Mùa hoa bần đã qua

NDO - Gần ba mươi năm rồi tôi mới gặp lại chị. Chị là người bà con bên họ ngoại nhà tôi. Vai vế trong họ, tôi ở hàng dưới. Ngày xưa, trong con mắt lũ trai chớm lớn chúng tôi, chị Hảo xinh lắm. Mà chị xinh thật, vừa xinh vừa ngoan. Dân mấy làng ven suốt dọc bờ sông từ Lộc Thọ, Cổ Ðan đến Lịch Hạ, Lịch Thượng đều phải công nhận chị là người con gái thùy mị và đoan trang nhất vùng.

Trai làng trên xóm dưới mỗi lần giáp mặt chị là trống ngực thì thùm. Có mấy đám đánh tiếng 'xin' chị về làm dâu nhà họ nhưng chị Hảo đã có nơi, có chốn từ lâu. Trái tim cô thôn nữ xứ đồng chua nước mặn ấy đã gửi cho một người con trai đang ở nơi phương trời bom đạn. Ðó là anh Thanh, người bạn trai từ thuở mò cua bắt ốc của chị. Hồi đó, nhà chị Hảo ở gần bờ sông, đoạn bến đò Cổ Ðan. Mỗi lần giong trâu ra bãi, tôi vẫn thường ghé vào cái lu bên hàng hiên nhà chị vục cái gáo được gò từ mảnh đuy-ra máy bay Mỹ bị dân quân bắn cháy dạo nọ tu nước lã ừng ực. Có bữa, chị Hảo còn giúi theo cho trái ổi mơ mơ hay củ khoai lang mới luộc còn nóng hôi hổi...

Thế rồi, chị đi biền biệt, tôi cũng ly hương. Gần ba mươi năm. Một chiều TP Hồ Chí Minh, chị em ngồi hàn huyên chuyện cũ. Chị Hảo rưng rưng:

- Nhớ lắm cậu ạ! Nhớ như điên như dại ấy!...Tóc đã chớm pha sương rồi mà chị vẫn hồi tưởng như in từng dấu chân trên bãi bồi thuở ấy. Có đêm chị nằm mơ đang cùng đám bạn chèo xuồng vào rừng bần nhặt củi, leo cây hái trái, ngắt hoa rồi rơi tõm xuống nước, cười nắc nẻ...

Thời gian trôi thật mau. Tôi còn nhớ, ngày đó anh Thanh từ chiến trường về và anh chị tổ chức lễ cưới. Cả hôn trường hôm đó tràn ngập trong mầu phớt tím tinh khiết và mùi hương thanh tao, ngọt ngào của hoa bần. Những người bạn gái của chị Hảo đã từ sáng vào rừng chọn những cành hoa bần đẹp nhất về cắm đầy khoảng sân làm quà vu quy cho người bạn gái quê. Thế rồi, sau đám cưới mấy năm chị Hảo khăn gói theo chồng vào miền Nam, anh Thanh xuất ngũ chuyển ngành và lập cư trong đó...

Câu chuyện trở về ký ức và cái đám cưới rực mầu hoa bần của người chị họ hơn hai mươi năm trước đã thức dậy trong tôi nỗi nhớ cố hương, nhớ rừng bần da diết. Hơn hai mươi năm, những cánh rừng nước mặn quê nhà cũng đã trải qua bao mùa thay lá, biết bao mùa hoa nở, trái tàn.

*

* *

Làng tôi tên cổ là làng Kiều, tục gọi làng Mộc, nhưng từ xưa có thầy khóa hay chữ nào đó đã đặt cho làng cái 'đại tự' là Lịch Thượng. Làng nghèo truyền kiếp mà cái tên thì kêu rõ to, vang còn hơn cả chuông chùa làng Lộc Thọ kế bên. Ông già Vương Phong, người giỏi chữ Hán nhất làng, buồn bã triết lý:

- Tại làng mình có rừng bần vây tứ phía nên đời cha cho chí đời con cứ là nghèo kiết xác. Cái chữ 'bần' nó hãm mất đó mà...

Làng tôi hồi đó nghèo thật. Cái nghèo của làng chia đều cho tất cả mọi gia đình, không chỉ riêng nhà nào. Lũ trẻ chân đất đầu trần chúng tôi đã chịu cái cảnh nghèo chung ấy suốt những tháng năm dài thơ ấu, suốt những tháng năm dài của tuổi ăn tuổi chơi. Ðó là khoảng thời gian lê thê của thời bao cấp cộng với tiếng bom đạn ì ùng của những năm cuối cả nước cùng đánh Mỹ. Sự hồn nhiên, chân chất và cái dáng nét già lụ khụ trước tuổi của mỗi đứa cũng được hình thành trên cái nền đất lam lũ và hiểm nguy gian khó của quê nghèo trong thời chiến tranh.

Sông Lam bắt nguồn từ cao nguyên Xiêng Khoảng với tên gọi trên đầu nguồn là sông Cả do hợp lưu hai dòng nhánh Nậm Mộ và Nậm Nơm của nước bạn Lào mà thành. Sông Lam chảy đến đoạn quê tôi thì nở mình ra, giang rộng vòng tay trước khi xuôi ra Biển Ðông theo cửa Hội Thống. Ðoạn sông ấy đẹp và bình yên vô cùng, trải đôi bờ mờ xa ngát mắt. Bên tả ngạn và hữu ngạn của sông là hai dãy đê sừng sững. Quê tôi bên hữu, còn bên tả là huyện Nghi Xuân nức tiếng xưa nay bởi có dòng họ Nguyễn ở làng Tiên Ðiền. Theo di thư để lại, đại thi hào Nguyễn Du từng có những buổi chiều thơ thẩn phía bờ sông bên ấy để nghe nỗi lòng của đồ điếu, ngư tiều, tìm tiếng nói của ngô khoai kê đỗ, của thập loại chúng sinh nhằm mang hơi thở bình dân vào những áng văn chương. Ðó là chuyện từ thuở xưa lắm rồi. Chuyện gần gần là thời mà lũ chúng tôi chớm lớn. Ngoài bờ đê, không biết hình thành tự khi nào những đầm lầy tự nhiên, có lẽ là tự rất lâu, trước khi người ta đắp con đê to lớn này, mà đê thì đã có từ thời cụ Trương Khuông, ông cố nội của thằng Tý Ngụ bạn học cùng lớp với tôi còn làm lý trưởng. Chạy dài theo chân đê là những cánh rừng nước mặn xanh ngút mắt, rậm rạp và âm u. Những cánh rừng hoang sơ, cổ thụ ấy đã đẻ ra vô số những câu chuyện ma quái. Những tình tiết rùng rợn nhưng đầy hấp lực trong những câu chuyện kể của cố Cu Bòng vào những đêm mưa gió ấy đã ám ảnh lũ trẻ chúng tôi suốt cả thời niên thiếu. Những gương mặt Cố Bợ, Ðức Thánh Thượng, ma Rắn làng Ðăng cứ theo chúng tôi vào mỗi giấc ngủ. Rừng nước mặn xanh ngút mắt, màu xanh của cánh rừng mãi đậm in trong tâm trí, tái tê lòng người tha hương trong xúc cảm hoài niệm. Cánh rừng giữa đầm lầy lam lũ là chứng nhân của những phận đời, của làng quê qua những 'thăng trầm, biến vi', dù nó chỉ là cánh rừng tự nhiên ngày hai bận đón đưa thuỷ triều lên xuống. Trên nền phù sa cổ, trên nền bùn ẩm ướt và đặc dày lớp lớp lá mục là hàng trăm loài sinh vật lớn nhỏ chen chúc nhau vươn lên tìm ánh sáng mặt trời. Nổi bật nhất trong đám hỗn sinh ấy là cây bần. Cây bần lạ lắm. Có lẽ nó là một trong những loài cây có sức sống dẻo dai nhất, khó có loài nào bì kịp. So sánh với bần chăng chỉ có thể là cây tràm, cây đước, cây mắm, sú vẹt trong vùng ngập mặn cuối đất Nam Bộ. Gốc rễ cây bần cắm rất sâu trong lòng bùn đất, thân cây loang lổ những vảy địa y và vô số rong rêu vày bám cùng với bao nhiêu vết thương phủ dày năm tháng thành những hang động giữa thân cổ thụ. Những hang hốc dày đặc trên thân cây là nơi trú ngụ cho các loài động vật đầm lầy: nào tôm cá, nào lươn lệch, nào rắn, nào chim... Hàng triệu triệu cành cây giao nhau, hàng triệu triệu chiếc lá đung đưa rì rào với gió, với bão, với mưa, với nắng. Từ bùn đọng nước hôi, loài cây ấy đã nở ra một loài hoa đẹp một cách lạ lùng, cái đẹp thanh khiết tinh khôi đến nao lòng. Hoài niệm cố hương, trong tôi luôn thổn thức, ám ảnh bởi những cánh hoa bần. Những cánh hoa mỏng manh, khiêm nhường nép mình sau tán lá rậm rì. Những nụ hoa luôn chập chờn bướm ong, tỏa một mùi hương đằm thắm và ngọt ngào. Sau những ngày khai hoa, đến ngày bần kết trái. Trái bần khi còn mơ có vị chua thanh, lúc chín rục thì chuyển sang vị ngọt, ngọt lừng như được ủ men. Một điều rất lạ là trái bần lúc còn non cũng như lúc đã chín vẫn giữ một mầu vỏ xanh đậm, không hề chuyển mầu như nhiều loài hoa quả khác. Lũ trẻ chăn trâu chúng tôi gọi trái bần một cách sang trọng là 'cam nước mặn'. Ðó là thứ quà mà thiên nhiên, đất lành quê hương ban tặng cho những đứa trẻ lấm lem ở một chốn quê lam lũ, khó nghèo. Cứ thế, những mùa hoa bần đi qua là tuổi chúng tôi lại được đếm thêm. Lũ trẻ của ngày xưa ấy đã trở thành người lớn tự lúc nào không biết...

*

* *

Ký ức của tôi gắn với những cánh rừng nước mặn giữa đầm lầy ngằn ngặt lá xanh, triền miên hoa tím. Ðã biết bao đêm thị thành thao thức nhớ âm thanh những bàn chân trần úp đất rộn ràng quãng đường đê mở dần buổi bình minh của cố hương xa xăm. Những bàn chân trần nghèo khó suốt một thời mở mắt là hướng về rừng bần, tìm về nơi đó như tìm về với hy vọng cuối cùng cho những cuộc mưu sinh đằng đẵng của trần ai gian khó. Với tôi, có lẽ ám ảnh gây nhiều thổn thức nhất là những ngọn gió. Cái gió hoang hoải thổi suốt một thời thơ dại. Gió thổi như thể hiện khát khao từ ngàn đời nay được thổi. Gió nằng nặng trên mình những gian lao trong hành trình của những ráng phù sa ngầu đỏ xuôi về từ đại ngàn xa thẳm. Gió ngai ngái mùi bùn non chắt chiu từ đời sống phồn sinh. Gió vờn theo tiếng chim lạc bầy khắc khoải cuối khuya. Gió mang mang sẻ chia với những phút giây hạnh phúc, cảm thông và làm nhẹ vơi những nỗi phiền muộn của người. Làm sao tôi có thể quên cơn gió man dại, đam mê và nghĩa tình ấy!

Ngày ấy, tôi và bạn bè thơ ấu của tôi đã lấy bến sông quê và cánh rừng bần ngập mặn làm 'công viên' thực sự cho tuổi thơ nghèo khó, thiếu thốn nhưng đầy ắp hình ảnh thiên nhiên của mình. Trong cái nắng của trưa hè, dòng nước sông quê đã lau nước mắt và ban tặng cho chúng tôi những tâm hồn mãi mãi tươi lành, khoáng đạt và trẻ trung. Cái lạnh của cơn mưa chiều đông rây hạt trên sông đã giúp chúng tôi cứng cáp thêm khi phải đối diện với những bất trắc của cuộc đời. Ðôi bờ sông và những cánh rừng xanh mênh mang trải dài trong gió và nắng, trong mưa lũ và bão tố đã nuôi trong mỗi chúng tôi niềm khát khao đến với những chân trời mới lạ. Ký ức tuổi thơ của tôi và bè bạn ngày xưa mãi mãi lưu vào cổ tích và cùng giang những cánh tay vờn sóng với lũ trẻ hôm nay trong buổi chiều bình yên. Những ngọn gió không bao giờ đổi hướng, vẫn thủy chung và nghĩa tình. Gió cũng rưng rưng theo cảm thức của người hồi niệm...

Câu chuyện của chị Hảo, người chị họ giữa đất phương nam trong buổi chiều cuối năm cùng với những kỷ niệm của một thời thơ ấu đã đưa bước chân tôi về tìm lại dấu xưa, tìm lại rừng bần cố hương, tìm lại mầu xanh của lá, mầu tím của hoa, hương vị của trái và biết bao kỷ niệm ngọt lành. Biết bao mùa rừng bần thay lá mới, vậy mà giờ đây người con đi xa mới tìm lối cũ quay về. Ngày tôi về bên bến sông quê, bạn bè thuở chân đất đầu trần đã mười phương phiêu bạt. Tôi men theo những bậc đá xanh rêu xuống bến và chợt nhận ra bóng dáng thật sự của mình khi soi gương mặt đã lắm vết chân chim xuống dòng nước trong xanh. Ánh mắt của sông lấp lóa một nỗi trách hờn. Gió vẫn triền miên thổi suốt triền đê và những ngọn cỏ lau phất phơ như hiện ra từ chốn Liêu Trai man man kể về những năm tháng cũ. Tôi lặng mình trước bến. Rừng bần ngày xưa bây giờ còn đâu?! Mầu hoa phớt trắng tinh khiết bây giờ còn đâu?! Lũ trẻ hôm nay có còn sung sướng với hương vị những trái bần chắt chiu từ muối biển và bùn non? Thế gian biến cải. Vật đổi sao dời. Âu đó cũng là lẽ thường tình theo dòng thời gian. Bước chân tôi như lạc vào một vùng đất lạ, không còn nhận ra nổi hình bóng của rừng bần cổ thụ ngày xưa. Ngày xưa, rừng chở che, rừng chung thủy với người bởi những cuộc mưu sinh nghèo khó, bởi những kỷ niệm chung của một thời khốc liệt, của nghèo đói và chiến tranh. Rừng là chứng nhân của lịch sử làng quê. Thế mà, rừng ơi! Tôi rưng rưng dõi mắt về miền xa vắng, thao thiết gọi rừng và gọi tên của bạn bè một thuở...

Rừng cũ còn đâu! Không gian cổ tích, nơi lưu giữ những kỷ niệm thơ ấu còn đâu! Những ô vuông nối tiếp những ô vuông. Rừng bần một thuở đã nhường chỗ cho những hồ nuôi tôm nối nhau san sát. Quê tôi đã thoát nghèo. Nhiều người dân quê đã trở nên giàu có từ nghề nuôi tôm siêu lợi nhuận. Cái cách nói chữ ngày xưa của ông giáo già Vương Phong quả thật đã trở nên lạc hậu, đã lùi về ký ức. Làng tôi không còn bị vây hãm bởi những cánh rừng bần tứ phía nữa, và làng cũng chẳng còn 'bần'. Tôi mừng cho quê mà lại rưng rưng.

Biết chuyện bây giờ, chắc chị Hảo - người chị họ tha phương của tôi - cũng sẽ có tâm trạng giống tôi. Giữa âm thanh rộn ràng của tiếng máy bơm sình sịch, tiếng reo vui của mẻ lưới nặng tôm, tiếng í ới bán mua, tôi trở thành người xa lạ trong không gian biến cải. Ði giữa quê hương mà lòng da diết nhớ một thuở quê hương. Tôi thổn thức về những ngày quá vãng. Gặp ngọn gió đi hoang bên triền đê lồng lồng, chợt thương đến nao lòng những cánh hoa bần phớt tím một sắc mầu tinh khôi. Những cánh hoa của ký ức thơ ngây không còn nơi để nở thêm một lần nào nữa trong đời...