998, từ 12 nước thành viên sáng lập, APEC đã kết nạp thêm chín thành viên mới, trong đó có Việt Nam, Nga và Pê-ru, nâng tổng số thành viên lên 21.

Việt Nam tham gia APEC không chỉ vì lợi ích phát triển của nước mình mà còn vì lợi ích của hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Chỉ hơn bảy năm sau khi gia nhập APEC, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước thành viên APEC đã có sự tăng trưởng đáng kể. Việt Nam không chỉ tham gia mà còn đóng vai trò kiến tạo, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch và đăng cai Hội nghị APEC 2006.

Tháng 11-2006, với vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã chủ trì và đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị APEC.

Cũng tháng 11-2006, Việt Nam chính thức gia nhập WTO và trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này. Việt Nam cũng được Mỹ trao quy chế PNTR - quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn.

WTO là Tổ chức Thương mại thế giới, chính thức thành lập từ tháng 1-1995. Để được kết nạp vào WTO, Việt Nam phải mất 11 năm đàm phán. Trung Quốc mất 14 năm. Còn Nga, một nền kinh tế lớn, đã qua 13 năm đàm phán vẫn còn chưa xong.

Việc Việt Nam gia nhập WTO và chủ trì thành công APEC 2006 đã được dư luận thế giới ngợi ca. Rằng Việt Nam là một nền kinh tế phát triển năng động, một con hổ mới, một ngôi sao đang lên ở châu Á. Việt Nam là điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và nhà du lịch. Có người còn ví von: Gia nhập WTO, Việt Nam như con thuyền rời bến bờ hạn hẹp, dũng mãnh ra khơi xa, đánh bắt những con cá lớn.

Tháng 11-2017, lần thứ hai, Việt Nam chủ trì tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân túy gia tăng, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, sự kiên trì và tinh thần sáng tạo, trách nhiệm để bảo đảm cho Hội nghị APEC thành công tốt đẹp. Tuần lễ Cấp cao đã thông qua tám văn kiện quan trọng, nổi lên hàng đầu là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao do Việt Nam chủ trì soạn thảo đã được các thành viên đánh giá cao. Theo sáng kiến và đề xuất của Việt Nam, lần đầu tiên, APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội và khởi nghiệp sáng tạo.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là một trong số ít Tuần lễ Cấp cao trong 10 năm qua có sự tham dự của tất cả 21 nhà lãnh đạo APEC. Trong dịp này, Việt Nam đã đón bốn chuyến thăm cấp nhà nước và thăm chính thức, thu xếp 46 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao ta với các đối tác, ký kết 121 thỏa thuận, bản ghi nhớ, hợp đồng với tổng trị giá 20 tỷ USD.

Cũng từ những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam tại APEC 2017, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết và sau đó với sự phê chuẩn của bảy nước thành viên, đã có hiệu lực vào cuối năm 2018.

Quy mô hội nhập và độ mở nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nước (chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại thế giới), thông qua 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU). Năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 238 tỷ, tăng 11,2% so với năm 2017. Vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 188 nước, với mạng lưới 27 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có đầy đủ cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng từng được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng này.

Việt Nam còn thể hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm” tại ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Hội đồng nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC), Tổ chức Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), các cơ chế tiểu vùng Mê Công,...

Con thuyền hội nhập Việt Nam đang lướt sóng ra khơi. Không phải lúc nào cũng trời yên biển lặng. Trước mắt, vẫn còn nhiều tố lốc và bão giông, nhiều cơn gió chướng. Nhưng bằng tài trí và nghệ thuật lái chèo, bằng sự khéo léo kết hợp giữa tăng cường nội lực với tranh thủ ngoại lực, tin rằng con thuyền lớn của chúng ta vẫn giữ được thế buồm căng, gió lộng.