Nêu gương, con đường ngắn nhất

Tết Kỷ Hợi đang về.

Mới hôm nào chớm đông, “đã nghe rét mướt luồn trong gió”, nay xuân đã ửng hồng trong sắc hoa đào. Mới hôm nào cả loài người hân hoan chào đón thế kỷ 21, “sang thế kỷ với con tàu quá rộng, hoa hồng sang gai nhọn cũng sang”, mà nay đã bước một chân vào năm cuối thập niên thứ hai. Có nhà văn viết cuộc đời dài lắm. Nhưng người khác lại bảo đời người thật ngắn. Ngắn hay dài có thể là do quan niệm sống, lý tưởng sống và chất lượng sống. Nhưng có điều khi xuân đến ai cũng cảm thấy mình đặt chân vào viên gạch mới của một chặng đường mới, vừa mừng vui, hồi hộp lại thoáng chút lo toan.

Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn tại Hội nghị Thanh niên xã hội chủ nghĩa khu Việt Bắc năm 1960. Ảnh | TL
Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pồn tại Hội nghị Thanh niên xã hội chủ nghĩa khu Việt Bắc năm 1960. Ảnh | TL

Người viết có phần dông dài để nhắc tới câu chuyện với một nhà sư phạm lão thành khi bàn về đạo đức. Ông trầm ngâm: Con người có đạo đức thì sẽ sống lâu. Sống lâu khác với sống nhiều. Nhiều năm nhiều tháng chồng lên cuộc đời mà chắc gì đã ở mãi với người với đời. Nhà bác học An-be Anh-xtanh (1879 – 1955) từng khuyên: “Đừng phấn đấu để trở thành một người thành công, mà tốt hơn nên phấn đấu trở thành một người có phẩm giá”. Để có phẩm giá mỗi người phải rèn luyện, nhưng phấn đấu lại là đòi hỏi cao hơn, cao hơn cả sự thành công, bởi thành công có khi còn do sự may mắn, do tác động của những yếu tố bên ngoài. Để trở thành một người có phẩm giá phải vượt lên chính mình, phải luôn tự thắng mình. Thắng mình mới là “chiến công oanh liệt” nhất.

Nêu gương, con đường ngắn nhất ảnh 1

Tại Hội nghị T.Ư 8 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ,đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương. Ảnh | Trần Hải


Đấy là ông giáo nói về rèn luyện đạo đức ở mọi người, chưa bàn tới đạo đức của người cách mạng. Vậy đạo đức cách mạng có gì thống nhất, có gì khác với đạo đức con người nói chung? Nói rạch ròi điều này thật khó. Các Mác từng nói: “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Con người có đạo đức là người không chỉ “thuộc lòng” những lời răn dạy về đạo đức, mà còn là người luôn vì mọi người, sống chuẩn mực, đời sống và tâm hồn thanh cao, trong sáng. Người cách mạng ngoài các phẩm chất vừa nêu, đòi hỏi có sự vượt trội, đi trước mọi người. Người cách mạng không chỉ tu thân mà còn dấn thân. Bác Hồ đã nói rất rõ bốn đức tính của người cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính” giống như năm có bốn mùa vậy.

Dấn thân, nói mộc mạc hơn là làm tới cùng, làm hết sức, không tính thiệt hơn cho riêng mình. Không như mấy anh cán bộ hễ có tí danh phận là tìm cách tham nhũng vặt. Anh ta cũng nói trong cuộc họp về nêu gương một cách trơn tru. Nhưng đến công sở thì nghĩ ra đủ thứ mánh khóe để kiếm chác. Một ông chủ doanh nghiệp than phiền với chúng tôi, tham nhũng vặt như thứ bệnh ngoài da, ngứa ngáy, khó chịu. Doanh nghiệp đến gặp “ông cán” nọ xin cấp phép đầu tư. Nộp hồ sơ rồi cứ bị ngâm ở đấy. Chờ hết tuần này sang tuần khác không thấy bèn lên hỏi thì nhà chức trách thản nhiên bảo, có một số tài liệu phải dịch sang tiếng Việt. Đành mang hồ sơ về, dịch xong lại nộp. Nộp xong lại rơi vào im lặng. Bấm bụng chờ cho qua tháng Ngâu mới lên hỏi, “ông hồ sơ” yêu cầu đánh số trang cho... chuẩn. Lại đem về, đánh lại trang, chỉ mất nửa ngày và nộp tiếp. Một thời gian sau, số trang đã chuẩn rồi, nhưng lại quay về lỗi cũ: một số chỗ tuy đã dịch nhưng chưa... chính xác. Chao ôi, doanh nhân chỉ biết thở dài ngao ngán, tham nhũng vặt là thế đấy, “không chuẩn”, “không chính xác” chỉ vì thiếu khoản “bôi trơn”.

Chuyện tham nhũng vặt nói cả ngày không hết. Còn tham nhũng lớn thì đương nhiên người gây chuyện thường là những ông chức lớn. Từ tham nhũng quyền lực dẫn đến tha hóa quyền lực. Tham nhũng quyền lực thường núp sau cái bóng của cơ chế, chính sách. Chủ trương thì đúng cả, nhưng mười anh đúng chỉ có một anh được nhận dự án béo bở thôi. Vì thế có anh chạy dự án và có anh cho dự án, nhưng họ đều có thể thản nhiên phán xét về việc nêu gương, về trách nhiệm người lãnh đạo. Thế nên đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trăn trở, làm sao để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

Cơ chế nào để có thể “nhốt” quyền lực? Cơ chế đúng sẽ tạo ra bộ máy năng động, không ai giẫm chân ai. Không có những anh dựa dẫm, quanh năm mấp máy môi trong dàn hát đồng ca. Trong nhiều giải pháp thì có một việc cần làm ngay là tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Giảm biên chế, cần lắm sự nêu gương của các cơ quan, nhất là bộ máy lãnh đạo ở các ban Đảng, chính quyền từ trung ương tới địa phương. Mới đây, theo một báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội về cải cách hành chính, có nhiều bộ dư biên chế hàng nghìn người, bộ có số dư cao nhất là 6.000 người; tỉnh có dư biên chế cao nhất lên tới 8.000 người. Khi bộ máy phình to mãi, ngân sách nhà nước phải gồng lên để trả lương thì số đông ấy không thể là phép cộng tạo nên sức mạnh. Cho nên người dân bàn rằng, sang năm mới mong các bác nêu gương trước hết bằng sự giảm đầu mối, giảm số người hưởng lương từ ngân sách một cách rốt ráo hơn. Bộ máy gọn nhưng phải tinh, đừng vì gọn mà không dùng người không cùng “cánh hẩu”. Sàng nhưng phải lọc, đừng vì sắp xếp bộ máy mà chỉ giữ lại toàn những người năng lực kém cỏi, gọi dạ bảo vâng.

Như vậy việc nêu gương cũng có chương trình, có việc cụ thể, có địa chỉ cụ thể để Đảng và Dân cùng kiểm tra, giám sát. Chớ cứ nói sự gương mẫu chung chung rồi đến khi đánh giá, nhận xét cũng sẽ nhạt nhòa, vẽ nên vài con số cốt đẹp lòng nhau.

Hội nghị Trung ương Tám cuối năm Mậu Tuất đã ban hành Quy định về sự nêu gương, cũng có địa chỉ rõ ràng: trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trọng trách càng lớn, sự gương mẫu càng phải cao. Cao từ tầm tư tưởng, từ đạo đức, tác phong, lối sống, nhưng lại rất cần những việc làm cụ thể để mọi người mắt thấy, tai nghe. Người dân Nghệ An đến giờ vẫn nhắc câu chuyện Bí thư Tỉnh ủy Trương Đình Tuyển vào đầu những năm 2000 đi xe đạp ra chợ. Ông tự mua bó rau, mớ tép, mấy con cá khô về nấu cơm “một bữa ăn hai”. Bí thư nhiều lần đến với dân bằng “xe ôm”. Ông bảo đừng gọi là xuống dân, mà là đến. Đến thì đi cách gì để gần dân nhất, để hiểu thấu niềm vui, nỗi khổ của dân, biết làm những gì có lợi cho dân nhất. Đương nhiên trong thời kỳ làm Bí thư, ông đã cùng cấp ủy làm được nhiều việc lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển năng động, bền vững của quê hương Bác Hồ. Nhưng nhớ về người đứng mũi chịu sào thời ấy, người dân vẫn thích nhắc tới chuyện “chiếc xe ôm” và “bữa cơm, quả cà”.

Chung quanh chúng ta có nhiều đồng chí gương mẫu về đạo đức, lối sống, luôn thu nhỏ cái tôi, cái tiếng nói lợi ích riêng luôn muốn gào thét trong lòng. Mặc dù đó là điều vô cùng khó. Các vụ đại án mà một số cán bộ từng giữ trọng trách phải hầu tòa đã minh chứng cho điều đó. Một lần từ chối sự quyến rũ của đồng tiền, hai lần, rồi ba lần... Vậy mà đến một lần nào đó, trước một ma lực nào đó anh bỗng buông xuôi. Anh đã gương mẫu ba lần, năm lần, mọi người biết cả, vậy mà tiếc thay! Rồi hiện tượng “con ông cháu cha” được luân chuyển, lên chức nhanh bất thường, đi liền với “cả nhà, cả họ làm quan” như một cặp bài trùng xảy ra ở khá nhiều nơi. Suy cho cùng là do đầu óc địa vị nặng nề. Suy cho cùng là người dung dưỡng cho sự tệ hại ấy đã từng tu thân nhưng chưa dấn thân. Dấn thân là tự nguyện, thành thực suốt đời, không cần tạo dư luận, không cần tỏ vẻ, “nêu gương giả”, đến mức đồng nghiệp dị nghị rằng lẽ nào sự nhún mình cũng trở thành món quà tô điểm bản thân (!).

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rất mộc mạc rằng: Cán bộ phải làm mực thước cho người dân bắt chước. Một tấm gương sống có giá trị hơn nhiều diễn văn tuyên truyền. Từ làng xóm đến rộng dài đất nước, mong sao có thêm nhiều hình mẫu. Nêu gương nói và nêu gương làm đều cần lắm trong lúc này, trong đó nêu gương làm phải đặt lên trước hết. Nêu gương là con đường ngắn nhất để Đảng gắn bó máu thịt với Dân, củng cố niềm tin của nhân dân. Nêu gương nói để bớt đi những tiếng nói giáo điều, bảo thủ, vô cảm, cùng những lời hứa suông. Nêu gương làm để cán bộ, đảng viên thật sự là tấm gương sống, gương sáng, không chỉ ở những điều lý tưởng cao xa mà từ mọi suy nghĩ, việc làm hằng ngày, không chỉ khi họ giữ chức này tước kia hay đã về hưu vẫn được mọi người tin yêu, quý trọng.

Điều đó cũng giản dị như ánh nắng, như khí trời mùa xuân vậy. Vẻ đẹp sau cùng của mùa xuân là sự tinh khiết. Vẻ đẹp sau cùng của con người là mắt sáng, lòng trong.