" Trời với nước chia đôi nhà ở giữa "

Chỉ có sức sáng tạo và lòng yêu nước của người Việt Nam mới có thể dựng lên những ngôi nhà trên những cột giàn giữa bãi cạn nằm rải rác khắp thềm lục địa phía nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và chỉ có những con người can trường đến nhường nào mới đủ dũng cảm sống quanh năm trong một ngôi nhà mà cúi xuống hay nhìn lên đều chỉ một mầu xanh của nước và trời.

Nhà giàn DK1/20. Ảnh | Vũ Quang Huy
Nhà giàn DK1/20. Ảnh | Vũ Quang Huy

Mỗi chuyến tàu đưa khách đi thăm biển đảo Trường Sa, điểm dừng cuối cùng thường là nhà giàn DK1. Hai lần tôi đến nhà giàn DK1 đều vào sáng sớm. Vừa mở mắt ra sau một đêm ngủ trên tàu từ quần đảo Trường Sa về bãi Tư Chính, đã thấy trước mặt mình có một ngôi nhà. Nhìn thấy nhà sau nhiều ngày đi biển sao thân thương, gần gũi, tưởng như chỉ đi mấy bước là có thể đặt chân, nhưng đâu phải vậy. Thật sự từ tàu lên nhà giàn là cả một hành trình gian nan.

Nhà giàn không phải cứ đi là có thể đến, cứ nhìn thấy đã có thể bước vào. Biển dưới chân nhà giàn vừa hiền hòa đấy đã trở sóng trở gió dữ dội. Đôi lúc nước trong xanh tưởng như có thể thò chân xuống để khỏa, cá vờn dưới chân cột nhà giàn tưởng thò tay xuống có thể bắt. Nhưng những ngày biển động cột nhà đong đưa như lắc võng, nhà giàn kẽo kẹt giữa biển trong từng cơn sóng dữ chồm lên. Những thái cực ấy chỉ những lính nhà giàn dày dạn kinh nghiệm mới trải và thấm hết được.

Cựu thuyền trưởng tàu 561 Nguyễn Văn Cường từng kể với tôi, mỗi lần đưa khách đến thăm nhà giàn là một lần đầy lo lắng của anh và đồng đội. Chỉ cần sóng cấp 4 hay gió cấp 5 là đã không thể đưa người lên được nhà giàn. Với cả đoàn khách hàng trăm người trên một chuyến tàu đã đi hàng nghìn dặm chỉ để được lên nhà giàn thăm cán bộ, chiến sĩ, quyết định không hạ xuồng chở mọi người lên nhà giàn thật khó khăn đối với vị thuyền trưởng. Và trong hàng chục chuyến đi, đã có hai lần anh phải đưa ra quyết định đó. Trung tá Nguyễn Văn Cường nay chuyển sang làm trong lực lượng kiểm ngư còn nhớ, trong chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn của kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc vào tháng 4-2015, cả tàu khóc như mưa vì không lên được nhà giàn. Người thì lên boong để nhìn sang ngôi nhà được gần hơn, người thì tụ tập trong ca-bin để trò chuyện với các chiến sĩ nhà giàn qua bộ đàm. Tiếng hát lẫn trong tiếng khóc lạc nhịp. Phía bên kia bộ đàm cũng sử dụng những gì có thể tạo ra âm thanh để gõ nhịp hòa theo tiếng hát từ phía con tàu. Những món quà được chuyển xuống xuồng để cẩu bằng dây lên với nhà giàn. Lính nhà giàn thường nói vui rằng họ chỉ được “nghe hát qua loa, nhận quà qua dây”, trong khi họ chờ đợi và chuẩn bị cả tháng trời để được đón khách, được nhìn thấy người từ đất liền lên cười nói trên ngôi nhà giàn của họ, được nắm tay, được ôm, được chuyện trò đối mặt.

" Trời với nước chia đôi nhà ở giữa " ảnh 1

Các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/7 Huyền Trân lưu luyến chia tay đoàn công tác vào tháng 5-2013.

Chỉ khi trời và nước chiều lòng người thì ngôi nhà chông chênh giữa biển ấy mới có thể ghé thăm. Và tôi đã may mắn được hai lần bước lên nhà giàn. Năm 2013, người chìa tay đón tôi từng bước đầu tiên khi đang dập dềnh trên xuồng để lên nhà giàn DK 1/7 Huyền Trân là Trung tá Nguyễn Văn Đồng, người đã có 22 năm gắn bó với nhà giàn. Sự vững chãi, rắn rỏi của anh khiến tôi quên đi nỗi sợ hãi của sự chông chênh.

Nhà giàn DK 1/7 Huyền Trân được xây dựng năm 1991 thì năm 1997 anh Đồng bắt đầu làm việc tại đây. Hai phần ba số thời gian trong 22 năm qua anh sống tại nhà giàn. Ngôi nhà ấy còn thân thiết, gắn bó với anh hơn cả tổ ấm nhỏ của anh ở Bình Dương. Tháng 11 vừa qua, anh vừa chia tay nhà giàn lên tàu trở về đất liền, hoàn thành những năm tháng cống hiến tuổi xuân để bảo vệ nhà giàn và vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Ký ức đầu tiên không dễ gì quên được là khi anh vừa bước chân lên nhà giàn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1997. Lúc đó, cơn bão thế kỷ mang tên Linda đã hình thành ngay tại Huyền Trân trước khi đổ bộ vào đất liền làm chết và mất tích 4.500 người, đa số là ngư dân Cà Mau. Nhà giàn Huyền Trân rung lắc, nghiêng ngả trước sức gió quá lớn của cơn bão. Anh và đồng đội đã xác định hy sinh bản thân, nhưng quyết không rời nhà giàn. Thật may mắn là cơn bão qua đi, nhà giàn Huyền Trân vẫn đứng vững từ đó đến nay. Anh và đồng đội đã chứng kiến không biết bao nhiêu cơn bão đi qua, chịu sóng gió và rung lắc vì bão trước khi đất liền phải nếm trải. Anh chỉ mong cho những cơn bão ngoài biển thì hung dữ quần thảo, nhưng sẽ tan đi khi vào đến đất liền, để chỉ một mình các anh phải gánh chịu sóng gió.

Anh Đồng quê ở Hà Tĩnh, ở nhà giàn từ lúc còn trẻ nên không có thời gian lập gia đình, cho đến năm 34 tuổi thì anh gặp được chị. Vợ anh là giáo viên, hiểu và yêu thương anh hết mực. Hai đứa con một mình vợ chăm sóc và nuôi nấng. Lúc chị sinh đứa thứ hai năm 2007, anh cũng không kịp về để chăm sóc. Nỗi nhớ vợ và con anh gửi cả vào những bài thơ và trang nhật ký. Giờ đây, khi anh chia tay nhà giàn trở về đất liền sống và công tác trước khi nghỉ hưu vào năm sau, chị là người thấy vui nhất, vì anh đã có thời gian để ở nhà cùng với chị.

Ngồi trong căn phòng nhỏ trên nhà giàn Huyền Trân năm đó, tôi đã được nghe Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Nguyễn Ngọc Tương (nay là Trung tướng, Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng) đọc những câu thơ trong bài “Những cánh thư màu tím”. Giữa chông chênh nhà giàn, vị thiếu tướng ôm đàn ghi-ta gẩy nhẹ và đọc bài thơ mà chính ông đã viết cùng Thượng tá Nhữ Mai Sinh, Chủ nhiệm chính trị căn cứ 696 vào năm 1998, khi đi cứu hộ nhà giàn bị sập sau cơn bão lớn. Lần ra biển đó, nước mắt ông, lúc đó đang là Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171, Quân chủng Hải quân ở Vũng Tàu, đã nhòa theo những cánh thư màu mực tím khi chứng kiến đồng đội không bao giờ trở về.

Theo lời kể của những người lính sống sót, ba ngày trước khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị đổ trong cơn bão số 8 đêm 12 rạng sáng 13-12-1998, sau một bữa cơm trưa, chuẩn úy Lê Đức Hồng đem toàn bộ thư của mình ra khoe với đồng đội. Tám lá thư đựng trong phong bì mầu tím đã dán tem để đợi tàu ra thay trực sẽ chuyển về đất liền. Thư mang theo nỗi niềm của người lính nhà giàn về với cô gái mới quen qua hộp thư kết bạn mà anh chưa từng được gặp. “Lính nhà giàn bọn anh không có đất, dưới là sóng, trên là trời. Trước biển rộng lớn mới thấy mình cô đơn. Ngày đêm nhớ đất liền lắm. Mình hy vọng nhận được hồi âm nơi ấy nhé”, thư anh định gửi về có đoạn viết.

Nào ngờ cơn bão dữ đã quật đổ nhà giàn, cuốn theo toàn bộ người và đồ đạc xuống biển. Ba chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển khơi, trong đó có anh Hồng. Đồng đội đã tìm vớt xác các anh nhưng không thấy, chỉ vớt được những lá thư tình chưa kịp gửi đi...

Bài thơ “Những cánh thư màu tím” đã ra đời trong hoàn cảnh đó, kể lại cảm xúc của những người lính khi mất đi đồng đội, để rồi mỗi lần trở lại với nhà giàn, một người lính dạn dày như tướng Tương lại nghẹn ngào đọc lại bài thơ cũ. Tôi nghe rõ cả tiếng nấc nghẹn trong âm vực trầm khàn vùng biển Quảng Bình của ông:

“Tàu đi đảo thư vẫn nhiều hơn cả

Những cánh thư mực tím tựa hoa đào

Hơi biển ấm xuân về hương cỏ mật

Thơm góc trời nơi anh ở xôn xao



Các anh sống gần mây hơn gần đất

Sóng mênh mông nửa nước với nửa trời

Trời với nước chia đôi nhà ở giữa

Thành chiến hào đảo thép giữ giàn khoan...”.

Tứ thơ của bài thơ này sau đó được dựa vào để dựng lên một tiết mục hoạt cảnh và tiết mục này đã nhận được Huy chương vàng tại hội diễn của Quân chủng Hải quân. Bài thơ cũng được Trung tá Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân phổ nhạc thành bài hát “Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn” năm 2001.

Và dù “trời với nước chia đôi nhà ở giữa”, nhưng những ngôi nhà mọc lên trên biển ấy vẫn là một phần máu thịt không thể chia cắt của đất liền. Những ngày cuối năm, cả nước đang hướng tới đội tuyển U22 Việt Nam thi đấu tại SEA Games 30, những người lính nhà giàn cũng đang chung nhịp đập ấy. Từ nhà giàn DK1 đầy sóng và gió, các chiến sĩ đã gửi lời chúc đến đội tuyển Việt Nam đang thi đấu tại Philippines. Trong ngôi nhà giàn nhỏ bé, họ vẫn căng cờ hoa biểu ngữ, dán lên má mình ngôi sao năm cánh để cổ vũ trong những trận cầu. “Việt Nam vô địch! Việt Nam chiến thắng!”.