Tiền bóng đá chảy về chỗ trũng VFF

NDO -

NDĐT- Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới ký với nhà tài trợ thứ 12, nhưng nhiều nơi ở bóng đá Việt Nam đang “đói”.

Các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo liên tục đón nhận các nhà tài trợ. (Ảnh: VFF)
Các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang Seo liên tục đón nhận các nhà tài trợ. (Ảnh: VFF)

Có 12 nhãn hàng doanh nghiệp đang tài trợ cho VFF là kỷ lục của bóng đá Việt Nam. Thời điểm trước 2018, chỉ có dăm ba nhà tài trợ. Và như sau chức vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên cách đây hơn chục năm (2008), số nhà tài trợ lúc đó cũng chưa bằng một nửa bây giờ. 12 nhà tài trợ có thể mang lại cho đội tuyển hàng triệu USD mỗi năm, vì VFF chia ra nhiều gói tài trợ, thấp nhất khoảng 200 nghìn USD/năm. 12 nhà tài trợ cho một Liên đoàn cũng có thể là chuyện lạ về số lượng của bóng đá thế giới, vốn thường giới hạn khoảng bảy đến 10 nhà tài trợ.

Năm 2018, doanh thu của VFF là 240 tỷ đồng, cũng là một kỷ lục khác của bóng đá Việt, gấp 1,5 lần so mục tiêu đặt ra đầu năm.

Các đội tuyển, dẫn đầu bởi đội tuyển quốc gia, đội U23 và cả đội tuyển nữ do VFF sở hữu bản quyền hình ảnh, đã tạo ra sức hút tự thân, vượt lên mọi thách thức và đối thủ khác của bóng đá Việt. Các kỷ lục về tài chính nói trên đạt được khi VFF vẫn đang khuyết chức Phó Chủ tịch phụ trách tài trợ. Và các CLB ở V-League ngay từ trước khi có đại dịch Covid-19 đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ.

CLB Hà Nội với kỷ lục năm lần vô địch V-League trong mười năm đã không tìm được nhà tài trợ chính và tài trợ áo đấu cho mùa giải 2020. Đội bóng này vừa mới yêu cầu các cầu thủ (trong đó có nhiều ngôi sao đội tuyển) phải chia sẻ tiền quảng cáo trên mạng xã hội cho đội bóng. CLB giàu truyền thống Sông Lam Nghệ An chỉ có thể "bấu víu" vào nhà tài trợ truyền thống Ngân hàng Bắc Á sau khi An Thịnh Phát từng chi cho họ 20 tỷ mùa 2019 đã chia tay. Thậm chí V-League cũng chia tay nhà tài trợ chính thức của mùa giải 2019 là Masan, và dựa vào chính doanh nghiệp LS của ông Trần Anh Tú, Tổng Giám đốc các giải đấu chuyên nghiệp VPF.

Cán cân của tài trợ giữa giải VĐQG với các đội tuyển như vậy chỉ là 1-5 đến 1-6, trong khi với các nền bóng đá phát triển thì ngược lại. Chẳng hạn, Ngoại hạng Anh mùa 2018-2019 chia cho 20 CLB khoảng 1,2 tỷ bảng tiền tài trợ thương mại (chưa tính bản quyền truyền hình), trong khi Liên đoàn bóng đá Anh cùng thời gian chỉ gọi được 65 triệu bảng tiền tài trợ (theo trang chủ Premier League và Sport Promedia). Như vậy, thực tế cho thấy sự phát triển của bóng đá không diễn ra một cách đồng đều trên các khía cạnh chuyên môn, hình ảnh, thương hiệu.

Nếu coi cả nền bóng đá Việt như một cái cây, thì hiện tại, người ta chỉ thích bón phân tưới nước cho phần ngọn - các đội tuyển, chứ không phải là phần gốc rễ - các CLB và các giải vô địch (hạng Nhất, V-League và Cúp Quốc gia). Không thể trách các thương hiệu đến với bóng đá vì chiến lược để phục vụ lợi ích doanh nghiệp. Nó chỉ được xem là thách thức cho các giải VĐGQ và các CLB.