Diễn đàn chủ nhật

Giữ vững vị thế của bóng đá Việt Nam

Đoạt Huy chương vàng bóng đá nam SEA Games sau nhiều chờ đợi và lần thứ sáu đăng quang ngôi vô địch bóng đá nữ của đại hội thể thao khu vực, bóng đá Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ.

Điều này rõ nhất ở bóng đá nam khi các đội tuyển nước ta lần lượt giành ngôi Á quân Giải bóng đá U23 châu Á 2018, lọt vào bán kết bóng đá Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 2018, đoạt ngôi vô địch Đông - Nam Á - AFF Suzuki Cup 2018 và gần đây nhất là đứng đầu bảng đấu ở lượt đi vòng loại thứ hai World Cup 2020 khu vực châu Á. Riêng đội tuyển bóng đá nữ vừa thăng hạng 6 châu Á và 32 thế giới trên bảng xếp hạng của FIFA.

Nếu nhìn lại cách đây hơn hai năm, khó ai có thể nghĩ tới những thành tích vang dội như vậy của các đội tuyển bóng đá nước nhà. Ở thời điểm SEA Games 29 năm 2017, U22 của chúng ta đã bị loại ở vòng bảng. Trước đó nữa là một thời kỳ dài thành tích phập phù, lên, xuống, cho dù các nhà quản lý và những người làm bóng đá có nhiều cố gắng, mời gọi nhiều chuyên gia, huấn luyện viên nước ngoài về dẫn dắt các đội tuyển. Nhưng rồi họ cũng nối nhau ra đi trong sự tiếc nuối khi không thực hiện được những kỳ vọng thành tích cao mà người hâm mộ nước nhà trông chờ. Điều đó có nhiều nguyên nhân, song rõ ràng là sẽ không thể hiện thực hóa được những khao khát, ước mơ ấy trên nền tảng của một nền bóng đá thiếu chuyên nghiệp, của những bê bối cá độ, dàn xếp tỷ số, chơi bạo lực, điều hành thiếu trung thực, bên cạnh những mâu thuẫn triền miên trong quản lý...

Chúng ta thường nói “thầy hay, trò giỏi” sẽ làm nên chuyện, nhưng đã có những lúc bóng đá Việt Nam có đủ cả các yếu tố ấy và gần như đến sát đỉnh cao, song lại phải “rơi nước mắt” tiếc nuối. Ở những thời khắc ấy, chúng ta mới nhận ra rằng bóng đá Việt Nam không thật sự mạnh và cũng chưa trở thành một thế lực dù là ở cấp khu vực. Nhìn lại bước thăng tiến trong hai năm vừa qua mới thấy phần công lao lớn của HLV Pắc Hang-xo, một chuyên gia sắc sảo, biết nhận ra tài năng cầu thủ, biết đặt họ vào những vị trí phù hợp, đồng thời cũng là một người rất giỏi trong xây dựng lối chơi cho các đội tuyển Việt Nam, biến hóa trong từng trận đấu mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng, quan trọng hơn cả, vị HLV người Hàn Quốc thấu hiểu tâm lý cầu thủ, biết rèn giũa kỷ luật, khơi dậy ở họ niềm tự hào dân tộc và tinh thần thi đấu kiên cường, không bao giờ bỏ cuộc, một điều khiến các đối thủ đều phải thừa nhận và lo ngại khi đối đầu. Thầy trò HLV Mai Đức Chung của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng vậy. Bên cạnh việc chỉ đạo chuyên môn của người thầy, còn là sự tận tâm, nhiệt huyết của một người cha, để khi ra sân tất cả đã hòa thành một khối cùng một mục tiêu chiến thắng. Tuy nhiên, để HLV Pắc Hang-xo hay HLV Mai Đức Chung có được nguồn cầu thủ tài năng trong lựa chọn và những điều kiện cùng sự hỗ trợ hết mức trong triển khai xây dựng các đội tuyển, không phải ngày một, ngày hai có được. Đó là cả một hành trình dài chuẩn bị, đầu tư, xây dựng nền tảng và chiến lược phát triển, huy động các nguồn lực xã hội hóa, cũng như những thay đổi mang tính đột phá của bóng đá Việt Nam thời gian qua với sự quan tâm từ các cấp quản lý cho đến toàn xã hội.

Nhìn vào lứa cầu thủ hiện tại và lứa cầu thủ kế cận trong nhiều năm tới cùng các điều kiện nền tảng cho bóng đá Việt Nam, chúng ta bước đầu có niềm tin vào cách làm bài bản và một tương lai phát triển hơn. Nói thế là không quá bởi trong những năm gần đây, bên cạnh các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp vẫn gia tăng đào tạo các cấp độ trẻ, đã và đang xuất hiện những trung tâm bóng đá trẻ hiện đại, được đánh giá hàng đầu khu vực, thậm chí hàng đầu châu lục với sự liên kết của các học viện bóng đá lớn của châu Âu, là lò đào tạo nhiều lứa cầu thủ trẻ tài năng cung cấp cho các câu lạc bộ. Nhiều cầu thủ trẻ đã nhanh chóng khẳng định mình qua các mùa giải vô địch quốc gia đang dần được chuyên nghiệp hóa và không kém phần đua tranh quyết liệt. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng đây chính là môi trường thiết thực nhất để đào tạo, tôi luyện cầu thủ trưởng thành. Từ đó, có thể thấy, công tác đào tạo trẻ, đầu tư cho các câu lạc bộ và duy trì mùa giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp không thể thiếu sự tài trợ, giúp đỡ đến từ phía các doanh nghiệp và những doanh nhân tâm huyết, hết lòng vì bóng đá nước nhà. Không chỉ đóng góp đổi mới hoạt động và cung cách làm bóng đá, đầu tư cho các câu lạc bộ, có những người trong số họ âm thầm tìm kiếm và tài trợ lương cho các huấn luyện viên, chuyên gia giỏi người nước ngoài với mong muốn, khát khao đưa bóng đá nước nhà vươn tầm cao mới.

Để bóng đá phát triển cần có quá trình đầu tư bài bản cùng chiến lược và tầm nhìn lâu dài, nhưng còn phải tạo dựng được một nền “bóng đá sạch”, không có tiêu cực và bạo lực trên sân cỏ cũng như khán đài.

Đoạt ngôi vô địch, khẳng định được vị thế hàng đầu khu vực đã khó, song giữ được thành tích và vị thế ấy chắc chắn sẽ còn khó hơn. Bóng đá Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu khu vực, nhưng nói như HLV Pắc Hang-xo khi nhắc nhở học trò sau SEA Games 30: “Giỏi nhất ở Đông - Nam Á không có nghĩa chúng ta sẽ tiến tới cấp độ toàn cầu trong vài năm mà cần phải có kế hoạch chinh phục dài hạn và tôi không nghĩ nó sẽ dễ dàng”. Đây có lẽ cũng là lời nhắc nhở chung để trở về thực tế khi phía trước là hành trình dài trên những đấu trường lớn hơn. Hãy để niềm vui chiến thắng trở thành động lực và niềm tin cho chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách mới.