“TRÂU  NGUYÊN” và cảm thức người nghệ sĩ

Họa sĩ Lê Đình Nguyên được gọi với biệt danh “Nguyên Trâu” vì những tạo hình con trâu độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên được gọi với biệt danh “Nguyên Trâu” vì những tạo hình con trâu độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc.
“TRÂU  NGUYÊN” và cảm thức người nghệ sĩ -0

Lê Đình Nguyên mê đắm trâu. Nhưng từ mê đắm trâu đến việc những người khác đắm mê những tác phẩm trâu của mình là hành trình nhọc nhằn của người nghệ sỹ, mà ở đó, đòi hỏi ở họ, không chỉ tình yêu mà là sự sáng tạo, sự tích lũy văn hóa đọc, văn hóa sống... Và nữa, người nghệ sỹ phải hóa hiện được tâm hồn, phông văn hóa, cảm thức riêng biệt của mình lên những con trâu Việt muôn đời ấy... Và Lê Đình Nguyên đã làm được điều ấy, những con trâu Việt, qua anh, trở thành TRÂU NGUYÊN.

 

“Với tôi – trâu là linh vật của người Việt” 
 
« …Những năm tháng tôi bị quăng quật sơ tán từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, từ cánh đồng này sang cánh đồng nọ thì tình yêu lớn nhất của tôi đọng lại đó là con trâu. Con trâu thân gần, hiền lành, cục mịch, nó gần gũi đến độ ở quê người ta đặt tên cho nó, con tên là Cơm, con tên là Tồ…  Bây giờ người ta lấy linh vật của Việt Nam là rồng, là phượng…còn tôi, tôi nghĩ đó là con trâu. Tạo hình của con trâu trong đời sống cũng như trong thiên nhiên làng quê có lẽ là tạo hình đẹp nhất và không thể thiếu được. Với tôi, trâu là một linh vật của người Việt”. Lê Đình Nguyên nói với tôi mà như đang trò chuyện với chính mình. Cái giọng thủ thỉ nhưng rất đàn ông, ấm, thẳng đôi lúc sõng ra, bứt ra như một lời tuyên bố của bản thân còn “thây kệ” người đối diện tiếp nhận như thế nào. Lúc cao trào, giọng Lê Đình Nguyên dứt khoát, không cần biết đến rào đón và sợ hãi. “Và hẳn anh vẽ/ điêu khắc bằng kí ức?”. “Đúng thế! Nói như Picaso nói, hay nói như danh họa Nguyễn Sáng: “Nếu nghệ sỹ không moi ký ức gan ruột của mình ra để làm nghệ thuật, để sáng tác thì chỉ tạo ra những thứ vô giá trị mà thôi”. Tôi cho rằng đời sống nghệ sỹ vô cùng quan trọng, anh sống như thế nào, anh trân trọng những kí ức đã qua ra sao. Tình cảm của anh với thời gian, với những người xung quanh mình, sự vật, sự việc bên mình như thế nào.. tất cả nó dồn vào tác phẩm và hiện ra ngay trong tác phẩm, nhìn là biết, không khác được”.

“TRÂU  NGUYÊN” và cảm thức người nghệ sĩ -0

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt đen láy- nghiêng về tính nữ của anh. Đôi mắt ấy, lúc mở ra rất to, đầy cảm xúc, lúc nheo lại chỉ còn một đường chỉ ngang – trí tuệ, thu mình, ngẫm ngợi. “Tôi nghe nói trâu đã từng cứu anh?” “Đúng thế!”

Tôi từng nghe “đồn thổi” về một gã nghệ sỹ rất thích lang thang, nhất là thang lang khám phá vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc, chân phương của vùng đất Tây Bắc. Một gã nghệ sỹ rất “bụi bặm” nhưng cả đời không dám lái xe, hoặc chỉ ngồi sau xe bạn bè, hoặc tàu chợ, xe bến mà đi. Số là năm đó, Lê Đình Nguyên đưa vợ con đi Mai Châu Hòa Bình. Bữa ăn chia tay, chủ nhà mời anh rượu, đáp lại thịnh tình, anh uống nhiều, khá nhiều nhưng vì việc ở Hà Nội nên anh không thể nghỉ ngơi thêm. Thế là cả nhà lên xe về. Trời tối loạng choạng. Lê Đình Nguyên vừa say rượu và vừa buốn ngủ. Xe qua đèo Đá Trắng. Không cưỡng lại được cơn buồn ngủ, Lê Đình Nguyên ngủ gật sau tay lái. Và rầm một cái. Cả nhà anh kinh hoàng mở mắt. Lò dò ra cửa xe nhìn xuống thì thấy phía dưới vực thẳm hun hút. Xe anh, kì diệu, được một tảng đá hình con trâu lừng lững khổng lồ ôm lấy, che chắn không cho lao xuống vực. Lê Đình Nguyên thiếu nước quỳ xuống lạy “con trâu đá” đã cứu cả gia đình mình.

Khi về đến Hà Nội, chị Liên xé luôn bằng lái xe của chồng. Còn Lê Đình Nguyên, hơn bao giờ hết, anh hiểu, anh “nợ” LINH VẬT TRÂU một món nợ đời. 

“Tôi mượn trâu để tạo ra tôi”

Là nghệ sỹ tạo hình múa rối nước, Lê Đình Nguyên tắm đẫm trong văn hóa dân gian Việt. Nhưng vì sao lại là trâu chứ không phải con vật khác được anh chọn, vẫn là câu hỏi khiến tôi tò mò. “Tôi mượn trâu để tạo ra tôi – tạo ra Nguyên”. Lê Đình Nguyên lặp lại đến ba lần câu nói này và mỗi lần nói, tay anh chém mạnh xuống khoảng không. Tôi nghĩ thầm “kiêu bạc” nhưng là thứ kiêu bạc cần thiết để sáng tạo nghệ thuật. Sự kiêu bạc của kẻ thực tài. Nó khác hẳn với thói kiêu căng, ngạo mạn, háo danh của những kẻ trống rỗng. Tùy theo mức độ đậm đặc của sự kiêu bạc mà sản phẩm của anh ta riêng biệt/ độc đáo đến mức độ nào.

anh_giua_kho_3-1612878695234.jpg

“Tôi nghe nói anh tạo hình trâu trên cả mảnh bom, mảnh pháo?”. “Đúng thế, cho đến giờ, chắc chỉ mình tôi điêu khắc trâu trên mảnh bom, mảnh pháo. Còn vì sao tôi tạo hình trình trâu từ vỏ bom, đạn chiến tranh, thì nó là đời sống thôi. Thế hệ chúng tôi đã trải qua hai cuộc chiến tranh, hai kỳ đi sơ tán khi giặc Mỹ ném bom xuống Hà Nội. Tuổi thơ của tôi, cảnh đạn bom hằn sâu trong kí ức, không thể quên được... Và chạm vào chiến tranh, gai người lắm, tôi luôn luôn bị cảm giác sởn hết gai ốc khi điêu khắc trâu trên những mảnh bom, mảnh đạn, pháo... Mình tái tạo nó trong đời sống hiện tại, thì trên lưng nó phải là cái gì, và trên lưng những tác phẩm trâu từ mảnh bom đạn pháo ấy là hoa, là chim, tôi nghĩ rằng, ít nhiều mình đã gửi được thông điệp hòa bình”.

“Nghệ thuật phải thể hiện con người nghệ sỹ. Với tôi, mỗi tác phẩm phải có câu chuyện của nó, có ý tưởng, có đời sống của chính mình. Người nghệ sỹ chẳng ai dừng lại ở cái mình đã làm, họ luôn luôn khám phá và khám phá chính mình. Nếu anh dừng lại thì đó là dấu chấm hết. Với tôi, việc khám phá đề tài con trâu này, tôi đã trải qua tất cả các chất liệu. Đầu tiên là gỗ, rồi đến mảnh đạn bom, đạn pháo, tôi khám phá đến chất liệu chưa ai làm đó là thạch cao nha khoa, tôi đẽo bằng tay, tôi nghĩ phải đẽo bằng tay nó mới có hơi thở sự sống. Năm Tân Sửu này, tôi lại làm TRÂU NHÀ  bằng gốm.”

“TRÂU  NGUYÊN” và cảm thức người nghệ sĩ -0

Cùng những lời bộc bạch của anh, tôi chìm sâu trong thế giới trâu trước mắt: Trâu gỗ, trâu bom, trâu pháo, trâu thạch cao, và giờ là trâu gốm. Trên mỗi chất liệu, Lê Đình Nguyên lại kể một câu chuyện khác nhau về trâu. Nhưng câu chuyện nào thì những con trâu ấy vẫn rất “Nguyên”. Những đường nét tạo hình tối giản, khúc chiết. Kiểu tối giản vừa đủ cần thiết, đủ khoảng trống để sự bay bổng, mộc mạc, lãng mạn, hồn hậu “rất Việt” bay lên. Con trâu cổng làng vững chãi nhưng ấm nồng; trâu đàn với mấy phím đàn nằm ngang trên lưng tươi mới và dịu mát; trâu chim với chú sẻ nhỏ đang lích chích bay lên; trâu mục đồng với chú bé thổi sáo nhẹ nhõm,thảnh thơi…

Sắc thắm sơn mài, sắc trắng vỡ rạn của thạch cao trộn trấu/ rơm, sắc vàng lá lộng lẫy kiêu sa, sắc đen óng ả, sắc xanh của loài cánh chả… đắm vào đàn trâu của Lê Đình Nguyên khiến người ta thấy mình đang đắm vào cánh đồng gió bao la với sáo diều vi vút, đắm vào ruộng lúa chín ruộm vàng với lũ chiền chiện vụt bay lên, đắm vào nụ cười của người nông dân mãn nguyện sau thửa cày vừa ý… Nhưng cũng thật kỳ lạ, người ta rất thích mua  những chú TRÂU NGUYÊN để đặt lên phím đàn dương cầm trong những ngôi nhà phố hiện đại, những biệt thự, villa sang chảnh.

“TRÂU  NGUYÊN” và cảm thức người nghệ sĩ -0

Ừ thì nhà Việt, ai lại không muốn có cái hồn Việt trong nhà của mình. Nhưng, điều đáng nói, là những chú TRÂU NGUYÊN ấy, lại rất hợp, vô cùng hợp với không gian hiện đại, sang trọng ấy. Đó chính là cái hơi thở đương đại/ hiện đại mà Lê Đình Nguyên đã thổi được vào những con trâu đậm chất dân gian. Anh đã kết hợp được giữa điêu khắc động và tĩnh. Cái tĩnh tại, yên hòa, mộc mạc của những con trâu làng quê Việt được trộn hòa nhuần nhị trong hơi thở chuyển động của đời sống đương đại.  Nói như cách nói của họa sỹ Thành Chương “...Những tác phẩm về trâu của Nguyên, ý tưởng thật thâm trầm sâu sắc, nghề nghiệp thật điêu luyện vững vàng, mảng miếng hình khối thật tinh tế và độc đáo... Tất cả nhuần nhuyễn hòa quyện thành một không gian điêu khắc rất hiện đại, rất dân tộc mà cũng thật là Nguyên...”.

Hành trình từ một công nhân Nhà máy Y cụ Hà Nội đến một NGUYÊN TRÂU ngày hôm nay, những giọt nước mắt anh rơi trên bàn ăn khi nhắc đến bức vẽ Cô Tấm ngày này, lẽ dĩ nhiên, khiến tôi nghĩ thầm, có nghệ sỹ nào ghét bỏ cái hồn cốt dân tộc mình mà thành danh, bền danh được đâu. Nói một cách văn hoa nhất, không một nghệ sỹ nào có thể lớn lên, trưởng thành, thành tựu nếu không tắm đẫm trong dòng sông văn hóa dân tộc mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

Con người Lê Đình Nguyên ở mọi hoàn cảnh, mọi không gian, trong mọi điều kiện, sự đam mê lúc nào cũng tràn ngập. Và tôi nghĩ chỉ có sự đam mê đến tận cùng, ý thức đến tận cùng với nghệ thuật, ý thức trách nhiệm tận cùng với đời sống mới có thể sinh ra những sản phẩm độc đáo như vậy. Nhìn những con trâu của Lê Đình Nguyên, tôi hoàn toàn bất ngờ và bị đắm chìm trong đó. Những con trâu thân thuộc, tôi là người sinh ra ở làng quê, lớn lên ở làng quê, quá gần gũi với tất cả những con vật đó nhưng đến khi nhìn những con trâu của Lê Đình Nguyên  tôi cảm giác đó như những con trâu thần. Nó tích kiết lại tất cả những điều gì đó không chỉ là con trâu. Nó chứa đựng trong đó văn hoá của làng quê, con người, lịch sử văn hoá lúa nước của Việt Nam mà Lê Đình Nguyên đã làm ra bằng mảng khối của riêng anh.

Bởi thế mà Lê Đình Nguyên đã làm ra một sản phẩm rất độc đáo, trở thành thương hiệu của ông, đó là “Nguyên trâu”.

Họa sỹ Đặng Tuấn:

Các em nhỏ khi đến xem không gian nghệ thuật chỗ tôi rất thích thú với con trâu của Lê Đình Nguyên. Nó không phải là một con trâu đứng nguyên mà có sự chuyển động. Chính sự chuyển động đó đã tạo nên sự tương tác đối với tình cảm người xem. Phải nói là những con trâu của Lê Đình Nguyên vô cùng độc đáo, thấm đẫm chất dân gian rối nước, rất dân tộc nhưng cũng vô cùng hiện đại.

“TRÂU  NGUYÊN” và cảm thức người nghệ sĩ ảnh 6

Ngày xuất bản: 10-02-2021

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH

Nội dung: HẠNH THỦY

Ảnh: TUỆ LINH

TRÌNH BÀY: DUY LONG