Giống dưa đỏ của má Tư

Dễ có đến hơn 20 năm tôi mới có dịp trở lại đất Nam Bộ công tác. Thời tiết đã vào đông, trong khi ở ngoài bắc nhiều nơi nhiệt độ ban ngày xuống dưới 10oC, thì ở Nam Bộ nắng vẫn chan hòa. Nếu không có những đợt gió chướng thổi qua những cánh đồng vàng ruộm lúa chín, hoặc từng đàn én tránh cái lạnh phương bắc mải miết bay về biển tây, thì người ta không biết là sắp đến Tết.

Giống dưa đỏ của má Tư

Tàu xe những ngày giáp Tết bao giờ cũng đông đúc. Dù những năm gần đây, ở đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều cây cầu hiện đại trên các quốc lộ như: cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống, cầu Rạch Miễu… nhưng đâu đó vẫn xảy ra ùn tắc cục bộ vì phương tiện giao thông tăng lên quá nhanh.

Xe từ thành phố về các tỉnh miền Tây Nam Bộ những ngày giáp Tết thường chở chủ yếu là đồ gia dụng, đồ điện, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ngược lại, xe miền Tây Nam Bộ lên thành phố luôn đầy rau, củ, trái cây, hoa, cây cảnh... Nhìn những trái dưa hấu mầu xanh sẫm xếp thành đống bên vệ đường đang được những người nông dân chịu thương chịu khó nhẹ nhàng xếp lên xe, bất giác trong tôi lại nôn nao nhớ về một kỷ niệm không thể nào quên thời chiến tranh.

Chuyện xảy ra vào những ngày giáp Tết năm 1972. Lần ấy tôi và Hải cùng đội trinh sát của Trung đoàn 1 - U Minh có nhiệm vụ điều nghiên chi khu Quang Phong trên kênh xáng Phụng Hiệp (Cần Thơ) chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới. Sau nhiều đêm theo dõi hoạt động của địch, đêm thứ tư chúng tôi đã luồn qua 11 lớp rào thép gai, vào được bên trong chi khu, đếm từng lô cốt, hầm chỉ huy, trận địa pháo địch. Màn đêm chuyển dần về sáng, các mũi trinh sát bắt đầu quay ra, không may có ai đó ở tổ bên trái vướng phải mìn. Tiếng nổ chói gắt. Ánh sáng chói chang, bung tỏa, rợn người và cây cỏ. Chúng tôi nằm như dán vào đất, bất động. Sau phút bàng hoàng, bọn địch trong chi khu bắn như vãi đạn ra bốn phía. Hai chúng tôi bò nhanh ra đến lớp rào ngoài cùng thì một viên đạn AR15 xuyên qua đùi trái của Hải. Máu từ vết thương chảy ra ướt sũng chiếc quần "xà lỏn" mà Hải đang mặc. Tôi dìu Hải ra mé kênh, rồi cả hai nhào xuống nước để tránh đạn. Băng vội vết thương cho Hải (rất may là viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm, không chạm vào xương), rồi cứ thế tôi dìu đồng đội "long" kênh cố vượt ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cách chi khu chừng hai cây số về phía tây là dãy chòi do người dân dựng tạm ngay bên bờ kênh. Tôi dìu Hải đến đấy, rồi tìm cách bơi sang bờ bên kia. Qua bên đó, chúng tôi lẩn vào những vạt dừa nước lúp xúp, tìm đường về đơn vị.

Trời sáng, bọn địch từ trong chi khu bung ra lùng sục, càn quét. Một nhóm địch hình như đã phát hiện dấu vết của chúng tôi, nên chúng hò hét nhau đuổi theo. Khoảng cách giữa chúng tôi với bọn lính địch mỗi lúc một gần. Ðang loay hoay đỡ Hải xuống kênh Cả Ðỉa để dìu anh qua bờ bên kia thì một bà già bất ngờ xuất hiện. Tôi chưa kịp định thần thì bà chạy lại nắm tay tôi kéo vào chòi và đẩy cả hai xuống một chiếc hầm bí mật được làm sẵn ngay dưới bàn thờ. Giọng bà nhỏ nhưng dứt khoát như một mệnh lệnh: "Lẹ đi". Với thói quen của lính trinh sát, trước khi bà già đậy nắp hầm, tôi đã kịp quan sát địa hình, địa vật chung quanh. Tôi đặc biệt chú ý đến một quả dưa hấu khá to đặt trên bàn thờ được làm rất sơ sài.

Không gian tĩnh lặng quá. Ở trong hầm, chúng tôi nghe rõ cả tiếng đập thình thịch của trái tim mình.

Những giây phút nặng nề trôi qua. Hai chúng tôi ở dưới hầm chừng năm phút thì nhóm lính ập đến. Chúng quát tháo, đập phá tất cả những gì trong chòi. Từ dưới hầm tôi nghe rất rõ bọn lính tra hỏi bà già. Chúng tôi lặng người khi biết rằng bà già đã lấy cớ chặt phải tay khi làm cá để hợp lý hóa vệt máu từ vết thương của Hải còn vương trên nền đất.

Vì giữ bí mật cho chiến dịch nên chúng tôi không được phép nổ súng giải thoát cho bà già. Sau một hồi tra khảo, phá phách không tìm được gì, bọn lính bắn vu vơ và ném lựu đạn xuống kênh rồi bắt bà già đưa về chi khu. Ðịch vừa đi khỏi, hai chúng tôi bật nắp hầm chui lên. Trước mắt chúng tôi là cảnh tan hoang, đổ vỡ. Quả dưa hấu bị rơi xuống đất vỡ thành nhiều mảnh, bắn tung tóe. Ruột dưa hấu đỏ tươi, óng ánh lẫn vào đất cát.

Giáp Tết năm đó, đơn vị chúng tôi đã tiêu diệt chi khu Quang Phong, mở ra khu giải phóng liên hoàn từ Phụng Hiệp đến Long Mỹ, ra sát vùng ven thành phố Cần Thơ. Vì chiến dịch liên miên, mãi sau ngày giải phóng 30-4-1975, tôi và Hải mới có dịp trở lại kênh Cả Ðỉa để tạ ơn người đã cứu mình năm trước. Nhưng hai bên bờ kênh không còn chiếc chòi nào, thay vào đó là những liếp rẫy trồng hoa màu. Bà con nơi đây trồng chủ yếu là dưa hấu. Hỏi chuyện những người làm rẫy nhưng không ai biết về người đàn bà lớn tuổi như chúng tôi kể. Nhưng có một câu chuyện được truyền tụng trong xóm ấp như một truyền thuyết.

Truyện kể rằng: Có một bà già kênh Cả Ðỉa đã tự chặt vào tay mình để cứu hai chiến sĩ giải phóng. Không ai biết tên thật bà là gì, từ đâu tới, chỉ biết bà là con thứ tư trong một gia đình, nên thường được gọi là bà Tư, bác Tư, má Tư. Bà đến vùng này nửa năm thì bị địch bắt. Có người hàng xóm trên kênh Cả Ðỉa này cho biết, không hiểu vì lý do gì mà trên bàn thờ nhà bà Tư bao giờ cũng có quả dưa hấu to. Hôm bà bị địch bắt, nhóm lính đập phá bàn thờ, quả dưa hấu rơi xuống vỡ tung tóe, hạt của nó văng ra chung quanh. Thật kỳ lạ, một thời gian sau những hạt dưa đó nảy mầm, lớn nhanh tạo thành một bãi dưa xanh tốt, ra hoa kết trái. Bãi dưa có tới hàng trăm quả, có quả nặng tới năm, sáu cân. Ðây là loại dưa có vỏ mầu xanh sậm, khi bổ ra ruột đỏ tươi, óng ánh, ăn rất ngọt và mát. Bà con coi đó là giống dưa quý nên lấy hạt dành cho vụ sau. Bây giờ cả vùng đều trồng giống dưa quý này.

Gần 40 năm kể từ ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đây là lần thứ hai tôi mới có dịp trở lại kênh Cả Ðỉa. Cảnh vật thay đổi rất nhiều. Ðường ô-tô đã về đến các thôn ấp. Ðêm đến điện sáng rực hai bên bờ kênh. Nhiều nhà mái bằng kiên cố đã mọc lên, nhà nào nhà nấy đều có ti-vi. Tôi đến gặp các đồng chí cán bộ địa phương, rồi về kênh Cả Ðỉa để hỏi thăm với hy vọng có thể tìm được người mẹ năm xưa đã cứu mình thì được biết, sau năm 1982, một đoàn cán bộ của Cục Chính sách -
Bộ Quốc phòng, cùng Phòng Chính sách của Quân khu 9 về đây làm việc, sau đó chính quyền địa phương được thông báo, bà Tư là cán bộ của Khu ủy đưa xuống nằm vùng để gây cơ sở cách mạng. Sau khi bị bắt, trước những đòn tra tấn dã man của địch, bà đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Phú Quốc. Năm 1995, bà Tư được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Biết được câu chuyện về bà Tư, tôi thấy lòng mình phần nào vơi đi nỗi dằn vặt, trăn trở bấy lâu.

Tôi đứng hồi lâu trên nền đất cũ, rồi mua một quả dưa ở rẫy gần đó đặt vào vị trí tôi đoán là căn chòi năm xưa, thắp nén hương. Khói hương quấn quýt quanh quả dưa rồi tan vào không khí. Trước mắt tôi là hình ảnh bà mẹ năm xưa đang lấy hết sức lực mở nắp hầm bí mật rồi đẩy chúng tôi xuống. Rồi cảnh địch tra khảo…

Trên kênh nước đang lớn. Từng chiếc xuồng chất đầy dưa hấu từ các rẫy hai bên bờ kênh Cả Ðỉa rẽ nước xuôi dòng, để lại phía sau những đám lục bình đầy hoa tím dập dềnh. Bất giác tôi nghĩ, Tết này trên mâm ngũ quả của nhiều gia đình sẽ có một quả dưa hấu được trồng tại kênh Cả Ðỉa - giống dưa vỏ mầu xanh sậm, giống dưa quý của một bà mẹ Anh hùng.