Chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng

Mỗi quốc gia có thể ban hành văn bản chính sách riêng về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tuy nhiên nhiều quốc gia lại lồng ghép trong các văn bản về hình sự, công vụ. Ở nước ta, Đảng có nhiều Nghị quyết riêng về PCTN và bên cạnh các văn bản luật, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 về Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, đề ra hệ thống quan điểm, mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể nhằm hài hòa và phối hợp các nỗ lực PCTN.

Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khi đầu tư vào ngân hàng TMCP Đại Dương gây thiệt hại 800 tỷ đồng. Ảnh | Doãn Tấn
Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khi đầu tư vào ngân hàng TMCP Đại Dương gây thiệt hại 800 tỷ đồng. Ảnh | Doãn Tấn

Việc xác định mục tiêu đúng đắn, phù hợp tình hình thực tế rất quan trọng, mới giải quyết được cơ bản vấn đề tham nhũng và vạch ra các giải pháp, công cụ phù hợp để thể chế hóa vào các văn bản pháp luật.

Trong một thời gian dài, mục tiêu phòng ngừa tham nhũng (PNTN) có phần được ưu tiên. Chiến lược khẳng định “phòng ngừa là cơ bản, lâu dài”, bốn trong năm mục tiêu cụ thể về phòng ngừa, chỉ một mục tiêu liên quan đến phát hiện, xử lý. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa X cũng chủ trương “phòng ngừa là chính”. Điều này có vẻ chưa thật sự phù hợp so với tình hình tham nhũng phức tạp và phổ biến. Đồng ý rằng phòng ngừa mang tính lâu dài và cần được tiến hành trong mọi giai đoạn; tuy nhiên với thực tế một nền công vụ chưa phát triển, để các giải pháp phòng ngừa phát huy tác dụng tức là hoàn thành việc xây dựng một nền công vụ minh bạch, hiệu quả thì phải mất thời gian khá dài khi các yếu tố nền tảng được hoàn thiện. Vì vậy, nếu không cương quyết, mạnh mẽ trong xử lý thì khó tạo ra tính răn đe nhằm kiểm soát tham nhũng, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và những đột phá giải quyết tình hình.

Xác định mục tiêu chưa phù hợp còn dẫn đến xác định hệ thống các giải pháp, công cụ có phần thiên lệch khi có quá nhiều giải pháp phòng ngừa (công khai, minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, đổi mới công nghệ quản lý, kê khai tài sản, thu nhập...) mà thiếu giải pháp, công cụ đột phá về phát hiện, xử lý. Báo cáo cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP và UKAID cũng chỉ ra rằng Luật PCTN của Việt Nam khác với đa phần các nước trên thế giới, khía cạnh PNTN đã được hết sức quan tâm, nhưng chống tham nhũng còn bỏ ngỏ nhiều nội dung. Điều này được nhiều người ví như một cơ thể đang bị bệnh rất nặng, nguy cấp nhưng lại không tập trung uống thuốc chữa bệnh cho triệt để, mà chỉ tập trung uống thuốc bổ.

Không chỉ vậy, một số mục tiêu về phòng ngừa quá lý tưởng so với thực tế nền quản lý công còn non yếu, ít tính đến khả năng hoàn thành vào năm 2020, như: “ngăn chặn, làm triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng”, “xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch... với đội ngũ cán bộ, công chức trung trực, công tâm, liêm khiết, tận tụy, chuyên nghiệp”, “tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch”. Qua 9 năm thực hiện, công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. “Tham nhũng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng”, Nghị quyết 126/NQ-CP chỉ rõ. Trong thời điểm “nước rút” sắp tổng kết Chiến lược, Chính phủ ban hành Chỉ thị 12 và Nghị quyết số 126/NQ-CP coi trọng tập trung phát hiện, xử lý nghiêm minh tham nhũng. Trên cơ sở đó, một số vụ việc tham nhũng lớn đã được phát hiện, xét xử. Đây là tín hiệu ban đầu của việc chuyển hướng đúng.

Đòi hỏi đặt ra là cần điều chỉnh mục tiêu của Chiến lược quốc gia về PCTN cho 10 năm tiếp theo, nhấn mạnh tính cấp bách của việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tạo tính răn đe nhằm ngăn ngừa tham nhũng, từ đó xác lập các giải pháp, công cụ quyết liệt hơn, nhất là thiết chế có thẩm quyền điều tra, truy tố đủ mạnh để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, bổ sung thẩm quyền cho các thiết chế thanh tra, kiểm tra, áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với mọi hành vi tham nhũng... Các mục tiêu liên quan đến phòng ngừa cũng cần điều chỉnh lại cho phù hợp, khả thi hơn như “giảm thiểu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng”, “xác lập các nền tảng cần thiết của nền công vụ hiệu quả, minh bạch” để bảo đảm khả năng hoàn thành đúng hạn.