Núi cao sự nghiệp càng cao

1 Người già ở nơi “con chim bay bạc đầu mới đến” - xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) còn nhớ lắm cảnh nghèo heo hút nơi này từ hơn hai chục năm về trước. Nghiện ngập, ma túy, thất học bám riết lấy bà con. Bây giờ thì đường sá đã thuận tiện, đời sống bà con phát triển, trẻ em được đến trường. Cụ Lò Văn Khiển, bản Tiền Tiêu giãi bày: “Là nhờ Nhà nước và các anh biên phòng tận tụy xắn tay vào giúp bà con. Người Mông ở đây sống tốt hơn nhiều rồi. Đã được anh biên phòng chỉ cho cách hay trồng cây hoa ly đẹp, bán cho người dưới xuôi…”.

Núi cao sự nghiệp càng cao

Người già trong vùng còn lấy những tấm gương chiến sĩ biên phòng, bám dân, bám bản, làm tốt nhiệm vụ ở Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ra cho con cháu học tập. Nào là phải học các anh để bắt đất, bắt nương đẻ ra tiền, biết cái chữ đi làm thầy cô giáo, rồi còn thi học ở dưới xuôi để thành người có ngôi sao trên mũ và vai áo nữa. Qua trò chuyện với Thượng úy Nguyễn Xuân Hợp, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, anh cho biết đây là địa bàn đặc thù, nhiệm vụ khó khăn, bởi ngoài công tác tuần tra, bảo vệ biên giới, thì có những kỳ cao điểm “đánh” ma túy. Nậm Cắn và cạnh đó là Tà Cạ là địa bàn nóng của huyện Kỳ Sơn về tội phạm ma túy và các vấn đề di, dịch cư trái phép trên 22,5 km đường biên với nước bạn Lào. Đó là chưa kể đến chuyện phải làm sao giúp dân, để đời sống kinh tế, tinh thần của người dân được nâng lên, cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bảo vệ cột mốc, bảo vệ biên giới, nói không với tệ nạn ma túy.

Trong những chuyến công tác, tìm hiểu và sống cùng bà con vùng biên, tình đoàn kết quân dân, tôi thật sự ấn tượng với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải, thuộc xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên). Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 36 km đường biên giới với 14 cột mốc thuộc hai tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Trung Quốc. Địa bàn phụ trách rộng, bao gồm toàn bộ xã Sín Thầu với sáu bản thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, hơn 240 hộ dân, hơn 1.200 nhân khẩu trong đó đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm đến 95%. Cùng với nhiệm vụ của mình, Đồn Biên phòng A Pa Chải đã thành lập các Đội vận động quần chúng nhằm tích cực bám dân, bám bản, bám địa bàn. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Cán bộ, chiến sĩ còn tích cực cùng cán bộ xã, các giáo viên xuống ruộng, lên nương, hướng dẫn bà con cách trồng cây lúa tốt, phòng chống sâu bệnh. Hay hướng dẫn người dân nuôi con bò, con dê sao cho béo tốt. Đó chỉ là vài nét về hai trong số hàng chục đồn biên phòng nơi tận cùng biên ải, có những người lính kiên trung làm nhiệm vụ. Nếu không có tình yêu nước, sự hy sinh thì làm sao có những người lính biên phòng gắn bó hàng chục năm nơi núi thẳm, rừng sâu thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, đấu tranh ngăn chặn vượt biên trái phép, chống lấn chiếm biên giới, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn.

2 Phát huy truyền thống bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề giữ nước, trong đó, xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Và mùa xuân năm 1959 đã lưu một mốc son đáng nhớ trong đường lối chiến lược của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và cũng là mốc son về sự ra đời, trưởng thành của một lực lượng được sinh ra để gắn bó với miền biên ải. Theo Quyết định của Chính phủ, ngày 3-3 hằng năm trở thành Ngày truyền thống BĐBP. Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, nguyên Tư lệnh BĐBP là một trong hơn 600 đại biểu có mặt vào tối ngày 28-3-1959 tại Nhà đấu xảo Hà Nội dự Lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang kể lại: Trong buổi lễ hôm ấy, cả hội trường đã xúc động lặng đi, rồi vỡ òa tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm” khi Bác Hồ tiến vào hội trường. Người nhấn mạnh: “Nơi biên giới, bờ biển, hải đảo, giới tuyến tạm thời là nơi thù trong giặc ngoài chống phá đất nước ta, là nơi nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, là nơi tài nguyên phong phú, biên giới lại tiếp giáp với các nước láng giềng. Từ đó bảo vệ biên giới là rất quan trọng”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho biết: “Ý chí bảo vệ biên giới quốc gia, bảo toàn chủ quyền lãnh thổ của dân tộc mình, thì cha ông ta nghìn xưa cũng đã xác định. Đến khi Đảng ta lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thì Đảng ta luôn tuân theo tinh thần đó, dân tộc ta luôn luôn nghĩ tới vấn đề biên giới quốc gia là phải bảo toàn, phải bảo vệ, không được để mất. Đấy là quan điểm nhất quán, xuyên suốt, nhưng diễn ra trong từng thời kỳ lại có những phương cách khác nhau”.

3 Sau ngày thành lập lực lượng, các chiến sĩ công an nhân dân vũ trang đã tạm biệt đồng bằng, tạm biệt nơi đô hội, gác lại những riêng tư để đến với những bản làng còn nhiều khó khăn lạc hậu trên các đỉnh núi mù sương, vượt trùng dương để cập bến những hòn đảo hoang vu vắng dấu chân người giúp thực hiện nhiệm vụ nòng cốt chuyên trách, xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc.

Thời điểm ấy, toàn bộ đường biên giới, giới tuyến miền bắc dài 3.400 km còn vắng vẻ hoang sơ. Đại tá, nhà văn Trần Hữu Tòng, nguyên chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đồn Cầu Treo (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Ngày đấy biên giới xa xôi và nhiều nguy hiểm lắm. Ba-ri-e chắn cổng biên giới chỉ là một thanh tre, còn đồn trạm được dựng bằng gỗ, mái lợp lá gồi. Đồng đội của tôi đã có rất nhiều người hy sinh vì sốt rét và sơn lam chướng khí, có người bị tai nạn khi đi tuần tra trên những đỉnh núi cheo leo, có người bị thú rừng tấn công… Nhưng đời chiến sĩ lúc nào cũng lạc quan, tin tưởng. Có lần đang gác biên, có con hổ đuổi một con nai từ rừng Lào sang đất của ta, con nai bị mắc vào ba-ri-e chắn biên giới, chúng tôi mở để cho nó chạy thoát vào phía rừng Nước Sốt. Từ đó, mỗi sáng con nai lại tác một hồi dài lảnh lót. Chúng tôi bảo nhau, anh em ơi, nó chào buổi sáng chúng mình đấy”.

Đại tá Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Cục trinh sát BĐBP còn nhớ như in những tháng ngày làm giáo viên huấn luyện nghiệp vụ trinh sát cho các sĩ quan trẻ chuẩn bị lên đường tiễu trừ thổ phỉ và bắt gián điệp biệt kích. Trên thao trường những năm đầu thành lập ấy đã diễn ra biết bao hoạt động huấn luyện quân sự, trau dồi kỹ thuật, chiến thuật biên phòng. Những màn trình diễn hấp dẫn, tài tình của các đơn vị cơ sở như bắn súng quân dụng các loại, bơi đường dài, vượt chướng ngại vật tổng hợp cùng những kỹ thuật, chiến thuật riêng của lực lượng công an nhân dân vũ trang như điều khiển ngựa chiến, chim đưa thư, cảnh khuyển… hay các pha võ thuật, vượt tường lửa, đu dây ngoạn mục.

4 Là phóng viên bám rừng, bám biên cương, rồi cùng tìm hiểu và làm loạt phim “Những trang sử biên thùy”, tham gia bao hành trình cùng người lính biên phòng, tôi càng thấy yêu hơn chất từng trải phong sương của chiến sĩ quân hàm xanh. Cương vực giang sơn không bao giờ vắng bóng họ. Lặng lẽ, bền bỉ bên cột mốc chủ quyền, gắn bó, hết lòng với người dân biên giới. Ở các địa bàn vùng sâu, vùng cao biên giới, thời tiết khắc nghiệt, giao thông khó khăn, điều kiện công tác còn nhiều thiếu thốn. Cán bộ chiến sĩ ta đã phát huy tinh thần chủ động, tự lực cánh sinh, dùng vật liệu tại chỗ xây dựng doanh trại, nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở. Trong gian khó, lòng người thêm bền gan vững chí. Từ vùng đất Mường Tè heo hút đến dãy Tây Côn Lĩnh quanh năm mây phủ; từ đỉnh Mã Pí Lèng cực Bắc xuôi phương Nam đến Phùng Khen, Cà Ròn, Nước Sốt… ở đâu cũng có dấu chân những người chiến sĩ quân hàm xanh.

Trong xây dựng đời sống mới, phòng, chống tệ nạn xã hội... thì người lính biên phòng vừa là người tham mưu cho địa phương, vừa là người cầm tay chỉ việc cho dân. Ở các điểm nóng vận chuyển, buôn bán ma túy, người lính biên phòng luôn đương đầu với sự hiểm nguy rình rập không lường hết. Vừa kiên trì vận động nhân dân thấy rõ đúng sai, vừa kiên quyết, khôn khéo chống lại bọn buôn bán ma túy. Đã có những người lính biên phòng anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ truy bắt bọn tội phạm buôn bán ma túy.

Lúc này, trên hành trình về vùng cao Sơn La, gặp gỡ những người lính bảo vệ biên cương, tôi bồi hồi nhớ những câu trong ca khúc Em và sắc trời biên giới của nhạc sĩ Văn Dung: “Chiến sĩ ghìm cương ngựa, vuốt đầm mồ hôi/ Cất cao đầu ngựa hí giữa núi non lưng trời/ Nghe tiếng ngựa về qua, bản làng lòng hân hoan/ Vui đón mùa xuân sang đồi nương tràn nắng ấm/ Tiếng ai hát ru từ những bản làng...”. Du dương, lãng mạn. Lời ca nói về những hình ảnh tuyệt đẹp về người lính biên phòng trong cuộc sống thường nhật gắn bó với biên cương. Những hình ảnh thân thương như thế đã tạo niềm cảm hứng cho biết bao văn nghệ sĩ, làm nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Và tôi hiểu, các anh cùng đồng đội mình vẫn chắc tay súng, canh giữ đất trời, bảo vệ non xanh nước biếc, tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông ta.