“Vinh quang thay đất Mường Phăng”

Ra đời sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, câu thơ “Vinh quang thay đất Mường Phăng / Có đồi Đại tướng, có hầm chỉ huy” trở thành ca dao, đi vào đời sống văn hóa của nhân dân Mường Phăng một cách tự nhiên. Ngày nay, nói đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, lẽ thường mọi người ai cũng nhớ đến địa danh Mường Phăng. Nơi đây, 65 năm trước, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, quân đội Việt Nam non trẻ đã làm nên chiến thắng khẳng định là một mốc son được ghi vào lịch sử của dân tộc.

Giờ hoạt động ngoài trời của học sinh Trường tiểu học Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên.
Giờ hoạt động ngoài trời của học sinh Trường tiểu học Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên.

Như nhiều người từng biết, để bảo đảm yếu tố bí mật, sau 13 ngày đóng quân tại hang Huổi He (xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên hiện nay), ngày 31-1-1954, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển về địa điểm mới đặt tại một khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn (hiện thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); cách trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ở lòng chảo Mường Thanh khoảng 10km đường chim bay và khoảng 38km đường bộ. Mường Phăng là địa điểm thứ ba và cũng là địa điểm cuối cùng Sở Chỉ huy chiến dịch đóng quân (trong 105 ngày, từ ngày 31-1 đến 15-5-1954).

Những năm qua, xã Mường Phăng được Nhà nước đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng. Con đường vào xã được rải nhựa, không chỉ giúp cho việc đi lại của nhân dân trong vùng mà còn làm nhẹ thêm bước chân khách thập phương vào thăm di tích. Nằm trong quần thể di tích “Khu vực chiến trường Điện Biên Phủ”, di tích Mường Phăng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) Hoàng Minh Giám ký quyết định xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia” ngày 28-4-1962. Hơn nửa thế kỷ qua, Mường Phăng là chốn đi về, là niềm tự hào trong tâm tưởng của mọi thế hệ người Việt. Song, với người ngoại quốc và nhất là với khách du lịch phương Tây, hai tiếng Mường Phăng ẩn chứa trong đó cả một sự kỳ bí đến mức “không sao hiểu nổi”, như chính báo chí phương Tây từng viết. Người ta “không sao hiểu nổi” nhờ vào sức mạnh nào mà một quân đội trang bị vũ khí ít ỏi, thô sơ, phương tiện vận chuyển nghèo nàn; mà lại dám đánh và hơn thế còn đánh thắng, trước một tập đoàn cứ điểm gồm toàn những đơn vị tinh nhuệ, được trang bị vào loại tối tân nhất toàn cõi Đông Dương ngày ấy?

Hôm nay, tại khu di tích Mường Phăng, chúng tôi gặp những đoàn khách du lịch ngoại quốc tham quan hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều người háo hức khi tận mắt được thấy đường hầm xuyên núi vẫn còn vẹn nguyên dấu ấn của tinh thần Điện Biên Phủ. Người phiên dịch của Công ty Du lịch Hà Nội giới thiệu đây là đoàn khách đến từ ba quốc gia: Pháp, Anh và Đức, nhân chuyến sang Hà Nội công tác. Họ bảo, khâm phục và khâm phục. Chỉ bằng cái chõng tre với đường hầm địa đạo thế này mà chiến thắng các loại vũ khí hạng nặng.

Sống ở Điện Biên, hàng chục lần vào thăm di tích Mường Phăng; nhưng theo một thói quen dường như đã trở thành bản năng, lần nào tôi cũng dành một khoảng thời gian đáng kể xem sổ lưu bút của khu di tích, với những dòng chữ run run xúc động của rất nhiều các cựu sĩ quan và chiến sĩ Điện Biên Phủ. Ngoài ra, là lưu bút của các đoàn khách thuộc nhiều bộ, ngành, vụ, viện, công ty, xí nghiệp, trường học ở nhiều địa phương suốt từ bắc chí nam. Hầu hết các dòng lưu bút đều có chung hai từ cảm ơn, cảm ơn các thế hệ cha anh đã đổ xương đổ máu, cảm ơn những người đã vinh quang ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, ngày nay bà con các dân tộc Mường Phăng đã và đang dần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, loại bỏ dần các hủ tục, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh. Tại các bản Che Căn, Đông Mệt, Cang, Yên, Phăng... đồng ruộng được gieo bằng giống lúa mới. Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên đã điều cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn bà con phương pháp gieo sạ, phun thuốc diệt cỏ và sử dụng phân hữu cơ. Nhờ vậy, năng suất lúa của các bản này đạt 59 tạ/ha vụ chiêm xuân và 48 tạ/ha vụ mùa; đó là con số “nằm mơ” trước đây. Tiếng lành đồn xa, bà con người Khơ Mú, người Mông, người Thái ở các bản Vang, Kéo, Khôm, Xôm rủ nhau về học tập. Tranh thủ thời cơ, Phòng NN&PTNT chủ động tổ chức các hội nghị đầu bờ, nhằm tăng cao năng suất lúa của xã. Theo lời bà Thẳm Thị Hiên - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - với diện tích hơn 300 ha ruộng hai vụ, tổng sản lượng lương thực năm 2018 của Mường Phăng đạt xấp xỉ 2.600 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 530 kg/năm và là mức cao nhất từ trước tới nay. Giao khoán đất rừng cũng được tiến hành nhanh chóng, thế nên gần 6.500 ha rừng trồng và rừng tái sinh (trong đó có 200 ha rừng nguyên sinh khu di tích lịch sử Mường Phăng), được bảo vệ khá nghiêm ngặt.

“Vinh quang thay đất Mường Phăng” ảnh 1

Du khách chụp ảnh lưu niệm trong di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ ở Mường Phăng.

Ông Cầm Văn Thịnh - dân tộc Thái (ngành Thái đen), hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Phăng cho biết, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cũng được quan tâm chỉ đạo và thực hiện, điển hình là Dự án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái” tại bản Che Căn, xã Mường Phăng. Khi đề cập đến văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Bắc, đương nhiên phải kể đến văn hóa dân tộc Thái, trong đó có văn hóa ẩm thực với những món ăn đặc trưng, thơm ngon và hấp dẫn, được tạo nên bởi kinh nghiệm và bí quyết riêng của đồng bào. Phó phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên Dương Thị Chung hồ hởi tiết lộ: các món ăn của người Thái Mường Phăng mang hương vị rất riêng bởi gia vị tạo nên “cái riêng” ấy là các loại củ quả và hoa lá có rất nhiều trên rừng Mường Phăng. Bữa cơm của người Thái thường là xôi đồ, rau rừng, cá hoặc thịt chấm với chẩm chéo hoặc làm nộm, măng ngâm chua nấu cá hoặc phơi khô, một món ăn độc đáo nữa là món rau chế biến từ rong rêu dưới suối. Đồ uống của đồng bào Thái là rượu cần hoặc rượu trắng, nguyên liệu chính là gạo và củ sắn, ủ bằng men lá rừng cùng một số thảo dược bí truyền; uống say cũng không đau đầu, mệt mỏi.

Thấm thoát đã 65 năm kể từ chiều 7-5-1954, cái ngày mà tướng Đờ-cát cùng bộ chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng xin hàng. Hơn sáu thập kỷ trôi qua, địa danh Mường Phăng đã đi vào thơ ca nhạc họa, trở thành niềm tự hào không chỉ của người Việt Nam mà với cả nhân loại tiến bộ yêu chuộng tự do độc lập. Ngoài mục đích thăm lại khu di tích, du khách còn muốn tận mắt chứng kiến sự đổi thay trên mảnh đất lịch sử này. Dẫu phải đối mặt với không ít chông gai, thách thức, song, tiếp nối tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mường Phăng đã không ngừng bứt phá, vượt lên, đạt được thành quả đáng khích lệ, tạo nhiều dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới. Mường Phăng hôm nay không chỉ có “rừng Đại tướng” và “hầm chỉ huy” mà còn có “hồ Đại tướng”, có “trường học Đại tướng”. Và cùng với cái tên Điện Biên Phủ thì Mường Phăng mãi là một địa danh sáng chói, không chỉ là niềm tự hào, là biểu tượng chiến thắng mà còn là nguồn cổ vũ, khích lệ mỗi chúng ta.