Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Phát triển kinh tế thị trường vì hạnh phúc của dân

Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng (dưới đây viết tắt là Dự thảo) khẳng định: "kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội", đồng nghĩa với coi xây dựng, phát triển KTTT định hướng XHCN là một quá trình dài, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu "bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước" để tạo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước trước mọi biến động của thực tiễn.

Công nhân Công ty cơ khí Đông Anh vận hành dây chuyền sản xuất nhôm. Ảnh | Thanh Lâm
Công nhân Công ty cơ khí Đông Anh vận hành dây chuyền sản xuất nhôm. Ảnh | Thanh Lâm

Bên cạnh đó, Dự thảo lần đầu tiên đưa ra và khẳng định tầm quan trọng của xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; đề cao vai trò của các tổ chức xã hội trong tạo lập sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên, bảo vệ lợi ích thành viên, phản ánh nguyện vọng người dân, phản biện và giám sát thực thi pháp luật...Tuy vậy, quan hệ biện chứng giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cần được làm rõ hơn, trong đó có cơ chế quản lý nhà nước đối với các DNNN (nhất là loại hình 100% vốn nhà nước) không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, và do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường.

Hơn nữa, cần làm sâu sắc hơn chức năng Nhà nước trong vai trò chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường đào tạo cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; nâng cao năng lực dự báo và ngăn chặn, trung hòa các tác động mặt trái của KTTT (như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh thiếu lành mạnh, phân hóa giàu nghèo và coi nhẹ các vấn đề y tế, môi trường, xã hội...); là nhạc trưởng giữ nhịp và bảo đảm ổn kinh tế vĩ mô, bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ các cam kết, quy luật và quy trình kinh tế trong hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hoạt động của những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ KTTT; giữ vững các cân đối lớn, bảo đảm an ninh kinh tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế thế giới; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước...

Đặc biệt, Dự thảo tái khẳng định mục tiêu cao nhất của công cuộc đổi mới và phát triển KTTT định hướng XHCN là vì một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Điều này một lần nữa cho thấy: Xây dựng mô hình KTTT định hướng XHCN là phù hợp xu hướng và yêu cầu thực tiễn phát triển KTTT trên thế giới; bởi lẽ thực tế đã, đang và sẽ cho thấy, dù ở đâu và thời đại nào, khác nhau về chế độ và thể chế chính trị, song mọi mô hình KTTT muốn thành công đều phải ngày càng hội tụ vào mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là vì phát triển đất nước bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn khát vọng hạnh phúc cho người dân của quốc gia mình.

Quá trình Đảng ta không ngừng hoàn thiện, củng cố nhận thức toàn diện, đầy đủ, sâu sắc và tổ chức xây dựng hiệu quả mô hình KTTT định hướng XHCN ở nước ta là biểu hiện và thước đo sự thành công, bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới của Đảng. Đồng thời, đó cũng là quá trình tạo lập và hiện thực hóa các mục tiêu, động lực và cơ chế để gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và để người dân được hưởng thụ ngày càng nhiều hơn thành quả của công cuộc đổi mới; giữ vững ổn định chính trị và kinh tế, củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội, không ngừng cải thiện các quan hệ và vị thế quốc tế, xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững.