Mục tiêu và tổn thất

Đất nước Áp-ga-ni-xtan lại chứng kiến thêm một ngày giao tranh ác liệt, đáng nói là trùng thời điểm cuộc đàm phán giữa chính phủ và lực lượng Ta-li-ban đang diễn ra. Không chỉ làm mờ tia hy vọng hòa bình vừa hé mở, bạo lực gia tăng còn cản trở mục tiêu rốt ráo của Lầu năm góc rút binh sĩ về nước, chấm dứt cuộc tham chiến ở nước ngoài kéo dài và gây tổn thất nhiều nhất với Mỹ. 

Hơn một tuần sau khi chính quyền Ca-bun và lực lượng Ta-li-ban hôm 12-9 chính thức khởi động tiến trình đối thoại quốc gia, vốn được người dân Áp-ga-ni-xtan và dư luận thế giới hoan nghênh và chờ đợi, quốc gia Nam Á lại chìm trong bạo lực. Một loạt vụ tiến công và giao tranh dữ dội giữa các lực lượng an ninh với các tay súng Ta-li-ban xảy ra xuyên đêm, tại nhiều khu vực trên cả nước, gây thương vong lớn cho cả hai phía. Khi các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Ðô-ha (Ca-ta), bạo lực tiếp diễn, thậm chí nghiêm trọng hơn, khiến triển vọng đạt được lệnh ngừng bắn tại Áp-ga-ni-xtan càng thêm khó khăn.

Tình trạng bạo lực ở Áp-ga-ni-xtan không giảm dù tiến trình hòa đàm đã khai mở cũng cản trở mục tiêu rút quân của Mỹ. Trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ, được tổ chức ngay sau các vụ đụng độ mới nhất ở Áp-ga-ni-xtan, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Áp-ga-ni-xtan cảnh báo, tình trạng bạo lực tại chiến trường Nam Á này leo thang tới mức không thể chấp nhận, đồng thời kêu gọi Ca-bun và Ta-li-ban nhượng bộ nhiều hơn, nhằm sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo, Lầu năm góc sẽ phải thận trọng hơn, dựa trên điều kiện thực địa để điều chỉnh kế hoạch rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan vào tháng 5-2021.

Kế hoạch rút quân mới nhất được Tổng thống Mỹ Ð.Trăm công bố đầu năm 2020 đã đưa Mỹ và lực lượng Ta-li-ban tới bản thỏa thuận lịch sử ký hồi tháng 2, theo đó Lầu năm góc rút dần các binh sĩ về nước, đổi lại Ta-li-ban cam kết giảm bạo lực, ngăn chặn các nhóm khủng bố tại Áp-ga-ni-xtan. Hiện, quân số Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan còn 8.500 binh sĩ và theo lộ trình Oa-sinh-tơn đã cam kết, tiếp tục giảm xuống 4.500 binh sĩ vào giữa tháng 10 tới. Cùng bước đi thực hiện cam kết của Mỹ, kết quả trao đổi tù nhân giữa chính quyền Ca-bun và Ta-li-ban đã giúp cuộc đàm phán hòa bình nội bộ người Áp-ga-ni-xtan được khởi động sau gần 20 năm xung đột. Trong đó, một lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững là đòi hỏi cấp bách nhất và cả Ca-bun lẫn Oa-sinh-tơn đều đặt kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày đàm phán tại Ðô-ha, giữa Ca-bun và Ta-li-ban vẫn còn quá nhiều khác biệt trong các vấn đề chủ chốt.

Mỹ sa lầy tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan kể từ khi đưa quân vào quốc gia Nam Á lật đổ chế độ Ta-li-ban năm 2001. Cuộc xung đột gần 20 năm qua tại đây cũng là cuộc tham chiến ở nước ngoài dài nhất của quân đội Mỹ, với tổn thất lớn cả về tài chính và nhân lực. Mỹ đã đổ gần 133 tỷ USD vào công cuộc tìm kiếm hòa bình và tái thiết đất nước Áp-ga-ni-xtan, cùng khoảng 2.300 binh sĩ Mỹ chết, 20.000 người bị thương. Tổn thất của người Áp-ga-ni-xtan cũng rất lớn, xung đột đã cướp đi sinh mạng của khoảng 58.000 binh sĩ và cảnh sát, cùng 38.000 dân thường, trong khi Ta-li-ban cũng mất khoảng 42.000 tay súng.

Song, đường tới hòa bình và ổn định của Áp-ga-ni-xtan vẫn mờ mịt, khi bạo lực tiếp diễn, an ninh quốc gia chưa được bảo đảm, bộ máy chính quyền chưa vận hành trơn tru, tình trạng nghèo đói và thất nghiệp vẫn nghiêm trọng, cuộc chiến chống khủng bố không đạt thành công đáng kể. Chi hàng tỷ USD để cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự, hỗ trợ thiết lập hàng chục căn cứ huấn luyện cho lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan, song Mỹ vẫn không thành công trong mục tiêu nâng cao năng lực bảo đảm an ninh của lực lượng nước chủ nhà, cũng như duy trì ổn định ở khu vực.

Tổn thất lớn mà kết quả không như mong đợi càng thúc đẩy Mỹ ráo riết triển khai kế hoạch đưa binh sĩ về nước, song Oa-sinh-tơn lại rơi vào thế kẹt trong chính mục tiêu này. Rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan không chỉ là điều kiện mà Ta-li-ban đặt ra, mà còn là đòi hỏi cấp bách của người dân "xứ cờ hoa". Song, việc này lại có thể dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền trung ương ở Áp-ga-ni-xtan. Lộ trình rút quân đã được cam kết, song tuyên bố của quan chức Lầu năm góc về khả năng điều chỉnh kế hoạch cho thấy mục tiêu của Mỹ không dễ hoàn tất.