Ngày trở về của Đinh Anh Dũng

Thật ra chưa bao giờ anh đi hẳn. Sang định cư ở Mỹ từ hơn một thập niên nay nhưng năm nào Đinh Anh Dũng cũng đi về, có khi năm bữa nửa tháng, có lúc mươi mười lăm tuần. Khi về để thăm nhà, lúc lại nhằm lấy cảnh cho video clip... Nhưng từ tháng 2-2004, anh quyết định về sống và làm việc luôn tại Việt Nam, kết thúc 10 năm “một cảnh hai quê” với quyết tâm nâng cao nghề nghiệp như ước nguyện ngày đầu ra đi. Anh đã học bằng cách tham gia trực tiếp vào kíp làm phim với các trung tâm sản xuất băng nhạc ở Mỹ, Canada với hầu hết là các chuyên gia nước ngoài, đã “hệ thống” lại một cách chuyên nghiệp những gì tự mày mò trước đó về nghề.

Người mở đường phim ca nhạc ở Việt Nam

Là một nhà quay phim trẻ nổi tiếng tài hoa ở phim truyện và tài liệu nhựa vào những năm của thập kỷ 80 nhưng Đinh Anh Dũng lại được coi như là người mở đường cho phong trào làm phim ca nhạc thị trường ở Việt Nam vào những năm đầu thập niên 90 với những tác phẩm ghi đậm dấu ấn như Văn Cao - Giấc mơ một đời người, Trịnh Công Sơn - Xin trả nợ người, Nhớ về Hà Nội, Đoàn Chuẩn - Từ Linh - Gửi gió cho mây ngàn bay, Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật, Nhớ Huế,...

Trong các bộ phim ca nhạc này, dấu ấn của Đinh Anh Dũng chính là sự kết hợp tài tình giữa nét lãng mạn, thăng hoa của phim truyện và tính hiện thực đầy ắp hơi thở cuộc sống của phim tài liệu. Những gì hiện ra trong phim luôn bồng bềnh giữa thực và ảo, giữa có và không, giữa cái giới hạn và sự vô hạn... Đó chính là “đứa con lai” xinh đẹp được sinh ra từ mối tình của năm năm gắn bó với phim tài liệu, trong đó có những bộ phim xuất sắc như Lời cuối (Bông sen bạc Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam năm 1983), Một phần năm mươi giây cuộc đời (Bông sen vàng LHP Việt Nam 1985), Người Công giáo huyện Thống Nhất (Bông sen vàng LHP Việt Nam 1985),... và năm năm quay phim truyện nhựa với những bộ phim tiếng tăm như Gánh xiếc rong (Bông sen bạc LHP Việt Nam 1990), giải Grand Prix ở Tây Ban Nha 1988 và bằng khen tại Italy 1999; Phía sau cuộc chiến (bằng khen LHP Quốc tế Moskva 1990); Xương rồng đen (Bông sen vàng LHP Việt Nam 1993); Lương tâm bé bỏng (Bông sen bạc LHP Việt Nam 1993); Đường trần (giải nhất VIFF - LHP dành cho Việt kiều trên toàn thế giới 2003)...

Tính cách tự tin đến liều lĩnh

Công chúng mới biết đến một Đinh Anh Dũng đạo diễn sân khấu ca nhạc qua chương trình Duyên dáng Việt Nam 14 vào tháng 1-2005 vừa qua, nhưng thực ra, anh đã thử tay nghề trước đó, vào tháng 4-2004 với đêm Đồng dao hòa bình, kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại khu du lịch Bình Quới. Đã từng có nhiều đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ họ Trịnh diễn ra tại đây, song đêm Đồng dao hòa bình của Đinh Anh Dũng đã đem lại cho khán giả một cảm xúc như bồng bềnh, như chông chênh trong thế giới ca từ đầy mong manh của người đã khuất bằng việc tạo nên sự giao thoa giữa một sân khấu cố định trên sông và nhiều sân khấu di động là những chiếc thuyền, những đoạn cầu ngắn.

Thế nhưng khi được mời đạo diễn Duyên dáng Việt Nam 14, Đinh Anh Dũng cũng đã phải mất nhiều đêm suy nghĩ. Từng tổ chức chương trình ca nhạc tại Mỹ, từng thử sức ở Đồng dao hòa bình, nhưng liệu đã đến lúc “ra sông lớn” như Duyên dáng Việt Nam chưa? Và quả là bắt tay vào việc, có lúc anh tưởng như quá sức vì sức ép của công việc, nhất là thời gian tiếp quản điểm diễn quá ngắn nhưng rồi tất cả đã đi qua một cách tốt đẹp, để lại cho anh nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Anh hài lòng với lần thử sức này vì cuối cùng điều đọng lại nơi người xem là cái đẹp về nội dung chứ không phải sự hoành tráng lộng lẫy bên ngoài.

Anh xem Duyên dáng Việt Nam 14 như một bước thành công mới trên con đường mạo hiểm có tính xuyên suốt trong cuộc đời mình: Tự tin một cách liều lĩnh, được ăn cả ngả về không, hoặc là mở ra con đường mới, hoặc sẽ mãi mãi khép lại sự nghiệp. Cũng một cảm giác lo lắng, hồi hộp tương tự như cách đây 18 năm, khi lần đầu tiên anh chuyển từ quay phim tài liệu sang phim truyện nhựa Gánh xiếc rong, mà cơ hội chỉ có được khi đạo diễn Việt Linh đứng ra bảo lãnh cho anh trước hãng phim. Còn khi tự mình đặt viên gạch đầu tiên cho phim ca nhạc thị trường thì anh đã phải mất một thời gian dài thuyết phục, Hãng phim Trẻ mới “liều mình” đồng ý bỏ vốn cho anh thực hiện video clip đầu tiên Văn Cao - Giấc mơ một đời người.

Và giờ đây, khi đang làm nốt những công việc chuẩn bị cuối cùng cho đêm trao giải VTV - Bài hát tôi yêu vào đêm 6-3 tại Nhà hát TP, anh tỏ ra rất tự tin. Nếu như ý tưởng của anh được thể hiện một cách hoàn hảo thì đây sẽ là một ngày hội của nghệ sĩ đoạt giải và của công chúng hâm mộ. Bên trong nhà hát sẽ là một không gian sang trọng, ấm cúng và bên ngoài tiền sảnh với một màn hình lớn khán giả sẽ tham dự trực tiếp vào buổi lễ. Làm sân khấu nhưng phải nghĩ đến hiệu quả của màn ảnh nhỏ, đó là cách làm cho đêm phát giải trực tiếp truyền hình mà anh đang chuẩn bị để đạt được mục đích: Vui vẻ mà sang trọng.

Giấc mơ điện ảnh

Lịch làm việc với các sô diễn, quay video clip của Đinh Anh Dũng từ nay cho đến tháng 5-2005 đã kín, song lý do chính để anh trở về Việt Nam lại là giấc mơ điện ảnh. Sự thành công ở thị trường của bộ phim Gái nhảy đã giúp anh quyết định thời điểm “thu xếp về nước” bởi anh tin rằng điện ảnh Việt Nam sẽ sống lại.

Hiện anh đang có trong tay một số kịch bản của... mình và sẽ tiến hành liên kết làm phim trong năm nay. Có một điều khiến anh vừa ngạc nhiên vừa lo ngại là điện ảnh Việt Nam hiện nay dường như không có... ngôi sao. Một ngôi sao đúng nghĩa phải là một cái tên đủ sức kéo công chúng cho dù họ chưa biết phim ra sao. Sân khấu ca nhạc, kịch nói, cải lương ở nước ta đều có ngôi sao, trừ điện ảnh. Điều này khiến trách nhiệm của đạo diễn nặng nề hơn. Tuy vậy, giấc mơ làm đạo diễn điện ảnh để có cơ hội thể hiện được ý tưởng của mình đang thôi thúc anh mãnh liệt. Anh cười thật tươi khi thú nhận: “Về nước thấy chung quanh mọi cái đều gần gũi, làm được cái mình thích”.

Giải thưởng cá nhân:

- Giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất LHP Việt Nam 1985.

- Giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất LHP TP Hồ Chí Minh 1985.

- Bằng khen quay phim LHP Việt Nam 1988.

- Giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 1990.

- Giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 1993.

- Giải thưởng “10 nghệ sĩ xuất sắc nhất” của TP Hồ Chí Minh 1990 do Báo Tuổi Trẻ bình chọn.

- Giải thưởng Quay phim được yêu thích nhất do Nhà Văn hóa Thanh niên bình chọn 1991.

- Giải thưởng “Nghệ sĩ được yêu thích nhất” do Tạp chí Phim TP Hồ Chí Minh bình chọn (1993).

- Giải Đạo diễn album ca nhạc hay nhất trong năm (1994) do Tạp chí Âm nhạc, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh bình chọn...