Kỷ niệm 38 năm Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2013)

Sài Gòn những giờ khắc lịch sử

NDO - Khi ánh bình minh ló rạng vào sáng 30-4-1975 tại Sài Gòn, thành phố chìm ngập trong cơn hoảng loạn. Nhưng rồi mọi việc đã không diễn ra như kịch bản đã được bộ máy chiến tranh tâm lý vẽ nên trước đó. Một lần nữa đọc lại cuốn sách: Thành phố Hồ Chí Minh - giờ khắc số 0 - những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Borries Gallasch (biên tập viên báo Spiegel) được xuất bản ở Đức chỉ bốn tháng sau giờ khắc số 0 đó chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua những ghi chép nóng hổi thời sự được ông tập hợp ngay sau thời khắc lịch sử đó.

MỘT KẾT THÚC CHIẾN TRANH “ĐẸP”(!)

Jens Nauntofte viết cho tờ Infomation tại Kopenhagen (Đan Mạch) viết: “Khi chúng tôi vừa nhìn thấy chiếc xe tăng đầu tiên của Mặt trận Giải Phóng chạy trên đường phố Sài Gòn, chúng tôi không thể tin vào mắt mình. Tại một đại lộ phía sau tòa đại sứ Mỹ, cách chúng tôi 150 m, nó chạy qua trên con đường vắng tanh người. Một lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng khổng lồ phấp phới bay trên cột ăng-ten điện đài. Chúng tôi dừng chiếc xe jeep, lùi lại. Chiếc xe tăng lại biến mất trong tầm nhìn của chúng tôi, lặng lẽ như khi nó xuất hiện lúc nãy. Bạn đồng nghiệp của tôi cho rằng, đó có thể là chiếc xe của quân đội Sài Gòn mà treo lá cờ MTDTGP trên cần ăng-ten để đánh lạc hướng địch. Lời giải thích nghe phi lý. Và khi chiếc xe tăng MTDTGP kế tiếp xuất hiện trên đường phố thì mọi nghi ngờ đã tan biến. Đó là giờ khắc số 0”. (Borries Gallasch - đã dẫn, tr 38).

Nayan Chanda (phóng viên của tờ Far Eastern Economic Review) mô tả: “Tôi nhìn qua cánh cửa đang mở: Thật không thể tin được - một chiếc xe tăng hạng nặng, ngụy trang bằng những cành lá cây, đang lăn bánh trên đường phố, hướng về dinh tổng thống! Cùng với ngọn cờ nửa đỏ, nửa xanh phấp phới trước gió! Tôi lấy máy ra và chạy vội ra ngoài để chụp một số kiểu ảnh, lại chạy trở vào bên chiếc máy đánh chữ để viết chú thích dưới chiếc ảnh xe tăng vừa tới. Tất cả những việc đó, tôi làm hoàn toàn không sao tin nổi, như trong cảnh xuất thần. Tôi biết, chiến tranh đã đi đến kết thúc, tôi biết quân Giải phóng chốc lát sẽ hiện diện tại thành phố. Nhưng tôi vẫn bị choáng ngợp bởi hình ảnh mấy chiếc xe tăng quân Giải phóng đã đạp đổ cổng dinh lao vào, khói cuộn cuộn bốc lên sau lưng xe. Mọi việc diễn ra quá đột ngột, quá kịch tính, khiến tôi vẫn chưa muốn tin... Đã bao giờ có được một hình ảnh kết thúc chiến tranh hoành tráng như vậy chưa?”. (Borries Gallasch - đã dẫn, tr 69).

HÒA HỢP VÀ HÒA GIẢI...

Sau bốn đoạn lý giải sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn trong phóng sự năm chương “Bắt đầu lại từ đầu”, Jens Nauntofte viết: “Đối với nhiều người ở Sài Gòn, “Giải phóng” trước hết có nghĩa thoát khỏi những hình ảnh ghê sợ của chế độ cũ. Sự sợ hãi về sự tắm máu đã biến mất chiều nay, trước trụ sở ngân hàng quốc gia, khi hai anh lính trẻ bắc Việt Nam rụt rè cảm ơn nhận điếu thuốc lá. Những con người phi thường đang đứng đây. Các bạn hãy ngắm nhìn họ đi !” (Boris Gallasch - Đã dẫn, tr 46).

Borries Gallasch ghi chép trong “Sài Gòn 30-4-1975”: “Vâng, cuộc sống bình thường hóa hầu như không có quá độ, không còn dấu vết của hận thù người nước ngoài, kể cả còn một số người Mỹ ở lại cũng được đối xử thân thiện. Mọi người đều nói đến hòa giải. Trên đường phố đang diễn ra điều ấy một cách rõ nét, mà tôi còn hoài nghi, khi nhìn thấy thanh niên bắt tay, ôm choàng những chiến sĩ Giải phóng”. (Borries Gallasch - đã dẫn, tr 126).

Tiziano Terzani (viết cho tờ L’ Expresso) mô tả: “Ngày đầu tiên và những ngày giải phóng tiếp theo không hề diễn ra sự hành quyết duy nhất nào, không có gì chứng tỏ có hành động trả thù. Ngay trong ngày giải phóng nhiều gia đình người Sài Gòn đã có khách đến thăm, là những người thân, bạn bè cũ mà cả thời gian dài họ không có dịp gặp nhau”. “... Trong mấy tiếng đồng hồ, một rào cản của sự không hiểu biết và ngờ vực nhau dựng lên trong 30 năm trời giữa bắc và nam Việt Nam đã tan vỡ”. “Từ vựng nam Việt Nam được phong phú thêm một từ mới, đó là “bộ đội”. Bộ đội đã trở thành một phần của hình ảnh Sài Gòn mới”... “Sài Gòn dần dần đã trở lại như nó vẫn thế: là một thủ đô của một xứ nông nghiệp. Mầu sắc, biểu tượng, tập quán của chế độ cũ và lối sống cũ đã biến mất. Những quan niệm đạo đức mới hình thành thông qua sự hiện diện giản dị hằng ngày của anh bộ đội. “Sài Gòn” ngày càng mất dạng, cứ mỗi ngày người ta học tập để trở thành “thành phố Hồ Chí Minh”. (Borries Gallasch - đã dẫn, tr 143 - 144; 146 - 147).

TS Sử học Nguyễn Nhã, người đã ghi âm buổi phát thanh đặc biệt trong buổi chiều 30-4 của Đài phát thanh Sài Gòn nhớ lại: “Sáng ngày 30-4, tôi từ nơi di tản (một ngôi trường ở khu Tân Định (quận I) chở vợ bằng xe Honda mầu đỏ về thăm nhà ở khu Chợ Ông Tạ. Nghĩ tới việc là chứng nhân lịch sử, tôi ôm chiếc radio cassette theo dõi Đài phát thanh Sài Gòn. Khoảng hai giờ chiều, đài Sài Gòn phát sóng. Tôi ghi âm được cả tiếng người trao đổi với nhau trước khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Sau Tuyên bố đầu hàng là Lời kêu gọi đồng bào, công nhân viên chức trở lại sinh hoạt bình thường của GS Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa và lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Đại diện Quân Giải phóng miền nam Việt Nam. Những lời tuyên bố trên cứ phát đi phát lại nhiều lần...

Cậu em họ của tôi là cảnh sát nhưng đã mặc thường phục, áo trắng đeo băng đỏ, hớn hở khoe vừa đi phát cờ cho các nhà xung quanh. Tôi trở ra phố đã thấy ngoài khu Chợ Ông Tạ đã treo cờ Mặt trận giải phóng và lác đác cả cờ đỏ sao vàng. Bộ mặt cả thành phố Sài Gòn hoàn toàn thay đổi một cách rất yên bình. Những lời kêu gọi của đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn rất có hiệu quả đã khiến người dân đang hốt hoảng an tâm. Những ngày sau, nhân dân Sài Gòn trong đó có tôi bị cuốn hút vào cuộc sống mới. Kết thúc cuộc chiến không tắm máu, thật đẹp như mơ! Có lẽ ngàn năm nay chưa thấy cuộc chiến nào có kết cục đẹp như thế! Tôi cố gắng làm tròn công việc của một người nghiên cứu đồng thời là một nhân chứng lịch sử, cố bảo quản cuốn băng thu âm khoảnh khắc lịch sử quý giá đó”.

***

Sài Gòn thức dậy như từ một cơn ác mộng, sau khi cơn sốc của những chiếc xe tăng xuất hiện thình lình, sự tiến quân của hàng ngàn chiến sĩ tràn ngập cả thành phố, hầu như không có đổ máu - đã vượt qua được cơn sốc. Cả thành phố thở phào nhẹ nhõm và thanh thản.